Khi muốn ăn bớt sản phẩm của khách hàng, nhân viên bơm xăng chỉ cần một thao tác rất đơn giản trên bảng điện tử là có thể thực hiện được nhờ cài hệ thống IC giả.
Ngày 18/11, Đại tá Nguyễn Xuân Thiêm, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC 46, Công an Nghệ An) cho biết đang tạm giữ Trần Lê Đức (35 tuổi, ở quận Tây Hồ, Hà Nội) để điều tra, mở rộng chuyên án "Sản xuất chíp điện tử nhằm gian lận xăng dầu".
Bước đầu, PC 46 cùng Sở Khoa học và Công nghệ phát hiện 11 cây xăng trên địa bàn có gắn IC giả để ăn bớt tiền của khách hàng. Chủ các cửa hàng vi phạm cho biết đã lắp đặt sản phẩm này khoảng 3 tháng trở lại đây.
Lực lượng chức năng đã thu hơn 200 IC khi sản phẩm này chưa kịp tung ra thị trường cùng 2 máy sản xuất IC giả.
Trần Lê Đức tại cơ quan điều tra.
Từ lời khai của những người mua IC giả, cảnh sát đã lần ra nghi can chế tạo sản phẩm này.
Trần Lê Đức cho biết anh ta có 3 năm theo học ngành công nghệ. Năm 2008, sau thời gian tìm hiểu, nam thanh niên bắt tay sản xuất chip điện tử IC giả. Sau khi mua những chiếc IC thật, Đức thuê người giỏi công nghệ lập chương trình giả rồi cài vào các IC có sẵn để cho chạy song song hai chương trình thật - giả. Mỗi IC này được quy định một mật mã riêng theo từng kí hiệu trên bảng điện tử sẵn có ở các cây xăng.
Nếu cửa hàng nào muốn lắp đặt, thợ sẽ mở bàn phím ở cột xăng thay thế IC thật bằng IC giả. Khi muốn ăn bớt sản phẩm của khách hàng, nhân viên bơm xăng chỉ cần một thao tác rất đơn giản trên bảng điện tử là có thể bớt được từ 4-11,6% (100 lít bớt được 4-11,6 lít ) trong tổng số xăng cần bơm. Khách hàng nếu quan sát bằng mắt thường thì rất khó để phát hiện vì trên màn hình cột xăng vẫn thể hiện các chỉ số đơn giá, số lượng xăng dầu bơm cho khách.
Trong trường hợp nếu bị khách phát hiện thì chỉ cần bấm một số ngầm định sẵn nào đó hoặc ngắt nguồn điện cung cấp cho cột bơm rồi bật lại thì bảng điện tử lại chạy chương trình đúng.
IC giả (vòng tròn đỏ) được lắp đặt vào bảng điện tử nơi cột xăng thay thế cho IC thật để ăn bớt sản phẩm của khách hàng.
Nhà chức trách nhận định việc mua bán, lắp đặt IC giả này không chỉ có trên địa bàn Nghệ An mà nó còn diễn ra trên nhiều cây xăng tại các tỉnh thành khác. Với mỗi IC được lắp đặt hoàn chỉnh có giá 5 triệu đồng.
Ban chuyên án cho biết vẫn đang tiếp tục điều tra mở rộng, phối hợp với công an các tỉnh khác để phát hiện những cơ sở kinh doanh ăn cắp xăng dầu khách hàng bằng hình thức tinh vi này. 11 cơ sở kinh doanh xăng dầu bị phát hiện sử dụng IC giả để gian lan theo Nghị định sẽ bị phạt 70 - 100 triệu đồng.