Sáng 10/1, thành viên nội các chính phủ Pháp đã có cuộc họp khẩn để đưa phương cách nhằm đối phó với nguy cơ các cuộc tấn công khủng bố có thể lặp lại ở thủ đô Paris, nhất là khi mạng lưới khủng bố Al-Qaeda đe dọa sẽ tiến hành thêm nhiều cuộc tấn công mới. Trong khi đó, Liên minh châu Âu và nhiều quốc gia khác cũng đưa ra những cảnh báo sớm về an ninh và kêu gọi một chiến dịch chống khủng bố mới trên toàn cầu.
Lời tự thú của Al-Qaeda
Mặc dù hai anh em nhà Kouachi và thủ phạm vụ bắt cóc con tin tại siêu thị ở Paris Amedy Coulibaly đã bị tiêu diệt, song bầu không khí ảm đạm vẫn bao trùm thủ đô Paris. Nước Pháp, kinh đô của ánh sáng, nơi có đông dân Hồi giáo và Do Thái sinh sống nhất ở châu Âu chỉ trong 3 ngày đã trở thành một trong những quốc gia ít an toàn nhất trong khu vực.
Nỗi lo lặp lại những thảm họa khủng bố đang khiến cuộc sống người dân ở nước này trở nên khó khăn và mệt mỏi hơn, nhất là khi Harith Bin Ghazi al-Nadhari, một nhân vật cấp cao chuyên trách lĩnh vực luật Hồi giáo của mạng lưới khủng bố Al-Qaeda trên bán đảo Arab (AQAP) tại Yemen đã đe dọa sẽ tiến hành các cuộc tấn công mới tại Pháp tiếp sau các vụ tấn công nhằm vào tòa báo Charlie Hebdo và một siêu thị của người Do Thái ở thủ đô Paris.
Theo tổ chức chuyên theo dõi khủng bố SITE, hôm 9/1, chỉ vài giờ sau khi cảnh sát Pháp tấn công và tiêu diệt được 2 anh em nhà Kouachi, một đoạn băng dài gần 6 phút đã được tung lên mạng Internet với hình ảnh Harith Bin Ghazi al-Nadhari đang kêu gọi tấn công nước Pháp. Trong bài phát biểu của mình, Harith Bin Ghazi al-Nadhari đe dọa rằng, nếu nước Pháp không dừng lại các cuộc vây quét tấn công đạo Hồi, các biểu tượng tôn giáo đạo Hồi và những người Hồi giáo, lực lượng này sẽ tiếp tục tiến hành các cuộc tấn công khác. Đồng thời, Harith Bin Ghazi al-Nadhari còn cho biết rằng, vụ tấn công tòa báo Charlie Hebdo là để trả thù cho việc tòa báo này đã có những bài báo và hình ảnh châm biếm, xuyên tạc về nhà tiên tri Mohamed.
Tuyên bố của Harith Bin Ghazi al-Nadhari đã phần nào củng cố thêm về những thông tin và nhận định mà cơ quan an ninh Pháp đưa ra xung quanh 3 vụ việc vừa xảy ra từ hôm 7-1. Trước đó, trong một cuộc họp báo tối 9/1, trưởng công tố Paris cũng cho biết rằng, thủ phạm trong vụ xả súng ở tòa báo Charlie Hebdo và hai vụ bắt cóc con tin ở Paris đều quen biết nhau. Thậm chí, chúng cùng nhau lên kế hoạch và phối hợp tổ chức tấn công khủng bố.
Mối quan hệ giữa Said Kouachi, Cherif Kouachi và Amedy Coulibaly xuất hiện khi chúng bị giam chung trong một nhà tù hồi năm 2005-2006 và cùng nhau cải sang đạo Hồi. Điều này cũng lý giải tại sao khi đang bắt cóc con tin trong siêu thị ở Paris, Amedy Coulibaly liên tục đe dọa giết con tin nếu cảnh sát đột kích tiêu diệt anh em nhà Kouachi đang bị bao vây tại một công ty in ấn ở phía Đông Bắc Paris. Đài truyền hình Pháp BFM thì dẫn một nguồn tin từ cơ quan an ninh cho hay, các đoạn băng ghi âm cuộc điện thoại cho thấy những tên này đã liên lạc với nhau gần 500 lần vào thời điểm trước khi xảy ra vụ xả súng ở tòa báo Charlie Hebdo.
Chỉ trong 3 ngày, 17 người Pháp đã bị thiệt mạng trong các vụ tấn công khủng bố và bắt cóc con tin.
