Cơ khí - ngành nghề đòi hỏi phải hiện đại hóa nhanh nhất nhưng công việc mang tính thủ công vẫn còn rất phổ biến.
“Làm sao làm việc có năng suất cao, nếu cứ phải tốn phí thời gian chạy chọt thủ tục rườm rà, chen chúc khám bệnh, lo học cho con? Làm sao có năng suất cao nếu môi trường làm việc ở xí nghiệp, ở công ty, ở cơ quan luộm thuộm, tắc trách, mất đoàn kết? Làm sao có năng suất nếu cuộc sống không an toàn, giao thông ách tắc dài dài?
Thật ra những chuyện nói trên đều thuộc loại “khổ lắm, biết rồi, nói mãi”, nhưng xem ra sự chuyển động còn ỳ ạch lắm, thậm chí đâu đó còn chuyển động ngược lại điều mong muốn (ví dụ chuyện bộ máy cồng kềnh, giảm biên chế, dùng người tài, phân phối không hợp lý…). Vấn đề là vì sao như vậy và cần làm gì để thoát khỏi thực trạng này? Mong các vị đại biểu Quốc hội bàn thảo cho ra nhẽ và đề xuất cao kiến”. - nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Khoan - nhấn mạnh.
Nhân kỳ họp cuối năm của Quốc hội dự kiến diễn ra vào ngày 20.10 tới, ông Vũ Khoan (ảnh) - nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ - đã chia sẻ với Báo Lao Động về tình hình kinh tế đất nước, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến năng suất lao động - một điểm yếu căn bản của kinh tế VN. Lao Động xin giới thiệu bài viết của nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan.
Cái quan trọng nhất, nhưng ít được bàn thảo nhất
Là một cử tri tôi không thể không có những cảm nghĩ này nọ về nhân tình thế thái, trong đó có vấn đề sát sườn là tình hình kinh tế đất nước. Tâm sự có nhiều, song cái điều làm tôi suy nghĩ nhiều nhất là năng suất lao động (NSLĐ) ở nước ta, một vấn đề nóng lên, nhân trong bảng xếp hạng về NSLĐ các nước của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), vị trí nước ta thấp một cách đáng buồn.
Ở các lớp học chính trị thường được nghe các thầy nhắc tới câu nói nổi tiếng của V.I.Lê-nin: “Xét đến cùng thì NSLĐ là cái quan trọng nhất, chủ yếu nhất cho thắng lợi của chế độ xã hội mới”. Ứng với thời cuộc có thể nói: công cuộc chuyển đổi mô hình tăng trưởng có thành công hay không; nước ta có chặn đứng được đà tụt hậu so với nhiều nước khác hay không; có thoát được bẫy thu nhập trung bình hay không; có trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại hay không…, đều nằm ở khâu này cả.
Thật ra NSLĐ ở nước ta khá thấp là chuyện đã tồn tại từ lâu, mắt thường cũng thấy chứ chẳng cần chờ tới khi ILO nói mới biết. Chỉ có điều không biết vì sao khi bàn về các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, chỉ tiêu NSLĐ không thấy được nêu bật và luận bàn thấu đáo; thậm chí khi bàn về một chủ đề “thời thượng” là tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng cũng hiếm khi được nghe thấy sự đánh giá sâu sắc và những biện pháp thiết thực để vực dậy “cái quan trọng nhất, cái chủ yếu nhất” này! Rất mong các vị đại biểu Quốc hội bổ khuyết ngay trong cuộc họp này, tạo nên truyền thống đặt chỉ tiêu năng suất, hiệu quả lên hàng đầu trong số các chỉ tiêu phát triển cho dù là ngắn hạn, trung hạn hay dài hạn..
Lao động chân tay còn quá nhiều
Trong khi chờ đợi các cơ quan hữu quan và các nhà kinh tế nghiên cứu, phân tích ra nhẽ, ta hãy thử điểm lại xem vì sao NSLĐ ở nước ta đến nông nỗi này, cần làm gì để chỉnh sửa?
Điểu dễ thấy là trình độ phát triển của nước ta còn quá thấp, lao động nông nghiệp chiếm số đông và chủ yếu vẫn còn ở tình trạng “con trâu đi trước, cái cày theo sau”; trong các ngành khác, lao động chân tay còn quá nhiều; hàm lượng khoa học - công nghệ trong từng sản phẩm, từng công việc còn quá ít. Những ngành và sản phẩm công nghệ cao, tạo nên năng suất và giá trị gia tăng cao còn quá hẻo. Đại hội IV họp gần 40 năm trước, cách mạng khoa học - kỹ thuật được xác định là khâu then chốt nhưng hình như vẫn chưa phải; sự tăng trưởng kinh tế ở ta chủ yếu vẫn dựa vào việc đổ thêm vốn và lao động.
