Đó là nhận định chung của các chuyên gia tại cuộc tọa đàm Chống chuyển giá: Giải pháp linh hoạt - chính sách phù hợp được Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức vào ngày 29-10.
Theo đó, khi được mời đến đầu tư, các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã được Việt Nam tạo điều kiện, ưu đãi trong việc thuê đất, thuế… Tuy nhiên, họ lại lợi dụng các lỗ hổng về chính sách của ta để chuyển lợi nhuận về công ty mẹ, gây thất thu cho ngân sách, tác động xấu đến môi trường kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam.
Nhiều hình thức chuyển giá
Theo báo cáo mới đây của Tổng cục Thuế, chỉ trong tám tháng đầu năm 2014, khi thanh tra, kiểm tra tại hơn 39.000 DN, các cơ quan chức năng đã phát hiện gần 2.000 DN có dấu hiệu chuyển giá, truy thu hơn 1.000 tỉ đồng, giảm lỗ lên tới trên 4.000 tỉ đồng. Hiện tượng chuyển giá đã có dấu hiệu lan sang một số DN trong nước.
Các chuyên gia cũng dẫn chứng nhiều DN FDI báo lỗ cả chục năm trời nhưng khi bị dọa rút phép kinh doanh thì ngay lập tức trong báo cáo tài chính năm sau DN thông báo đã làm ăn có lãi.
Ngoài nhiều hình thức chuyển giá, nhiều DN FDI còn có chiến lược thua lỗ nhiều năm để chiếm lĩnh thị trường. Ảnh chỉ mang tính minh họa: Hữu Luận
Theo các chuyên gia, thủ đoạn trốn thuế của các DN FDI hiện nay là theo hình thức chuyển giá, chủ yếu nâng giá đầu vào (nguyên vật liệu, công nghệ, ý tưởng…) mua từ công ty mẹ. Sau đó hạ giá sản phẩm từ công ty con (đặt tại Việt Nam) bán cho công ty mẹ để công ty con báo lỗ giả (không phải nộp thuế thu nhập DN). Trong khi đó, DN vẫn lãi thật vì lợi nhuận đã được chuyển về công ty mẹ đặt trụ sở tại những nước có mức thuế ưu đãi hơn. Thủ đoạn chuyển giá mới đây được phát hiện khi công ty con phải gánh thêm các chi phí khác từ công ty mẹ như thuê chuyên gia, chi phí quảng cáo…
Minh bạch việc kiểm tra, giám sát
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng việc các DN FDI đầu tư vào Việt Nam hơn 20 năm báo lỗ liên tục là bất bình thường. Việc này làm méo mó môi trường đầu tư, tạo lợi thế không bình đẳng giữa các đối tác khác, tạo ra những con số ảo và tình trạng thâu tóm không lành mạnh, giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, gây nguy cơ tham nhũng cao hơn, làm thất thu ngân sách, ảnh hưởng đến tiềm lực quốc gia. Theo ông Phong, cần phải xây dựng cơ chế, chính sách pháp luật, trình độ, năng lực, kinh nghiệm của cán bộ ngành thuế… để việc giám sát, kiểm tra được minh bạch hóa, tránh tổn thất cho lợi ích quốc gia.
Ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế DN lớn, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính, phân tích: “Các DN có xu hướng né thuế, tránh thuế, tức là tận dụng triệt để pháp luật để tránh phải nộp thuế nhiều, đây là hoạt động hợp pháp, chỉ trốn thuế mới là hoạt động phi pháp. Các nhà đầu tư nước ngoài đến từ một đất nước áp dụng mức thuế bằng 0%, thuế của Việt Nam cao thì họ sẽ chuyển giá để chuyển lợi nhuận về nước họ, để không phải nộp thuế”. Theo ông Phụng, vấn đề nằm ở chỗ các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát phải chỉ rõ được DN nào vi phạm để xử lý nghiêm.
Cùng quan điểm này, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KH&ĐT, cho biết phải có bằng chứng rõ ràng về việc DN chuyển giá để xem xét xử lý theo pháp luật, không thể chụp mũ những DN thua lỗ là có hiện tượng chuyển giá. Theo ông Hoàng, hiện nhiều DN FDI có chiến lược thua lỗ nhiều năm để chiếm lĩnh thị trường. Vì thế để phát hiện DN chuyển giá thì quy trình kiểm tra, giám sát phải bao quát được tổng thể từ khâu đầu đến khâu cuối, không chỉ dừng lại ở khâu thuế.
Hiện Chính phủ đã giao Bộ KH&ĐT phối hợp với các đơn vị, địa phương nghiên cứu, xây dựng đề án chống chuyển giá. Đề án đã được báo cáo Chính phủ và được chuyển giao cho Bộ Tài chính chủ trì. Thực hiện đề án, Bộ Tài chính đã và đang xây dựng các kế hoạch từ việc đào tạo, truyền thông đến kết hợp các biện pháp nghiệp vụ để tìm DN vi phạm, xử lý theo quy định của pháp luật.
Ông ĐỖ NHẤT HOÀNG, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KH&ĐT
Luật bao giờ cũng có kẽ hở và nhà đầu tư luôn tận dụng khai thác những kẽ hở của luật pháp để đem lại lợi nhuận lớn hơn cho mình.
Chuyên gia kinh tế NGUYỄN MINH PHONG