Người lao động bị Cty bố trí ngồi... gác cửa.
Vụ việc 6 nhân viên của Cty Hoàng Vĩnh Kim (ĐC: 31/3C Song Hành, quốc lộ 22, Q.12, TPHCM) bị Cty “cấm cửa” vì đề nghị được ký HĐLĐ vừa được TAND Q.12 đưa ra xét xử. Theo đó, Cty phải bồi thường cho NLĐ vì đã đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật. Thế nhưng dù thắng kiện, NLĐ vẫn cảm thấy bất an.
Như báo Lao Động đã thông tin, tranh chấp giữa 6 NLĐ và Cty Hoàng Vĩnh Kim phát sinh từ ngày 17.2.2014, khi NLĐ yêu cầu Cty ký HĐLĐ theo đúng như thỏa thuận lúc nhận NLĐ vào làm việc. Thỏa thuận chưa thành thì Cty đã bố trí cho 6 nhân viên (gồm kiểm hàng, may mẫu, quản lý) ngồi… gác cửa. Ngày 6.3, Cty ra thông báo nêu rõ ngày 4.3, Cty đã thông báo việc ký HĐLĐ nhưng 6 NLĐ không đồng ý, vì vậy, kể từ ngày 5.3.2014, Cty Hoàng Vĩnh Kim không có trách nhiệm phân công công việc và trả lương cho NLĐ. Cty yêu cầu NLĐ không đến trụ sở Cty gây ảnh hưởng đến trật tự và hoạt động kinh doanh của DN. Cho rằng Cty đã đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái luật nên 6 NLĐ đã làm đơn khởi kiện đến TAND Q.12. Đến nay, mới có 4/6 trường hợp được TAND Q.12 đưa ra xét xử. Trình bày với phóng viên, NLĐ cho rằng: “Theo bản án sơ thẩm, mỗi người được Cty bồi thường ít nhất 40 triệu đồng, chúng tôi thắng kiện nhưng thực tế thì chúng tôi vẫn phải chịu nhiều thiệt thòi”.
Anh Lê Phay Phay - nguyên quản lý của Cty - cho biết trong đơn khởi kiện, anh yêu cầu Cty phải trả lương cho những ngày anh không được làm việc (từ ngày 6.3.2014 đến ngày xét xử). “Tôi vào làm việc tại Cty từ ngày 20.2.2013 bằng một thỏa thuận làm việc, ghi rõ mức lương 14 triệu đồng/tháng, phụ cấp 800.000 đồng/tháng, không nói gì về việc thử việc. Đến khi tranh chấp xảy ra, ngày 21.2, Cty đưa ra bản dự thảo HĐLĐ và đề nghị tôi ký kết thời hạn 1 năm (kể từ ngày 20.4.2013 đến 19.4.2014). Nhận thấy HĐLĐ đó có những điều khoản không phù hợp nên tôi không ký, vậy mà TAND Q.12 lại dựa vào bản dự thảo HĐLĐ này cho rằng hai bên có dự kiến thỏa thuận HĐLĐ xác định thời hạn 1 năm. Từ lập luận trên, tòa tuyên chỉ buộc Cty bồi thường cho tôi tiền lương những ngày không được làm việc tính đến ngày kết thúc HĐLĐ thời hạn 1 năm (là ngày 19.4.2014). Với cách nhận định như thế sẽ thiệt thòi cho NLĐ” - anh Phay nói.
Theo các bản án mà TAND Q.12 đã tuyên, do Cty Hoàng Vĩnh Kim đã đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật nên phải bồi thường cho NLĐ 2 tháng tiền lương và chi trả những ngày NLĐ không được làm việc. Theo đó, Cty phải bồi thường cho chị Tống Mỹ Linh 46,8 triệu đồng, bồi thường cho chị Nguyễn Thị Ngọc Oanh 54,4 triệu đồng, bồi thường cho anh Huỳnh Loan Thảo gần 70 triệu đồng, anh Lê Phay Phay là 54,4 triệu đồng. Phía Cty Hoàng Vĩnh Kim đã có đơn kháng cáo, yêu cầu cấp phúc thẩm xem xét lại toàn bộ bản án. Nhiều NLĐ cho biết, dù khó khăn, họ cũng sẽ theo đuổi vụ việc tới cùng để đòi lại quyền lợi chính đáng của mình.