Chưa hết, cả 3 tên này cũng đã gọi điện đến đường dây nóng của đài và khẳng định rằng, chúng từng đến Yemen, được thủ lĩnh AQAP Anwar al-Awlaki bảo trợ và phái trở về Pháp để tiến hành tấn công khủng bố. Đến nay, cả 3 tên này đều là thành viên nhóm cực đoan Buttes Chaumont người Pháp gốc Algeria. Hiện lực lượng an ninh Pháp đang ráo riết truy tìm thêm Hayat Boumedienne, tình nhân của Amedy Coulibaly đồng thời là kẻ đã tham gia cùng trong vụ bắt cóc và sát hại 4 con tin ở cửa hàng tạp hóa. Hãng AP dẫn lời một công tố viên cho biết, Hayat Boumedienne là người gốc Algeria, có súng và cực kỳ nguy hiểm. Tên này đã cải sang đạo Hồi và đi theo Amedy Coulibaly từ năm 2009.
Và nỗi lo khủng bố thâm nhập châu Âu
Chưa bao giờ nước Pháp lại phải trải qua những giờ phút kinh hoàng như trong 3 ngày vừa qua. Tổng thống Pháp Francois Hollande trong bài phát biểu trực tiếp trên truyền hình hôm 9/1 cũng đã thừa nhận rằng, Pháp đang đối mặt với những mối đe dọa an ninh lớn nhất từ trước tới nay. Vì vậy, nước này sẽ áp dụng mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ người dân. Tại cuộc họp khẩn của nội các sáng 10/1, ông Francois Hollande cũng đã yêu cầu phải nâng cao cảnh giác và tăng cường an ninh khắp nơi trên đất Pháp để tránh lặp lại những thảm kịch như trên.
Trong khi đó, nhiều quốc gia láng giềng của Pháp cũng bắt đầu thực hiện các biện pháp mạnh trong công tác an ninh. Như ở Đức, Cục Cảnh sát hình sự liên bang đã triển khai một kế hoạch an ninh đặc biệt với các biện pháp khẩn cấp đề phòng nguy cơ xảy ra khủng bố trên toàn nước Đức. Cục này cũng đã đưa ra một hướng dẫn khẩn cấp đối với các đơn vị cảnh sát ở cấp liên bang và tiểu bang nhằm phát hiện và ngăn chặn các đối tượng tình nghi khủng bố trong thời gian nhanh nhất có thể. Anh cũng tiếp tục duy trì báo động cấp độ nghiêm trọng ở thủ đô London. An ninh tại biên giới được tăng cường và tất cả các hành khách đến nước này, đặc biệt là đường biển, qua đường hầm eo biển Manche đều bị kiểm tra hộ chiếu bổ sung…
Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne cam kết, cơ quan tình báo nước này sẽ được đáp ứng mọi nguồn lực cần thiết để ứng phó với các mối đe dọa khủng bố. Trong khi đó, Thủ tướng Italia Matteo Renzi đã kêu gọi EU thành lập cơ quan tình báo cho cả khối để tạo thành một hệ thống an ninh, tình báo chung. Đồng thời, Italia cũng mở một cuộc điều tra tại đảo Sicily vì có những lo ngại rằng nơi đây có thể trở thành “cửa ngõ” cho các phần tử khủng bố thâm nhập châu Âu dưới vỏ bọc của những người nhập cư. Nhiều quốc gia khác như Tây Ban Nha, Bỉ… cũng nâng cao mức báo động an ninh. Mỹ thì đưa ra cảnh báo đi lại trên toàn cầu.
Hãng tin Reuters cho hay, vụ việc ở Pháp còn dấy thêm nhiều lo ngại về khả năng khủng bố xâm nhập châu Âu bởi cho đến nay, số người châu Âu gia nhập tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) cũng khá đông. Vì thế, nghị viện châu Âu đang dự kiến tổ chức cuộc họp vào ngày 12/1 để bàn thảo về cuộc chiến chống khủng bố và đưa ra một chương trình mới cho vấn đề này. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker nhấn mạnh, chống khủng bố là trách nhiệm của mỗi nước thành viên trong khối. Ngoài ra, Ngoại trưởng các nước EU cũng sẽ nhóm họp tại Brussel (Bỉ) vào ngày 19/1 và các Bộ trưởng Nội vụ họp tại Riga (Latvia) vào ngày 28/1 để thảo luận các biện pháp chống khủng bố hiệu quả hơn.