Doanh nghiệp đầu tư công nghệ cao giá trị từ 500 triệu đồng trở lên nhưng không được ngân hàng chấp nhận là tài sản thế chấp.
Doanh nghiệp đầu tư công nghệ cao giá trị từ 500 triệu đồng trở lên nhưng không được ngân hàng chấp nhận là tài sản thế chấp.
Hoạt động của các doanh nghiệp (DN) đặc biệt là các DN trong lĩnh vực nông nghiệp hiện nay rất khó khăn. Riêng năm 2013, số DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp thành lập mới ít hơn DN giải thể. Để giúp tháo gỡ khó khăn cho DN nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) vừa tổ chức hội nghị “Diễn đàn DN nông nghiệp năm 2014”.
Quá khó khăn, DN sẽ chết mòn
Theo Tổng cục Thống kê, cả nước có khoảng 3.517 DN hoạt động trong lĩnh vực nông lâm thủy sản, chiếm 1,6% trong tổng số DN cả nước, trong đó chủ yếu là DN vừa và nhỏ. Năm 2013, cả nước thành lập mới hơn 1.020 DN nông lâm thủy sản, giảm 14% so với năm 2012. Tuy nhiên số DN giải thể hoặc ngừng hoạt động là 1.332 DN, nhiều hơn số thành lập mới.
9 tháng đầu năm 2014, có nhiều tín hiệu tích cực với mức xuất khẩu thủy sản 22,7 tỉ USD tăng 11,4% so với cùng kỳ. Nhưng thực tế cho thấy, ngành thủy sản được hỗ trợ đầu tư rất ít, đây là một thực trạng chung của ngành nông nghiệp.
Nói về tiếp cận nguồn vốn, bà Bùi Thị Quy, Tổng giám đốc Cty TNHH mía đường cồn Long Mỹ Phát cho biết: “Mặc dù Quyết định 28/2004/QĐ -TTg của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức lại sản xuất thực hiện một số giải pháp xử lý khó khăn đối với các nhà máy và Cty đường trong đó có giải pháp xóa nợ, xóa lãi suất, bù lỗ… nhưng đến nay tôi là chủ DN có hai nhà máy đường nhưng vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ nào”.
Tình trạng đường trong nước dư thừa trong khi đó Chính phủ đã cho nhập hơn 70.000 tấn đường đã gây khó khăn cho DN trong nước. Trước những khó khăn hiện tại Chủ tịch Hội mía đường Việt Nam Nguyễn Thành Long chia sẻ: “Hiện nay các nhà máy đường lớn trong nước tổ chức bao tiêu sản phẩm cho người trồng mía. Bảo hiểm giá mía cho nông dân nhưng hiện nay chưa cơ quan nào bảo hiểm cho DN sản xuất đường”.
Cũng như ngành mía đường, những DN đầu tư vào nuôi tôm cũng đang điêu đứng cần được hỗ trợ hoặc tiếp cận nguồn vốn, ông Võ Quang Huy - Phó Chủ tịch Hiệp hội tôm Mỹ Thanh (Sóc Trăng) nói: “Nghề nuôi tôm thời gian qua gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh. Tổng dư nợ vốn vay của 4.000 hộ nuôi tôm tại Sóc Trăng lên tới 11.000 tỉ đồng. Hiện nay, Công văn 1149/TTg- KTN và Quyết định 540/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhằm “giải cứu” người nuôi tôm vẫn chưa “phủ sóng” đến các hộ khiến họ vẫn khó khăn”.
Để người nuôi tôm có thể phục hồi và trả một phần nợ của ngân hàng, Chính phủ xem xét có chủ trương để ngân hàng cho người nuôi tôm vay từ 30 - 60% vốn hoặc giải pháp đưa tài sản hình thành như ao điều, phương tiện nuôi được đánh giá bổ sung coi như tài sản có giá trị của người nông dân”.
Phí chồng phí, hàng lậu… bóp chết DN
Trong hai năm gần đây, hoạt động của các DN vừa và nhỏ rất khó khăn đặc biệt là các DN vừa và nhỏ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, ông Đàm Quang Thắng, Hiệp hội DN vừa và nhỏ Hà Nội phát biểu: “Phí chồng phí, phạt chồng phạt từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên gây khó khăn cho DN. Nếu không được tháo gỡ, các DN sẽ bỏ cuộc”. Bức xúc về các khoản phí, thuế Chủ nhiệm hợp tác xã (HTX) Cổ Đông Trần Văn Chiến nêu ý kiến: “Trong năm 2012 - 2013 ngành chăn nuôi thua lỗ nặng.
Các DN và hộ chăn nuôi phải vay vốn ngân hàng với lãi suất cao. Trong khi các DN nước ngoài được giảm 5% thuế thức ăn thì các DN Việt Nam bị tính thuế. HTX đã đầu tư hệ thống xử lý xả thải ô nhiễm môi trường hàng chục tỉ đồng sau một năm hoạt động cơ quan môi trường của huyện, thành phố xuống phạt đình chỉ hoạt động gây thiệt hại hàng trăm tỉ đồng mà không có hướng dẫn khắc phục…”.
