Có thể khẳng định, công tác quản lý của ngành chức năng ở vùng mỏ Hang Cá - Đá Cạo - Bà Đầm (huyện Ngọc Lặc, Yên Định, Thanh Hóa) đang bị buông lỏng. Cách khai thác “vô tư” không đúng quy trình thiết kế được duyệt của các công chủ mỏ đang hủy hoại môi trường sống đối với cư dân địa phương, gây ra nhiều cái chết đau lòng và làm lãng phí nguồn tài nguyên thiên nhiên. Thực tế này đặt ra câu hỏi về việc có hay không sự “bao che” cho các sai phạm từ phía cơ quan chức năng?
Có không sự “bao che”?
Liên quan đến cái chết của thợ cống Lê Quang Quýnh tại khu vực mỏ của Cty TNHH Xuân Trường (Cty Xuân Trường), Cơ quan CSĐT Công an huyện Yên Định (CQCSĐT CA Yên Định) đã vào cuộc và đưa ra bản kết thúc điều tra số 27/CAYĐ ngày 23.5.2014 do ông Lê Ngọc Đức - Thủ trưởng CQCSĐT CA Yên Định - ký. Nhưng những thông tin trong văn bản nêu trên dường như cho thấy, công tác điều tra và kết luận khá sơ sài. Tại văn bản này, CQCSĐT CA Yên Định đánh giá đây là vụ tai nạn nghiêm trọng, nhưng lại xác định: Quá trình điều tra, các nhân chứng khai, khi đi từ nhà ở của Cty Xuân Trường lên khu vực hiện trường, anh Quýnh đi một mình và không mang theo vật liệu nổ? Khi vụ nổ xảy ra, tại thực địa chỉ có mình anh Quýnh, ngoài ra không có người nào khác. Vì vậy, CQCSĐT CA Yên Định không đủ tài liệu kết luận diễn biến vụ nổ và nguồn gốc vật liệu nổ làm anh Quýnh tử vong.
CQCSĐT CA Yên Định kiểm tra và xác định, Cty Xuân Trường có hợp đồng số 18-HĐLĐ ngày 1.12.2013 với anh Lê Quang Quýnh về giao khoán khai thác đá bằng thuốc nổ. Anh Quýnh đã được Sở Công Thương Thanh Hóa cấp chứng nhận “Hoàn thành chương trình bồi dưỡng kiến thức về nghiệp vụ chỉ huy nổ mìn” đang còn hiệu lực. Về việc này, khi làm việc với phóng viên Báo Lao Động, chị Lê Thị Ngân (vợ anh Quýnh) và ông Lê Quang Tâm - Trưởng thôn 3, xã Xuân Du, huyện Như Thanh - đều khẳng định: “Thằng này (anh Quýnh - PV) là thợ đục cống giỏi. Chữ nghĩa nó không biết gì cả nhưng tính toán rất siêu, nhân chia mét cống, tính tiền công cán cho thợ không thiếu một đồng. Số điện thoại lưu trong máy nó, do không biết chữ nên không lưu được tên, nhưng bấm một lần rồi thì cứ thế nó gọi đúng người cần, không nhầm lẫn”. Nạn nhân Lê Quang Quýnh không biết chữ, vậy bằng cách nào để Sở Công Thương có thể cấp chứng nhận “về nghiệp vụ nổ mìn cho anh Quýnh” được?. Chưa hết, dù khẳng định thiết kế phương án nổ mìn của Cty Xuân Trường không được cấp có thẩm quyền phê duyệt, vi phạm quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, nhưng CQCSĐT CA Yên Định chỉ kiến nghị “cần được nhắc nhở”.
Những ngày phóng viên Báo Lao Động “ăn dầm ở dề” dọc dãy núi Hang Cá - Đá Cạo - Bà Đầm để thực hiện loạt phóng sự này, cũng là thời điểm đoàn thanh tra do ông Lương Đức Tùng - Trưởng phòng Kỹ thuật và an toàn công nghiệp thuộc Sở Công Thương - dẫn đầu đang làm việc với các chủ mỏ ở khu vực Hang Cá. Thế nhưng, kỳ lạ ở chỗ, việc DN Phương Hương thuê thợ cống dùng khối lượng lớn thuốc nổ đánh sập khối đá vào ngày 30.8 khi không được phép và Cty Xuân Trường đang thuê thợ tự do đục cống, đào gầm chuẩn bị “đánh quyết định” lại không được đoàn kiểm tra “ngó ngàng” đến! Ông Trịnh Đình Xuân - Giám đốc Cty Xuân Trường - còn khoe với tôi rằng: “Đơn vị anh thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ nên không phải kiểm tra. Đoàn kiểm tra chỉ đến các đơn vị chưa được cấp phép xem có thực hiện đúng lệnh tạm dừng khai thác không, có ngừng sử dụng vật liệu nổ không thôi”.
Đùn đẩy trách nhiệm
Trước thời điểm đoàn thanh tra của Sở Công Thương Thanh Hóa làm việc với các chủ mỏ ở Hang Cá, phóng viên Báo Lao Động có cuộc làm việc với ông Lương Đức Tùng - Trưởng phòng Kỹ thuật và an toàn công nghiệp thuộc Sở Công Thương. Ông Tùng cho biết: Hồ sơ đảm bảo đủ các điều kiện để được khai thác mỏ đá rất phức tạp với nhiều quy định chặt chẽ. Danh sách người nổ mìn phải là những người đã được học qua các lớp đào tạo do cơ quan nhà nước tổ chức. Đơn vị khai thác mỏ cũng phải qua 3 lần kiểm soát và đầu tiên, cảnh sát PCCC sẽ xuống xem kho đặt có đúng vị trí không, lựa chọn kỹ sư nhập kho có đầy đủ bằng cấp không... “Vừa rồi Chính phủ có ra Nghị định 163 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất, phân bón và vật liệu nổ. Do vậy việc kiểm tra, giám sát, xử lý các chủ mỏ mắc sai phạm là trách nhiệm của công an địa phương. Chứ ở dưới xuôi làm sao biết được thằng nào nổ mìn trên mỏ! Cả phòng tôi có 5 người thì làm sao mà quản lý, theo dõi hết được. Đây là trách nhiệm của cả Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường và trách nhiệm của… toàn xã hội”.
