Đây là đánh giá của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh khi trả lời báo chí bên lề Quốc hội ngày 27-10
* Phóng viên: Nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và chuyên gia đề nghị Chính phủ phải cơ cấu lại chi ngân sách để có nguồn điều chỉnh mức lương cơ sở?
- Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh: Đúng là việc cân đối tài chính hiện có khó khăn nhưng nhìn bản chất không đến mức mất bình tĩnh, phải hoảng loạn. Vừa qua phát hành thêm nguồn trái phiếu khá lớn để đầu tư nhưng phát hành trái phiếu có mâu thuẫn là sẽ tăng nợ. Giữa bài toán tăng nợ nhưng để đầu tư phát triển và không tăng nợ cũng kèm theo không có đầu tư phát triển thì phải tính toán. Vì thế, nên chọn phương án khó hơn dễ và mấu chốt là làm thế nào để trả được nợ.
Khi tăng nợ chủ yếu tăng nợ trong nước, chứ nợ nước ngoài hiện nay không đáng ngại vì kỳ hạn dài, lãi suất thấp, chỉ có 1,2%. Còn nợ trong nước thì chưa có giải pháp huy động dài hạn, bình quân chưa được 5 năm, thậm chí có những kỳ hạn vay 1-2 năm, vì thế phải trả nợ nhanh. Bài toán hiện nay là cơ cấu nợ để giãn trả nợ, vừa không tạo áp lực cho nền kinh tế và ngân sách.
Việc cải cách tiền lương chưa thể được giải quyết cơ bản được vì bộ máy cán bộ công chức quá cồng kềnh. Trong ảnh: Nhân viên Chi cục Thuế quận 1, TP HCM trong giờ làm việc Ảnh: TẤN THẠNH
Tại sao chưa thể cải cách tiền lương vì lương không phải chỉ là ngân sách. Kể cả dừng hết các thứ khác thì việc cải cách tiền lương vẫn chưa giải quyết cơ bản được do bộ máy quá cồng kềnh dẫn đến số người hưởng lương từ ngân sách lớn quá. Chính vì thế, nghị quyết trung ương yêu cầu phải đồng bộ, phải cơ cấu lại, hiện nay mới bắt đầu làm nên kết quả chưa rõ nét. Bên cạnh đó là hệ thống khối sự nghiệp, viên chức hưởng lương rất lớn. Do đó, phải đổi mới hoạt động khối sự nghiệp này để làm sao họ tự lo được lương, khi đó số lượng giảm xuống thì việc điều chỉnh tiền lương mới tốt hơn.
* Quan điểm của Chính phủ như thế nào về dự án xây dựng sân bay Long Thành và cá nhân ông sẽ “bấm nút” thông qua?
- Về định hướng lâu dài thì việc xây dựng sân bay Long Thành là cần thiết nhằm đáp ứng cho nhu cầu phát triển. Hiện các cảng hàng không đã quá tải và cải tạo, mở rộng rất khó khăn. Hơn nữa, các nước trong khu vực làm mà mình không làm thì cũng không cạnh tranh được, mất lợi thế. Có điều vốn đầu tư cho dự án này lớn lắm, phải huy động nhiều nguồn. Tất nhiên có cả nguồn ngân sách nhưng cũng phải tính toán hiệu quả, phải tính toán cụ thể đến an ninh tài chính quốc gia, nợ công.
* Nhiều ý kiến lo ngại nguồn vốn để giải phóng mặt bằng sân bay Long Thành là 24.000 tỉ đồng từ ngân sách là nguồn vốn rất lớn, trong khi chúng ta đang phải đi vay đảo nợ?
- Thế mới nói phải có tính toán cụ thể. Câu chuyện hiện nay đầu tư hoàn toàn bằng ngân sách cho dự án sân bay Long Thành là khó vì thế mới mở ra hợp tác công tư. Mà hợp tác công tư thì phải có vốn nhà nước và vốn bên ngoài. Nhưng dự án lớn như vậy mà nhà nước không bỏ đồng nào thì cũng khó.
* Nếu được QH đồng ý thì dự án có thể hoàn thành sau 10 năm. Chính phủ đã tính toán hiệu quả vào thời điểm này?
- Hiện dự án đang xin QH chủ trương đầu tư. Đương nhiên, khi đưa ra xin thì về chủ trương sẽ có bài toán tổng thể nhưng mà chưa phải là hoàn toàn một cách đầy đủ, ít nhất là sơ bộ để xin định hướng của QH. Còn sau này làm hay không làm còn phụ thuộc nhiều yếu tố.
* Có hay không việc Chính phủ bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn xây sân bay Long Thành?
- Cách này chỉ là một trong những phương án để xem xét. Nếu có nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm thì có khi Chính phủ không phải bảo lãnh.
* Trong trường hợp QH không thông qua chủ trương xây dựng sân bay Long Thành thì sao, thưa ông?
- Đây cũng chỉ là câu hỏi giả định. QH sẽ quyết định việc có làm hay không dự án này và người làm cũng phải tính toán thấu đáo hiệu quả chứ không phải cứ làm tới là được.
Nếu đi vay mà làm ăn tốt thì được
Trả lời câu hỏi hiện nay tâm lý xã hội và ĐBQH rất lo ngại tình hình nợ công quá cao, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng cái lo của người dân và ĐBQH là có lý nhưng đây là bài toán lâu dài, không phải giải quyết ngay một lúc được. Khi vay đầu tư thì quan trọng là làm ăn hiệu quả, trả được nợ. Nợ trên GDP là một chỉ tiêu nhưng chưa phải là chỉ tiêu quan trọng nhất. Có những nước nợ công 100% GDP mà vẫn an toàn, khỏe mạnh nhưng có nước chỉ 20% mà không an toàn, vẫn vỡ nợ. Quan trọng là có trả nợ được không. Nếu đi vay mà làm ăn tốt thì được, chứ đi vay về làm ăn không được thì mới mệt!