Tính đến cuối tháng 9-2014, tổng số lao động nước ngoài tại Khu kinh tế Vũng Áng (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) là 5.321 người (trong đó lao động Trung Quốc là 3.680 người).
Mưu sinh với nghề nguy hiểm: 'Người nhện' trên lèn đá
- Cập nhật : 07/10/2014
Nhiều lần đi trên QL9 đoạn qua khu vực khai thác đá ở thôn Thượng Lâm (xã Cam Thành, H.Cam Lộ, Quảng Trị), tôi thường thấy những chấm đen li ti, động đậy giữa những lèn đá lưng chừng trời, mà nếu không nhìn kỹ, sẽ chẳng ai dám tin đó là bóng dáng của con người...
Một chiều cuối tháng 9, tôi lên làng “đội đá” Thượng Lâm. Như thường lệ, bao quanh làng là những màn “sương khói” do bụi đá tạo nên và đến đâu cũng nghe thấy tiếng động cơ phá đá rầm rầm. Giữa cái nắng chói chang ấy, những bóng người nhỏ bằng hạt đậu vẫn hiện diện trên những vách đá.
“Thi gan” với tử thần
Lo lắng với bụi đá
Ngoài những mối nguy hiểm cho ra hậu quả tức thì, người Thượng Lâm và đặc biệt là những người trót làm nghề “đội đá”, “phá đá” còn rất lo lắng về mối nguy bụi đá. Ngoài khu vực khai thác, thứ bụi li ti này bay khắp làng xóm. “Ra công trường chúng tôi cũng hít bụi, về nhà cũng hít bụi. Nói thật, chúng tôi cũng chả biết phải... “đi” khi nào đây”, một công nhân trẻ tuổi chép miệng.
Dân gian bảo “miệng ăn núi lở” quả đúng, ví như những hòn núi đá “khủng” ở thôn Thượng Lâm được người ta khai thác hết năm này qua năm khác nay đã bắt đầu “gầy gò”, nham nhở dần. Kỳ lạ rằng, vẫn còn nhiều người gan lì đủ can đảm, dò dẫm trên những lèn đá ấy, khoan lỗ, đặt mìn.
Ông Nguyễn Chí, Trưởng thôn Thượng Lâm, nói: “Chắc cũng chỉ có dân Thượng Lâm mới dám trèo lên mấy chỗ đó”. Theo ông Chí, Thượng Lâm có 250 hộ/1.000 khẩu nhưng 2/3 trong số đó phải gắn cuộc đời với... đá. Đàn ông, thanh niên khỏe mạnh thì chuyên khoan đá, nhồi mìn, còn phụ nữ thì xay đá, anh nào biết lái xe thì cũng... chở đá nốt. “Đã làm việc ở những mỏ đá lớn như nơi đây thì đứng ở đâu và làm khâu gì thì cũng gặp rất nhiều nguy hiểm. Nhưng khâu nguy hiểm nhất vẫn là mấy anh trèo lên lưng chừng lèn để khoan đá, nhồi mìn và kích nổ”, ông Chí nói.
Những người làm nghề đá lâu năm ở Thượng Lâm cũng đồng quan điểm này và cho hay dù hiện nay đã có nhiều loại máy móc thực hiện các khâu xay nghiền nhưng việc khoan đá, nhồi mìn trên lèn thì không có loại máy móc nào thay thế được bàn tay của con người.
Nếu quan sát trực tiếp những người đang “tác nghiệp” thì mới thấy được sự đặc biệt nguy hiểm của ngón nghề này. Chỉ với những sợi dây bảo hộ rất thô sơ, họ (thường là nhóm 3 người) mò mẫm đi giữa vách đá dựng đứng, vốn đã tan nát và không mấy chắc chắn do hứng chịu không ít lần nổ mìn. Họ phân chia nhau công việc, người thì dùng máy khoan thẳng vào đá, người chuẩn bị kíp nổ để nhét vào lỗ khoan, người phụ trách giữ cân bằng cho cả nhóm. “Công đoạn khoan là mệt nhọc nhất vì phải vừa giữ thăng bằng vừa phải đè cho mũi khoan xuống sâu trong lòng núi. Nếu mũi khoan không đạt thì khi nhét mìn vào kích nổ, đá sẽ không tách ra và chúng tôi phải làm lại”, anh T., một người đang trực tiếp làm công đoạn này tiết lộ.
