Nguyễn Thị Thanh Vân đang thực nghiệm điều tra việc làm giả hồ sơ
Anh Vũ Ngọc Dương, ở phố Khâm Thiên, Hà Nội bị một số kẻ dựng đứng chuyện chiếm đoạt 100 triệu đồng. Nhưng điều tệ hại nhất là, các cơ quan tiến hành tố tụng trong vụ án này đã không phát hiện ra. Hậu quả, toà sơ thẩm của TAND TP Hà Nội tuyên anh Dương chịu hình phạt 30 tháng tù và bản án phúc thẩm cũng tuyên y án !?
Sau hơn 4 tháng bị tạm giam, ông Vũ Ngọc Dương gửi đơn tố cáo đến nhiều cơ quan chức năng. Nội dung đơn cho rằng: ông Đỗ Hữu Ngọc, điều tra viên công an huyện Đông Anh đã ép ông Dương ký khống vào các biên bản hỏi cung và xây dựng hồ sơ không khách quan, sai sự thật để quy kết ông về tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Nguồn gốc, hai vợ chồng ông Nguyễn Văn Hiền và bà Dương Diệu Thu lập giấy tờ giả mạo để tố cáo ông Dương chiếm đoạt 100 triệu đồng của Trung tâm dạy nghề và hướng nghiệp nhân đạo Đông Anh (Trung tâm dạy nghề).
Vì đơn tố cáo này, ông Dương bị bắt tạm giam và trong thời gian đó, những đối tượng này và một số người nữa đến Cơ quan CSĐT Công an Đông Anh để ép bố của ông Dương phải trao giao số tiền 197 triệu cho họ.
Bị bắt tạm giam 4 tháng 10 ngày và sau đó bản án 30 tháng tù qua các bản án sơ thẩm, phúc thẩm đã khiến anh Dương đang là cán bộ làm việc tại Ngân hàng nhà nước thành phố Hà Nội đã bị mất việc.
Những dấu hiệu oan sai được thể hiện ở một số nội dung. Thứ nhất, hai phiếu chi tiền của 2 Cty khác nhau (trụ sở ở Hà Nội và Bắc Ninh) cho Trung tâm dạy nghề (mà anh Dương bị tố chiếm đoạt) là do hai người lập nhưng chữ viết lại hoàn toàn giống nhau. Tuy nhiên, cơ quan điều tra lại không tiến hành giám định, không xác định được ai là lập 2 phiếu chi nêu trên. Thứ hai, trong quá trình lấy lời khai, anh Dương khẳng định không phải là người của trung tâm dạy nghề (anh Dương bị tố là lợi dụng trung tâm này để lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản). Thực tế, trung tâm này cũng không có hồ sơ và thẻ hội viên của anh Dương. Tuy nhiên, những lời khai và thực tế này đã bị các cơ quan tiến hành tố tụng bỏ qua.
Nhưng, cũng cần nói rõ, ngoài những chứng cứ, nội dung tố cáo có nhiều điểm đáng ngờ đã bị cơ quan điều tra bỏ qua một cách khó hiểu, những đánh giá sai lầm của các cơ quan tiến hành tố tụng một phần do các cơ quan tiến hành tố tụng đã bị hành vi quá tinh vi và rất mới của những người đi tố cáo “bịt mắt”. Đó là, giám định chữ viết, chữ ký của anh Dương trên đơn xin gia nhập Trung tâm dạy nghề và 2 phiếu chi đã qua mặt được Phòng giám định kỹ thuật hình sự (PC 54) Công an Hà Nội. Chỉ đến khi theo đề nghị của Cơ quan điều tra của VKSND Tối cao, Phòng giám định kỹ thuật hình sự Bộ Quốc phòng giám định lại và kết luận: Chữ ký, chữ viết trên không phải do một người viết ra. Nhờ giám định này, một phần sự thật của vụ án đã được làm rõ.
Hiện tại, bước đầu anh Dương đã được chứng minh không chiếm đoạt 100 triệu đồng của Trung tâm dạy nghề. Cơ quan điều tra cũng đã đề nghị Viện trưởng VKSND Tối cao chỉ đạo: Cơ quan điều tra VKSNDTC chuyển toàn bộ hồ sơ, tài liệu đến các vụ chức năng của VKSND tối cao nghiên cứu, xem xét kháng nghị vụ án trên theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời Cơ quan điều tra VKSND tối cao tiếp tục xác minh làm rõ những cá nhân có vi phạm pháp luật: Dấu hiệu của việc xâm phạm hoạt động tư pháp trong quá trình giải quyết vụ án nêu trên và dấu hiệu tội vu khống.