Số người tham gia bảo hiểm xã hội ít, chỉ chiếm khoảng 20% lực lượng lao động; tỷ lệ đóng - hưởng mất cân đối; tình trạng nợ đóng bảo hiểm xã hội ngày càng phổ biến... là những nguyên nhân khiến Quỹ hưu trí có nguy cơ cạn kiệt vào năm 2034.
Tại hội thảo tăng cường tuyên truyền thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế do báo Nhân dân và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tổ chức ngày 2/10, tiến sĩ Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội chia sẻ, bảo hiểm xã hội gần đây nổi lên nhiều vấn đề bất cập.
Được coi là chính sách nhằm đảm bảo cuộc sống cho người lao động khi đến tuổi về hưu (nữ từ 55 tuổi và nam từ 60 tuổi trở lên), nhưng tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội rất thấp, chỉ chiếm 20% lực lượng lao động và khoảng 80% số người thuộc diện tham gia bắt buộc. Hiện chỉ có 20% dân số trong độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu. Tỷ lệ người tham gia tự nguyện rất thấp, chỉ chiếm khoảng 0,22% số người thuộc diện tham gia hình thức bảo hiểm này.
Bên cạnh đó, theo tiến sĩ Lợi, công thức tính lương hưu chưa hợp lý; thời gian đóng bảo hiểm xã hội ngắn nhưng thời gian hưởng cao do tuổi thọ tăng nhanh; số người nhận trợ cấp một lần tăng, mức tiền lương làm căn cứ đóng thấp; tình trạng nợ đọng, chậm đóng chưa giảm...
Rất nhiều người già độ tuổi 60-80 không có lương hưu, phải sống nhờ vào con cháu. Ảnh minh họa: N.Phương.
Chung quan điểm trên, bà Trần Thị Thúy Nga, Vụ trưởng Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội thừa nhận, tốc độ phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc khá chậm, chỉ đạt khoảng 5%/năm, tương đương với 500.000 người. Số người ra khỏi quan hệ bảo hiểm xã hội, hưởng bảo hiểm xã hội một lần cũng khoảng 5%/năm; cá biệt năm 2013 lên tới 730.000 người.
Theo dự báo của Tổ chức Lao động Quốc tế, với chính sách hiện hành thì quỹ hưu trí và tuổi tuất đến năm 2021 thu trong năm đủ chi trong năm, từ năm 2022 trở đi để đảm bảo khả năng chi trả của quỹ phải lấy từ nguồn kết dư. Đến năm 2034, quỹ hưu trí sẽ hoàn toàn cạn kiệt.
Theo bà Nga, nguyên nhân của sự mất cân đối này một phần là chính sách hiện hành quá ưu đãi với lực lượng vũ trang, hành chính sự nghiệp, Đảng, đoàn thể thông qua việc tính lương hưu chỉ tính bình quân một số năm cuối; đóng - hưởng cũng mất cân đối. Quy định cho phép người lao động có dưới 20 năm đóng được nhận trợ cấp một lần cũng chưa phù hợp với mục tiêu đảm bảo cuộc sống cho người lao động khi về hưu.
Ngoài ra, tình trạng nợ đóng bảo hiểm xã hội ngày càng phổ biến. Tính đến hết năm 2013, số nợ đóng là khoảng 12.000 tỷ đồng.
Ông Mai Đức Chính, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, nhiều doanh nghiệp nợ, trốn đóng và chiếm đoạt tiền đóng bảo hiểm xã hội. Hậu quả là hàng trăm lao động bị “mất trắng” quyền lợi bảo hiểm xã hội. Các biện pháp, chế tài xử lý vi phạm chưa đủ sức răn đe, thiếu tính nghiêm minh và kịp thời.
Theo ông, việc quản lý doanh nghiệp thuộc nhóm phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là bất cấp, nếu không nói là không quản lý được. Theo phản ánh thì hiện cơ quan bảo hiểm xã hội không xác định được chính xác số đơn vị, doanh nghiệp có sử dụng lao động cũng như số lao động thuộc diện phải tham gia bảo hiểm xã hội. Vì thế, đơn vị này chỉ thu được tiền bảo hiểm xã hội từ đơn vị tự đăng ký.
Vị Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động thừa nhận đây là vấn đề đã nói nhiều lần nhưng chưa có hướng giải quyết triệt để. Vì thế, ông đề nghị nên tăng cường các biện pháp đảm bảo tính tuân thủ cao như: người lao động có thể trình hợp đồng lao động để báo cho cơ quan bảo hiểm xã hội về việc mình thuộc đối tượng tham gia bắt buộc, bổ sung vào bộ luật Hình sự sửa đổi tội trốn đóng và tội chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế, hoặc giao cho cơ quan thuế thu bảo hiểm xã hội...