Như Lao Động đã thông tin, cảnh sát Campuchia vừa giải cứu 11 người Việt Nam bị một nhóm người Việt lừa sang tỉnh Kompong Thom (Campuchia) lao động, sau đó bắt giữ, giam cầm để đòi tiền chuộc. Phóng viên Báo Lao Động đã tìm về nhà nghi can Nguyễn Văn Sinh (còn gọi là Xin) ở ấp Giồng Ngang, xã Hòa Khánh Đông, huyện Đức Hoàn, tỉnh Long An - người được cho là cầm đầu băng nhóm bắt người, đã trốn thoát - và có những phát hiện bất ngờ.
Nhốt người để đòi tiền
Ngày 12.11, thông tin từ Lãnh sự quán Việt Nam tại Campuchia cho biết, 10 người Việt vừa được cảnh sát Campuchia giải cứu sau khi bị bắt cóc, tống tiền (trước đó có một người trong nhóm tự trốn thoát đi trình báo) đã về nước an toàn. Theo đó, cảnh sát Campuchia đã thông báo cho Đại sứ quán Việt Nam tại Phnom Penh vụ việc nói trên, đồng thời không có yêu cầu nào về xác minh nhân thân cũng như hỗ trợ thủ tục pháp lý cho những người Việt này.
Tương tự, tại tỉnh Long An và Tây Ninh - các địa phương được cho là nơi cư trú của những nạn nhân - chính quyền sở tại cũng không được thông báo, cũng không nhận được yêu cầu hợp tác điều tra nào từ nước bạn. Có vẻ như việc hồi hương lần này của các con tin - dù chưa được khẳng định là bị bắt cóc hay tự “cầm mạng” - cũng giống cái cách mà các con bạc đi “cầm mạng” được nước bạn “trao trả” tại cửa khẩu: Chở tới cửa khẩu và tự bắt xe rồi đi đâu thì đi.
Các nạn nhân được giải cứu.
Theo thông tin đăng tải trên tờ Campuchia Daily, dẫn lời Cảnh sát trưởng tỉnh Kompong Thom - ông Chou Sam An - quá trình giải cứu diễn ra ngày 8.11, sau khi cảnh sát nước này nhận được thông tin từ người thứ 11 bị bắt cóc đã trốn thoát khỏi ngôi nhà ở huyện Prasat Balaing hồi tháng 10.
Nạn nhân chạy trốn tới tỉnh Banteay Meanchey và báo với chính quyền ở đây. Cảnh sát tỉnh Kompong Thom đã truy tìm dấu vết của bọn bắt cóc suốt một tháng. Ông Chou Sam An cho biết, những người Việt này bị đánh đập và bỏ đói, gia đình của họ ở Việt Nam bị đòi mức tiền chuộc từ vài trăm USD đến vài ngàn USD.
Trong ngày 8.11, cả 3 nghi phạm người Việt liên quan vụ bắt cóc bị bắt giữ. Nhóm này khai ra một đối tượng khác được cho là “cầm đầu” tên Nguyễn Văn Sinh (tên thường gọi ở nhà là Xin), sinh năm 1976, ngụ ấp Giồng Ngang, xã Hoà Khánh Đông, huyện Đức Hoà, Long An.
Có thông tin cho rằng, những người này bị lừa sang Campuchia làm việc với mức lương 500USD/tháng, sau đó bị bắt giữ để đòi tiền chuộc. Tuy nhiên, theo một số nguồn tin có hiểu biết về lai lịch đối tượng Nguyễn Văn Sinh, khả năng 11 nạn nhân “cầm mạng” để đánh bạc hoàn toàn có thể xảy ra. Theo đó, Nguyễn Văn Sinh từng lê la ở nhiều casino ven biên giới, gạ gẫm, dụ dỗ người dân tham gia “cầm mạng” để đánh bạc. Khi cảnh sát đột kích vào nơi giam giữ nạn nhân, cảnh sát thu giữ chứng minh nhân dân của Sinh.