Trên vách đá cheo leo, nắng nóng dội lên đầu, nhóm người này phải phối hợp thực sự nhịp nhàng, bởi chỉ cần một người thao tác luống cuống thì có thể sẽ phải trả giá bằng 3 mạng sống. Có người bảo họ là “người nhện” và rõ ràng những “người nhện” này quả có máu liều.
Sống nhờ đá, chết vì đá
Nghề đá vốn khắc nghiệt, chỉ đem lại cho người dân Thượng Lâm “cơm no, áo ấm” chứ chưa bao giờ là “cơm ngon, áo đẹp”. Thậm chí, có thể nói rằng nghề thì nguy hiểm nhưng công cán lại chẳng bõ bèn gì. Cũng như trung bình của hết thảy những người công nhân làm đá, những tay “người nhện” cũng chỉ có thu nhập chừng hơn 5 triệu đồng/tháng. Trong khi hầu hết các ông chủ đều “khoán” sản phẩm nên để muốn thêm chút đỉnh thì họ lại phải làm nhiều, làm nhanh... Và tai họa cũng đến từ đó.
Theo thống kê chưa đầy đủ của ông Chí, tính từ thời điểm ông về sinh sống ở Thượng Lâm (năm 1980) đến nay thì có không dưới 15 người là con em làng này bỏ mạng tại những lèn đá. Số người bị sứt đầu mẻ trán, què tay què chân... thì nhiều quá đếm không hết. “Mấy anh người nhện đó gặp tai nạn chết người chỉ có 2 trường hợp. Một là khi đang thao tác ở trên cao, cạy đá mà thất thế rớt xuống không tan xác cũng nhừ xương. Hai là khi đã nổ mìn xong, đã xuống đất nhưng có hòn đá to bất ngờ đổ ầm xuống thì rất khó toàn mạng”, ông Chí phân tích.
Ví như năm 2009, cậu cháu anh Đinh Sĩ Hiền đang khoan đá ở lèn số 4 thì trượt chân... rơi tự do. Cháu anh Hiền nằm lại với đất, trong khi chân anh Hiền gãy liền mấy khúc, sau nhiều năm điều trị vẫn đi cà nhắc. Hay như vào tháng 3.2009, ông Phùng Thế Hải (40 tuổi) và ông Nguyễn Trọng Sang (41 tuổi), đều là công nhân của Công ty TNHH MTV Đ.T.S sau khi nổ mìn phá khối đá lớn trên vách núi liền xuống đất kiểm tra thì một khối đá lớn khác rơi xuống, cả hai chết tại chỗ. Khổ sở không kém là gia đình ông Nguyễn Hòa Thuận, sau khi bị một cục đá to rơi trúng đầu khi đang làm việc thì trán ông Thuận bị “móp” và ông trở thành người thần kinh không bình thường. Sau nhiều năm chạy chữa không thành, ông Thuận mới ra đi vào năm ngoái...
Nếu người gặp tai nạn thuộc một đơn vị đàng hoàng, có hợp đồng lao động, được đóng bảo hiểm thì họ còn được an ủi khi sẽ có những khoản hỗ trợ đúng quy định. Nhưng ở Thượng Lâm còn có nhiều người làm công cho những đơn vị khai thác “trung gian” nên không được đóng bảo hiểm. Và khi sự cố xảy ra, dù người chủ chỉ cho chút đỉnh rồi “phủi tay” cũng không kiện cáo gì được.
Biết vậy, nhưng chỉ trừ những người lìa đời sau những tai nạn thảm khốc, những người còn lại ở Thượng Lâm dù từng sứt đầu mẻ trán vẫn quay lại công trường khai thác đá. Họ thậm chí không dám kể câu chuyện của mình với người viết vì sợ ông chủ “xử tội”. Thế mới biết, đôi khi vì “miếng cơm” người ta sẵn sàng vứt bỏ những nỗi sợ hãi...
Nguyễn Phúc - Theo: TN