Và nữa, đận này nơi nơi đều thấy bàn về “đổi mới thể chế” nhưng rất ít khi nghe được những cao kiến về sự đổi mới một cách căn bản và toàn diện thể chế liên quan tới khoa học - công nghệ để làm sao các nhà khoa học và người sản xuất kinh doanh liên thông, gắn bó mật thiết với nhau, đôi bên đều thấy “muốn” và “có thể” đưa máy móc hiện đại, thành tựu khoa học - công nghệ vào sản xuất kinh doanh. Nói đi phải nói lại, thực ra cũng đã có thể chế này thể chế nọ, xuất hiện không ít “chiến lược” phát triển ngành này, sản phẩm kia nhưng xem ra những cơ chế chính sách đưa ra vẫn chưa trở thành cú hích đủ mạnh để có thể tạo ra nhiều tiền tươi, thóc thật.
Các “công nhân” lát vỉa hè tại ngã tư Kim Mã - Liễu Giai (Hà Nội). Ảnh: Hải Nguyễn
Khó có năng suất cao với văn hóa “làm việc theo giờ”
Trong bất cứ việc gì, con người vẫn là nhân tố quyết định. Nền giáo dục nước ta đang được đổi mới một cách cơ bản và toàn diện nhưng kết quả ra sao chắc còn phải có thời gian, trước mắt đang thấy bàn lên bàn xuống chuyện thi cử. Điều không vui là đào tạo nghề lại là một trong những chỉ tiêu chưa đạt và cách đào tạo xem ra còn phổ biến tình trạng dạy chay, học một đằng, nhu cầu một nẻo, khi sử dụng lại phải đào tạo lại. Không chỉ có vậy. Khi đề cập tới nhân tố con người liên quan tới năng suất lao động có lẽ nên tiếp cận dưới góc độ “không gian ba chiều”: kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp và văn hóa làm việc. Về cả ba mặt này hình như đều có chuyện cả. Về kiến thức thì lâu nay ta vẫn ta thán: Lý thuyết nhiều, thực hành ít, mà không có kỹ năng làm dây cu-roa nối với thực tế thì bánh xe năng suất làm sao có thể chạy được? Tiếc rằng, trạng thái thiếu vắng “nhất nghệ tinh” khá phổ biến ở mọi ngành, mọi cấp.
Một vấn đề khác là văn hóa lao động. Khó mà có năng suất cao với văn hóa “làm việc theo giờ” chứ không phải “làm việc theo việc”. Tình trạng phổ biến ở ta là cứ sắp hết giờ hành chính là mắt trước mắt sau rủ nhau ra quán hoặc về nhà cho dù công việc trong ngày chưa làm xong, thủ trưởng chưa rời nhiệm sở. Điều này khác hẳn văn hóa của người Nhật chẳng hạn: Ở đó người ta chỉ ra về khi công việc trong ngày đã hoàn tất và thủ trưởng đã rời cơ quan. Cứ cái cảnh chè thuốc kéo dài, lễ lạc triền miên, hội họp tối ngày thì lấy đâu ra NSLĐ cao?
Năng suất, hiệu quả phải được lấy làm thước đo…
NSLĐ xã hội không thể cao với bộ máy cồng kềnh, trùng lặp lẫn nhau, trách nhiệm không rõ ràng, thậm chí trùng chéo nhau. Nếu trong mỗi cơ quan, mỗi DN, nhất là cơ quan, DNNN không chuyển từ trạng thái người nhiều hơn việc sang việc nhiều hơn người, buộc mỗi người phải nai lưng ra làm thì không bao giờ có năng suất cao được. Để nâng cao NSLĐ, sự đổi mới thể chế ở tầm vĩ mô rất quan trọng nhưng chưa đủ. Điều không kém phần quan trọng là đổi mới quản trị doanh nghiệp, cơ quan - câu chuyện ít được đề cập hơn và chưa được cải thiện mạnh mẽ.
Ở đây nảy sinh ngay một vấn đề khác; đó là chế độ đãi ngộ. Nếu không triệt để tuân thủ quy luật “làm theo năng lực, hưởng theo đóng góp”, đưa câu “hiền tài là nguyên khí quốc gia” từ Văn Miếu và các cuộc hội thảo vào cuộc sống, thì không sao có thể khuyến khích mọi người làm ăn có năng suất ngày một cao hơn…
Nhìn chung lại, buồn thì có buồn nhưng muốn giải nỗi sầu này sẽ còn phải tháo gỡ nhiều chuyện. Dù có than khóc thảm thiết tới đâu đi nữa cũng chẳng có ông Tiên nào xuất hiện nâng hạng năng suất nước mình lên được. Có lẽ chìa khoá nằm ở chỗ: Trong mọi việc, đối với mọi người, năng suất, hiệu quả phải được lấy làm thước đo chủ yếu. Chỉ có vậy nay mai nước ta mới vươn lên được thứ bậc cao hơn, sánh vai cùng bè bạn năm châu.