Công ty Mạnh Cầm khó chứng minh được lãnh đạo Chi cục Quản lý thị trường TP Hà Nội gây thiệt hại cho mình khi chỉ dựa vào những thông tin trên báo chí
Quảng cáo bằng bikini - điều gì được trút bỏ?
- Cập nhật : 23/09/2014
Những ngày qua, mẫu quảng cáo dàn người đẹp trong trang phục bikini của một hãng hàng không khiến dư luận tranh cãi sôi nổi. Kẻ ném đá thẳng tay, song người thích thú cũng không ít. Vấn đề là nên hiểu sao cho đúng về động cơ, mục đích và tác dụng của một hoạt động quảng cáo đúng nghĩa.
Tối ngày 18-9, những hình ảnh trong buổi chụp quảng cáo cho hãng hàng không VietJet Air được tung lên mạng. Trong các bức ảnh, nữ hoàng nội y Ngọc Trinh và khoảng 10 người mẫu của công ty Venus chụp hình cùng chiếc máy bay trong trang phục bikini.
Ngay lập tức, bộ ảnh chưa chính thức này được cộng đồng mạng xôn xao bình luận. Sau khi chỉ trích các người đẹp bằng những lời lẽ như phản cảm, nhố nhăng, không hợp thuần phong mỹ tục… dư luận tiếp tục chĩa mũi dùi sang hãng hàng không đã chọn ý tưởng quảng cáo này.
Một luồng ý kiến mạnh mẽ không kém lên tiếng bênh vực cho chiêu thức quảng cáo đầy mới lạ, ấn tượng của VietJet Air.
Hình ảnh chưa chính thức của mẫu quảng cáo được đăng tải trên trang cá nhân của người quản lý công ty Venus
Phản ứng trước cái mới
Có thể nói, việc sử dụng hình ảnh gợi cảm trong quảng cáo không phải là điều mới, thậm chí đã xuất hiện từ lâu trên thế giới. Trong khi cả đàn ông và phụ nữ có thể trầm trồ, khen ngợi các cô gái xinh đẹp, tóc vàng mặc áo bó, váy ngắn, cực kỳ sexy trong quảng cáo mô tô, xe hơi của nước ngoài thì cũng chính họ đã “choáng váng” vì mẫu quảng cáo của Ngọc Trinh.
Nói riêng trong ngành hàng không, nhiều hãng bay lớn như British Airway, AirFrance, New Zealand Air...cũng sử dụng người mẫu, thậm chí cho chính tiếp viên của mình đồng loạt mặc bikini để quảng cáo và đều được xem là việc bình thường.
Vấn đề ở chỗ, đây là một hình thức quảng cáo tận dụng yếu tố giới tính để gây ấn tượng. “Giới tính” là một vấn đề khá nhạy cảm, đặc biệt là với nền văn hóa Á Đông, một nền văn hóa mặc định các chuẩn mực đạo đức khắt khe, thiên về hướng nội, sự kín đáo. Việt Nam là một trong những nước có nền văn hóa Á Đông đậm nét. Chính vì thế, ứng dụng yếu tố giới tính vào quảng cáo tại Việt Nam chắc chắn sẽ gặp rủi ro.
Đây cũng là phản ứng dễ hiểu của số đông, nhưng phải chăng một phần vì vedette trong bộ ảnh là Ngọc Trinh - người mẫu gắn liền với những phát ngôn gây sốc và hình ảnh gợi cảm khiến người ta vừa bực vừa… thích?
Mục tiêu thực sự của một hoạt động quảng cáo
Thực tế đã có nhiều công ty sử dụng yếu tố gợi cảm trong quảng cáo và tạo nên những thương hiệu thành công, đặc biệt trong các ngành hàng đặc trưng như rượu, bia, đồ nội y, hóa mỹ phẩm…
Một vài ví dụ điển hình như các chuyên viên quảng cáo của Romano, Redbull, Print Ads của Sony Vaio 2+3, đã đưa vào sự hấp dẫn thể chất (Physical Attractiveness) vào sản phẩm của mình. Bản chất điều đó là cảm giác dễ chịu, bị thu hút của cá nhân về những yếu tố có tính thẩm mỹ thuộc ngoại hình của một cá nhân khác. Đó là vẻ đẹp của làn da, khuôn mặt, sự cân đối của cơ thể…Từ đó tạo thiện cảm, ấn tượng của người xem với sản phẩm, kích thích họ lựa chọn nó.
Một đặc điểm sinh học tất yếu của con người là sự hấp dẫn về giới. Theo nhà tâm lý học David Buss, đây là lí do các nhà sản xuất muốn ứng dụng điều này vào các mẫu quảng cáo. Truyền thông càng tranh cãi, mẫu quảng cáo càng được nhiều người biết đến. Gây chú ý, tranh cãi, bàn luận, tò mò chính là những yếu tố quan trọng bậc nhất của một chiến dịch quảng cáo thành công.
Về mặt truyền thông, bộ ảnh này đã gây được bão dư luận. Giới quảng cáo thường có câu “khác biệt hay là chết”, VietJet Air bắt buộc phải tạo ra sự khác biệt để cạnh tranh với các hãng hàng không lớn khác.
Khách hàng chỉ cần một chuyến bay đúng giờ, chỗ ngồi thoải mái, nhân viên thân thiện, thức ăn ngon, đồ uống hợp vệ sinh, và đó là mục tiêu mà mọi hãng hàng không phải nhắm tới.
Nếu soi mẫu quảng cáo của VietJet Air dưới góc nhìn cởi mở của một người bình thường, chứ không phải một nhà đạo đức học đầy khuôn mẫu, thì có lẽ dư luận sẽ cảm thấy dễ chịu hơn.
Một quảng cáo mà người mẫu mặc trang phục bikini thì có hoàn toàn là đã trút bỏ sự nghiêm túc, chuẩn mực đạo đức, giá trị thương hiệu, gây phản cảm cho xã hội như lời chỉ trích hay không? Hay phải thừa nhận đó là một bộ ảnh đẹp, gợi cảm khi mạnh dạn bỏ đi sự gò bó nhưng vẫn không vượt quá giới hạn và đạt được mục tiêu thu hút người xem, kích thích người tiêu dùng?
PLO mời bạn đọc góp ý kiến để làm rõ hơn câu hỏi: Liệu một mẫu quảng cáo như vậy có phù hợp và phát huy tác dụng như mong muốn ở một thị trường còn nhiều nỗi niềm “lấn cấn” như Việt Nam?
An Khương - Theo: PLO