Đi tìm nghi can
Có mặt tại cửa khẩu Mỹ Quý Tây (huyện Đức Huệ, Long An) ngày 11.11, một số nguồn tin của chúng tôi sau khi xem ảnh chứng minh nhân dân của Sinh do công an Campuchia chụp lại khẳng định, đối tượng này cách đây hơn 1 năm thường lân la khắp 4 casino bên kia biên giới Mỹ Quý Tây. Sinh gạ gẫm những con bạc đã thua cháy túi về cửa khẩu Mộc Bài đánh bạc, vì trong hàng chục sòng bạc rải khắp biên giới, chỉ có phía Mộc Bài là có “dịch vụ” cầm mạng. Tuy nhiên, Sinh không hoạt động được lâu vì các chủ sòng ở Mỹ Quý Tây đã sai đàn em đuổi Sinh đi nơi khác, vì họ sợ dính líu đến pháp luật.
“Ở Campuchia, người Việt vào casino là hợp pháp nhưng giam giữ, đánh đập con bạc là phạm pháp” - một nguồn tin nói.
CMND của nghi can Nguyễn Văn Sinh.
Tại cửa khẩu Mộc Bài, một số người quen của chúng tôi cho biết, gần đây nhiều đường dây “cầm mạng” thường lôi kéo con bạc vào sâu bên trong nội địa Campuchia rồi mới cho “cầm mạng”, vì gần biên giới các con bạc rành đường đi nước bước, sẽ dễ trốn thoát. Một số con bạc cho biết, họ có xem tivi và có biết mặt Sinh. Tuy nhiên, khoảng 2 tháng trở lại đây họ không thấy Sinh lân la trong các casino khu vực Mộc Bài.
Ông Lê Văn Cỏ - Chủ tịch UBND xã Hoà Khánh Đông - cho biết, các cơ quan chức năng không có thông báo về địa phương vụ việc của Sinh. Ông Cỏ chỉ nắm tin qua báo chí. Theo ông Cỏ, Sinh có tiền án, tiền sự, đăng ký hộ khẩu ở địa phương nhưng rất ít khi xuất hiện. Trong khi đó, một lãnh đạo Công an huyện Đức Hoà cho hay, do vụ việc xảy ra trên địa bàn Campuchia nên Công an huyện Đức Hoà cũng chỉ biết thông tin trên báo chí. Cho đến ngày 12.11, chính quyền cấp xã, cấp huyện lẫn cấp tỉnh Long An đều không nhận được bất kỳ thông tin chính thức nào. Do đó, Sinh vẫn chỉ là đối tượng có tiền án, đã ra tù và nằm trong danh sách địa phương quản lý.
Ngày 12.11, chúng tôi tìm về ấp Giồng Ngang. Dù được chỉ đường tận tình nhưng chúng tôi tìm đến nhà người thứ năm có tên là Sinh hoặc Xin vẫn không khớp với đối tượng mà cảnh sát Campuchia nói tới. Một người tên Xin (nhà ở ấp Bình Thuỷ, xã Hoà Khánh Đông) nói: “Thằng mà các anh nói, tên ở nhà là Xin, trùng tên với tui, vừa đi tù 8 năm về. Mấy bữa nay tui trả lời điện thoại muốn cháy máy luôn vì đọc trên báo cứ tưởng là tui. Chỉ riêng cái xóm nhỏ xíu mà tôi đang ở có tới hơn chục người tên Xin, còn cả xã thì không biết là mấy chục người”.
Thắc mắc sao ở đây có nhiều người tên Xin vậy thì người này lý giải: “Hồi mới giải phóng, xã này có ông thầy lang vườn. Hễ nhà ai đẻ con èo uột, cứ bồng con tới cho ổng đặt tên Xin (trong nghĩa xin-cho) để dễ nuôi. Thành ra nhà nào cũng có người tên Xin. Ai lạ vô xóm này, hỏi người tên Xin thì phải kèm theo tên cha tên mẹ, chứ chỉ nói tên không thì tìm tới nửa đêm cũng chưa ra. Thôi để tôi dẫn các anh đi cho chính xác”.
Không biết chữ và… 5 vợ
Qua nhiều con đường vòng vèo, chúng tôi cũng tìm được đến nhà mẹ ruột của đối tượng Sinh. Nghe hỏi thăm, một người đàn ông dáng người to khoẻ ra mở cửa và nói nhỏ: “Nếu hỏi chuyện về thằng Sinh thì các anh ngồi ngoài vườn trao đổi nhé. Mẹ tôi gần 80 tuổi, lại đang bị tai biến nên cả nhà giấu thông tin này. Sự việc chưa có gì rõ ràng, mẹ tôi mà biết được, sợ chịu không nổi”.
