“Năm 1997, số tiền trốn đóng BHXH chỉ là 307 tỉ đồng, nhưng đến hết 31.8.2014, con số này đã lên tới gần 11.652 tỉ đồng. Trong đó Cty CP Tập đoàn Mai Linh hiện trốn đóng BHXH lên tới 120 tỉ đồng. Tình trạng trốn đóng BHXH này đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của 714.000 NLĐ”.
Lao động xuất khẩu: “Nô lệ thời hiện đại” tại Malaysia
- Cập nhật : 19/09/2014
Nhiều người lao động nước ngoài đang bị ép buộc làm việc trong điều kiện khắc nghiệt ở Malaysia vì hộ chiếu đã bị thu giữ hoặc phải kiếm tiền để trả phí tuyển dụng
Một báo cáo mới công bố hôm 17-9 cho thấy khoảng 32% trong tổng số 200.000 lao động nước ngoài đang làm việc như “nô lệ thời hiện đại” trong ngành công nghiệp điện tử ở Malaysia.
Bị giam lỏng
Báo cáo nêu trên được Tổ chức Quốc tế về quyền lợi người lao động Verité công bố sau cuộc điều tra kéo dài 2 năm theo sự ủy quyền của Bộ Lao động Mỹ. 12 nhân viên của Verité đã phỏng vấn 501 công nhân trong và ngoài nước ở gần 200 nhà máy chuyên sản xuất hàng điện tử, linh kiện và thiết bị ngoại vi máy tính khắp Malaysia. Sản phẩm của ngành công nghiệp này hiện chiếm 1/3 hàng hóa xuất khẩu của Malaysia. Ngoài ra, các nhà máy Malaysia còn gia công cho những công ty lớn như Apple, Samsung, Sony…
Cuộc điều tra ghi nhận 32% công nhân nước ngoài đến từ các nước: Việt Nam, Bangladesh, Ấn Độ, Myanmar, Nepal…bị ép buộc làm việc trong điều kiện khắc nghiệt vì hộ chiếu đã bị thu giữ hoặc phải kiếm tiền để trả mức phí tuyển dụng cao ngất ngưởng. Khoảng 94% người không giữ hộ chiếu vào thời điểm được các nhân viên của Verité phỏng vấn. Trong khi đó, 71% người thừa nhận rất khó hoặc không thể lấy lại được hộ chiếu khi cần.
Theo Verité, các công ty tuyển dụng đã tịch thu hộ chiếu của người lao động di cư, một điều bị cấm ở Malaysia. Một số doanh nghiệp thậm chí còn tính phí hơn 1.000 USD đối với ai muốn “mượn” lại hộ chiếu của mình.
Điều kiện sống khó khăn
Verité không nêu tên bất kỳ công ty nào nhưng đổ lỗi cho chính sách của chính phủ và ngành công nghiệp Malaysia trong việc tạo điều kiện cho các nhà tuyển dụng kiểm soát tiền lương của người lao động nước ngoài. Ông Daniel Viederman, giám đốc điều hành Verité, nhận định: “Ít ai ngờ ngành công nghiệp hiện đại này tồn tại một hình thức bóc lột lẽ ra phải được loại bỏ từ lâu. Vấn đề không xuất hiện ở vài trường hợp cá biệt mà nó đang phổ biến trong cả ngành công nghiệp”.
Trả lời phỏng vấn các nhân viên Verité, 92% người lao động nước ngoài cảm thấy họ đang bị ép buộc làm thêm giờ để trả nợ, 85% người cho rằng không thể nào nghỉ việc trước khi trả hết nợ và 77% phải vay mượn để trả phí tuyển dụng. Tồi tệ hơn, 22% người thừa nhận bị lừa gạt về tiền lương, giờ làm việc, giờ làm thêm trong quá trình tuyển dụng.
Bên cạnh nợ nần, điều kiện sống cũng là một khó khăn khác của người lao động di cư. Theo báo cáo, 30% lao động nước ngoài cho biết họ buộc phải ngủ trong một căn phòng nhỏ có hơn 8 người, trong khi 43% người nói không có nơi an toàn để cất giữ tài sản cá nhân. Chưa hết, 62% người không thể đi lại tự do vì thiếu hộ chiếu, trong khi 57% người không dám bỏ việc trước thời hạn vì sẽ phải đóng phạt cao, mất hộ chiếu hoặc bị tố giác. Ông Viederman bức xúc: “Người lao động đã phải trả quá nhiều để có được công việc. Điều đó khiến họ dễ bị mắc kẹt trong chính công việc mình đã chọn”.
Làm 2 năm mới đủ trả nợ
Ông Viederman kể về trường hợp một người Nepal phải đóng cho công ty tuyển dụng 1.500 USD (số tiền cao gấp đôi mức thu nhập hàng năm ở Nepal) để được đến Malaysia làm việc trong 3 năm. Do anh không có đủ tiền nên gia đình buộc phải vay thêm với lãi suất 36%/ năm.
Ngay khi đến Malaysia, hộ chiếu của anh bị giữ tại sân bay. Dù làm việc đã 14 tháng nhưng anh vẫn chưa tiết kiệm được đồng nào do vẫn phải trả nợ. Anh tính toán rằng mình phải làm việc 12 giờ/ngày và 7 ngày/tuần liên tục trong 2 năm mới có thể trả hết nợ.
Xuân Mai - Theo: NLĐ