Đặt mục tiêu tinh giản bộ máy, nhưng tại các đơn vị trực thuộc Tổng Cty Đường sắt VN, có phòng ban 20 người lại có đến 7 lãnh đạo.
Hệ thống đường sắt Việt Nam vẫn còn lạc hậu so với thế giới. Ảnh: S.L.
“Lạm phát” phó phòng
Cách đây hơn 5 tháng, Tổng Cty Đường sắt Việt Nam sáp nhập hai đơn vị Liên hiệp Sức kéo Đường sắt và Cty Vận tải hàng hóa đường sắt vào hai Cty Vận tải Hành khách đường sắt Hà Nội và Sài Gòn. Hai đơn vị bị sáp nhập có trụ sở tại Hà Nội nên đa số cán bộ, công nhân viên được chuyển về Cty Vận tải hành khách đường sắt Hà Nội.
Cty này hiện có 12.000 lao động (bao gồm cả cấp Cty và hơn 30 xí nghiệp, đơn vị trực thuộc; riêng cấp Cty có 269 người). Ở cấp Cty, lãnh đạo vẫn giữ nguyên như trước (gồm 1 Tổng GĐ và 4 phó Tổng GĐ), nhưng số lượng lãnh đạo cấp phòng tăng mạnh. Cty có đến 11 phòng, ngoài trưởng phòng, mỗi phòng có trung bình từ 4-5 phó phòng. Cá biệt, Phòng Kỹ thuật an toàn vận tải, tính cả trưởng phòng có đến 7 lãnh đạo (theo một nguồn tin xác nhận, phòng này chỉ có 18-20 người - PV).
“Trong quá trình tái cơ cấu vừa qua, Tổng Cty Đường sắt Việt Nam chỉ mới giảm được vài phần trăm số lượng cán bộ, công nhân viên. Muốn giảm nhanh, phải đưa khoa học công nghệ mới. Với ngành đường sắt, không có những dự án đầu tư lớn, mục tiêu tinh giản bộ máy chưa thể làm ngay”.
Ông Vũ TÁ TÙNG, Tổng GĐ Tổng Cty Đường sắt Việt Nam
Ông Trần Xuân Thu, Trưởng Phòng Tổng hợp của Cty này, cho biết, trước đây, phòng chỉ có 1 trưởng và 2 phó, nhưng nay có tổng cộng 5 lãnh đạo. Do có nhiều lãnh đạo nên buộc phải chia nhỏ lĩnh vực phụ trách. Trước đây, 1 phó phòng phụ trách cả văn thư, tổ chức sự kiện, y tế nay chia cho 2 người đảm nhiệm. Một phó phòng được bố trí riêng chỉ để phụ trách bộ phận bảo vệ (dù đã có Tổ trưởng Tổ bảo vệ). Hệ số lương quản lý của trưởng phòng là 0,5; phó phòng là 0,4.
Theo ông Thu, từ khi sáp nhập, nhiều việc cần có thêm lãnh đạo nhưng nếu chỉ có 3 người như trước, bắt buộc thì vẫn làm được. Một lãnh đạo phòng ở Cty này (xin giấu tên) thổ lộ, từ ngày nhận nhiệm vụ mới, chủ yếu đến điểm danh, thỉnh thoảng mới có việc để làm. Còn nhân viên thì tâm tư về cảnh người làm ít, cán bộ chỉ đạo lại nhiều.
Ách tắc lãnh đạo
Ông Nguyễn Văn Bính, Phó Tổng GĐ Cty Vận tải Hành khách đường sắt Hà Nội, nói rằng, việc có nhiều lãnh đạo cấp phòng là điều khó tránh khỏi vì những người chuyển về đều là lãnh đạo ở đơn vị khác, không vi phạm kỷ luật, nên không thể “giáng chức”. Ngoài ra, do gia đình cán bộ đó đã ổn định tại Hà Nội nên không thể điều chuyển đi đơn vị khác. Ông Bính hứa, sắp tới, khi chuyển đổi mô hình sang Cty TNHH MTV, sẽ tinh giản bộ máy.
Chủ tịch Tổng Cty Đường sắt Việt Nam Trần Ngọc Thành nhận định, việc bố trí cấp lãnh đạo như vừa qua chủ yếu mang tính cơ học. Ông Thành cho rằng, đây là việc khó tránh khỏi vì để tránh ảnh hưởng đến tâm tư, tình cảm, tư tưởng của cán bộ. Ông Thành cho biết, lộ trình tái cơ cấu tới đây sẽ tiếp tục giảm số lượng người lao động và cấp lãnh đạo.
Ông Nguyễn Văn Lưu, Chánh văn phòng Bộ GTVT, nói rằng, trước đây, mỗi năm chỉ có khoảng 600 thông báo kết luận của lãnh đạo Bộ; trong 3 năm lại đây, lãnh đạo Bộ liên tục họp, đi kiểm tra hiện trường nên số lượng kết luận tăng hơn 2 lần. Tuy nhiên, ngay trong Bộ GTVT vẫn còn nhiều vị trí lãnh đạo chưa quyết liệt.
Mới đây nhất, trong cuộc họp về dịch vụ hàng không, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng kể, ông nhiều lần nhìn thấy có 3 người tại khu giao nhận hàng hóa nhưng một người liên tục đẩy hàng, còn hai người chắp tay sau lưng chỉ đạo.
Bộ trưởng GTVT cho rằng, việc bố trí nhiều người chỉ đạo, người đứng đầu không chịu trách nhiệm như vậy dẫn đến tình trạng có khách phải đợi đến 2-3 giờ sau khi máy bay hạ cánh mới nhận được hành lý ký gửi. Ông Thăng gọi đây là tình trạng “ách tắc lãnh đạo”.
(Theo tienphong)