Trước khi diễn ra hội nghị “Diên Hồng” ngành nông nghiệp, lãnh đạo, đại diện các HTX, tổng cục, cục và DN chứng kiến ý kiến của Chủ nhiệm HTX Chăn nuôi Quý Hiền (huyện Bảo Thắng, Lào Cai) nêu ra một thực tế về thủ tục hành chính đang “hành” các DN, HTX. Câu chuyện cấp giấy phép cho trứng ra khỏi địa bàn chỉ có giá trị trong vòng 1 ngày. Ngoài ra, muốn bán trứng phải có tem vệ sinh thú y (vận chuyển trong huyện) và kèm theo bộ giấy tờ vận chuyển kiểm dịch sản phẩm động vật (vận chuyển ra ngoài huyện). Chi phí cho mỗi quả trứng theo đó đội lên 50đ/quả.
Cũng về vấn đề thủ tục rườm rà gây khó khăn cho DN, theo Phó Chủ tịch Hội nuôi ong Việt Nam - Nguyễn Thị Hằng cho hay: “Việc vận chuyển mật ong gặp nhiều trở ngại do yêu cầu kiểm dịch phiền hà. Theo quy định, nếu vận chuyển trên 200kg mật ong ra khỏi huyện phải có giấy kiểm dịch. Nếu sản lượng hiện có 45.000 tấn sẽ cần 225.000 giấy phép. Như vậy nếu một ngày cấp 1 giấy phép phải mất 225.000 ngày mới hoàn thành. Chưa kể tổ chức, phương tiện kiểm dịch cấp huyện, tỉnh thiếu hiểu biết về ong”.
Ngoài vấn đề phí, lệ phí, thuế làm nóng hội trường thì vấn đề con giống, vật nuôi, nguyên vật liệu nông nghiệp cũng được đặt ra nhiều câu hỏi chưa có lời giải đáp. Tình trạng nhập lậu cạnh tranh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp trong nước. Thống kê của Hiệp hội mía đường trung bình mỗi ngày có hàng ngàn tấn đường nhập lậu qua biên giới công khai. Hiệp hội mía đường gửi công văn tới cơ quan quản lý nhưng vẫn chưa được giải quyết. DN, nông hộ nuôi tôm ở Sóc Trăng cũng lo ngại trước việc quản lý thuốc thú y, con giống còn bị thả nổi.
Hiện nay, hầu hết dòng tôm bố mẹ đều phải nhập từ Trung Quốc, Thái Lan nên nguy cơ dịch bệnh cao. Đây đồng thời là những khu vực có tôm xuất khẩu cạnh tranh gay gắt với Việt Nam…. Để chủ động tránh tình trạng nguồn giống nhập không đảm bảo ảnh hưởng đến chất lượng tôm thương phẩm, Bộ NNPTNT cần có bộ giống tránh tình trạng phụ thuộc vào nước ngoài.
Tiếp cận công nghệ để đẩy giá trị sản phẩm
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát thừa nhận thời gian qua chúng ta chủ yếu dựa vào sức lao động của người nông dân. Đơn cử, hơn 90% động cơ nông nghiệp hiện nay là của nước ngoài sản xuất. Kể cả 129.000 tàu cá đều là những động cơ cũ của Nhật Bản, ngoài ra còn có các loại máy kéo, máy gặt… cũng sử dụng động cơ thiết bị của nước ngoài. Trong thời gian tới khi nhu cầu sản phẩm chất lượng cao ngày càng tăng thì chúng ta cũng phải thay đổi”.
Đại diện một Cty cơ khí tại Đồng bằng sông Cửu Long cho rằng: Chính sách hiện nay nhiều nhưng hiệu quả chưa cao. Thực tế là chúng ta quá yếu trong cơ khí nông nghiệp vì vậy giá trị sản phẩm nông nghiệp còn thấp. Trong tương lai, cần phải tăng cường áp dụng khoa học công nghệ để giảm sức lao động của nông dân đồng thời tăng giá trị sản phẩm.
Những khó khăn mà DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp gặp phải còn rất nhiều, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát cho biết: “Những kiến nghị của đại biểu sẽ được Bộ NNPTNT tập hợp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan để kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cho TCty, DN và hiệp hội, tạo điều kiện tốt nhất cho DN trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ổn định và phát triển. Theo đó, thời gian tới Bộ NNPTNT sẽ tiếp tục tháo gỡ những khó khăn về nguồn vốn, ưu tiên cho hỗ trợ sản xuất nông nghiệp. Xây dựng chính sách hỗ trợ cho người nông dân cơ giới hóa sản xuất, giảm thiểu thủ tục hành chính.