Trong khi đó, ông Lê Ngọc Thanh - Phó Giám đốc Sở Xây dựng - khẳng định: Sở Xây dựng chỉ có trách nhiệm tham gia cùng Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) trong việc xác định thiết kế đường ra, đường vào mỏ và thiết kế cơ sở. “Vì sở giữ vai trò thứ yếu nên chủ mỏ có nghe hay không là… không bắt buộc. Còn theo quy định thì sở nào cũng phải có trách nhiệm, nhưng thông thường tỉnh giao cho Sở TNMT thực hiện công tác thanh, kiểm tra. Chủ trì cấp phép cũng là Sở TNMT tham mưu cho UBND tỉnh. “Bọn em muốn tìm hiểu sâu thì phải sang Sở TNMT” - ông Thanh nói.
Đáng chú ý, ông Phạm Văn Hoành - Trưởng phòng Tài nguyên khoáng sản thuộc Sở TNMT - ngày 12.9 cho biết: Tất cả các mỏ đá được cấp phép hoạt động khai thác tại dãy núi Hang Cá - Đá Cạo - Bà Đầm đều nằm trong quy hoạch thăm dò. Kết quả kiểm tra 23 giấy phép hoạt động của 23 đơn vị cho thấy chỉ có một đơn vị khai thác đúng thiết kế đã được Sở Công Thương thẩm định. Thanh tra Sở TNMT đã quyết định xử phạt đối với các đơn vị khoan cắt đá không đúng theo thiết kế thẩm định.
Tuy nhiên, theo điều tra của phóng viên Báo Lao Động, đây chỉ là việc làm “bắt cóc bỏ đĩa”. Một thực tế, có nhiều chủ mỏ đang khai thác đá, không phải chỉ là vật liệu xây dựng thông thường như ông Hoành trả lời. Các chủ mỏ còn khai thác cả đá xẻ xuất khẩu, hiện trường vẫn còn ngổn ngang, không có gì khó khăn để nhận ra và việc này rõ ràng là trái với quy định của pháp luật trong khai thác mỏ. Việc xử phạt chưa đến 10 triệu đồng/lần vi phạm rồi bỏ mặc để chủ mỏ “tung hoành” như trước chả thấm vào đâu.
“Nhiều bất cập lắm!”
Về việc cấp phép mỏ, quản lý quy trình khai thác, quản lý vật liệu nổ, thu thuế, phí môi trường và đánh giá tác động môi trường, ông Lưu Vũ Lâm - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Định - cho biết: Cái này đều do các sở, ngành dưới tỉnh thực hiện. Huyện chỉ được giao giám sát thôi. Công tác giám sát có cái khó là: Các DN hoạt động trên địa bàn khai thác mỏ, nhưng trụ sở lại ở dưới thành phố nên để triển khai các nội dung gặp nhiều khó khăn. “Nhiều lần chúng tôi cho các đoàn kiểm tra an toàn lao động, vệ sinh môi trường, nhưng đến chỉ toàn có công nhân với lại anh đốc công nên không xử lý được. Hằng năm, huyện có tổ chức các hội nghị tiếp xúc DN, nhưng mời họ cũng không đến” - ông Lâm thanh minh. Thực tế, dù UBND tỉnh có tiến hành chấn chỉnh, công tác quản lý mỏ hiện nay vẫn còn nhiều bất cập. “Các DN khai thác tràn lan, mất an toàn, vệ sinh lao động không đảm bảo. DN chủ yếu ký hợp đồng thời vụ với công nhân. Đặc biệt, khi xảy ra tai nạn, cứ có tiền là xong. Chủ mỏ giấu nhẹm chuyện chết người, có khi vài tháng mới phát hiện” - ông Lâm bức xúc.
Cũng theo đại diện chính quyền huyện Yên Định: “Phần lớn các DN khai thác đá, giám đốc mỏ chỉ có tên trong hồ sơ nhưng không có người. Lấy đâu ra kỹ sư mỏ mà làm giám đốc nhiều thế? Có hỏi kỹ sư mỏ, chủ DN bảo đang đi công tác cũng đành chịu. DN họ “lắm bài” đối phó với cơ quan chức năng theo kiểu nhờ bằng dược sĩ để mở cửa hàng thuốc ấy”. Đem chuyện quy trình khai thác của các DN quá lạc hậu, rồi chuyện các DN khai thác đá xẻ dùng mìn đánh om ra thắc mắc, ông Lưu Vũ Lâm nói: “Do không đủ khả năng đầu tư máy móc nên các ông chủ tổ chức đánh hàm ếch để ăn xổi thôi. Bây giờ mình khai thác, đến đời con cháu sau này mới khổ, mất tài nguyên đã đành, nhưng khắc phục thì phải tốn gấp nhiều lần”.
Vậy đó, trong khi các DN khai thác đá có những “cú đánh quyết định” để phá núi lấy đá bằng thuốc nổ, bất chấp hiểm nguy của người lao động cũng như hậu quả về môi trường, các cơ quản lý từ huyện đến tỉnh Thanh Hóa lại không có một “cú đánh quyết định” nào để giải quyết tình trạng trên!