Người đàn ông xưng là Nguyễn Văn Hon, sinh năm 1969, là anh cùng mẹ khác cha với Sinh. Ông Hon vừa kể vừa cười, như thể chuyện của ai đó hàng xóm chứ không phải em trai mình: “Tui cũng vừa thấy tin trên tivi tối qua. Xã này mấy chục người trùng tên, nhưng chỉ có thằng Sinh em tôi là có tiền án tiền sự, lại có dính líu đến dân chơi bài bạc bên Campuchia, nên chắc là cảnh sát Campuchia đang nói tới nó. Hình chứng minh nhân dân mà một đài truyền hình đưa lên thì đúng là nó rồi, nhưng chúng tôi chưa nghe thông báo gì hết nên vẫn rất hy vọng nó không phạm tội”.
Theo lời kể của ông Hon, Nguyễn Văn Sinh học xong lớp 1 thì nghỉ học và đến giờ cũng không biết đọc, biết viết gì cả. Dù vậy, Sinh lại có khiếu ăn nói nên tuổi chưa đến 40 mà đã có... 5 đời vợ và mỗi người có với Sinh một đứa con. “Đây là những người vợ mà chúng tôi là bên nội, thấy có cháu nên nhận cháu và biết được. Còn những người không chính thức hoặc Sinh chưa dẫn về thì chúng tôi không biết” - ông Hon nói.
Bên trong một casino.
Chúng tôi tìm đến nhà riêng của Sinh ở ấp Bình Thuỷ kế bên, nơi Sinh đang sống với người vợ thứ 5 cùng con gái 5 tuổi, thì nhà khoá ngoài. Những người hàng xóm cho biết, từ tết đến giờ họ không thấy Sinh về thăm nhà.
“Thằng Sinh sống linh tinh lắm, nhưng vợ nó thì hiền lành. Quanh năm suốt tháng không thấy mặt nó, chỉ tội vợ Sinh phải làm công nhân, một mình chăm sóc cho con. Cái nhà mà vợ con nó đang ở cất trên cái nền cũ khu nghĩa địa, chủ cũ không ở mà bán rẻ cho gia đình Sinh với giá 40 triệu đồng” - người cậu thứ tư của Sinh nói.
Đến sẩm tối 12.11, vợ Sinh chở con về nhà. Gặp chúng tôi, chị tiếp chuyện mà mặt thất thần, mắt đỏ hoe: “Nếu anh Sinh có làm sai thì anh sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Con em còn nhỏ, em làm công nhân nuôi con. Em rất lo sợ chuyện người ta biết em là vợ anh Sinh thì em sẽ mất việc, con em sẽ đói. Một ngày cũng là tình nghĩa vợ chồng, anh Sinh quanh năm đi biền biệt, chẳng lo lắng, chu cấp tiền bạc gì cho mẹ con em, giờ em lại rơi vào hoàn cảnh như thế này. Em chỉ cầu mong mọi chuyện yên ổn để em đi làm công nhân nuôi con mà thôi”.
“Cầm mạng” là “chuyện thường ngày ở huyện”
Ở các tỉnh ĐBSCL có biên giới với Campuchia, chuyện bắt người, “cầm mạng” rồi tống tiền, đòi tiền chuộc ở các sòng bài là “chuyện thường ngày ở huyện” từ nhiều năm nay. Và đặc biệt, các đối tượng cầm đầu trong những vụ “cầm mạng”, bắt người đòi tiền chuộc luôn là người Việt. Thời gian qua, rất nhiều người Việt Nam đã bị chặt ngón tay, cắt lỗ tai, thậm chí là bị giết chết vì không có tiền chuộc mạng. Phần lớn trường hợp, cảnh sát Campuchia phát hiện và giải cứu xong thì đưa họ tới cửa khẩu rồi họ tự về, mà không cần các thủ tục bàn giao hay hợp tác điều tra với chính quyền Việt Nam.