Các chuyên gia cho rằng việc mất niềm tin vào sự ổn định của nền kinh tế khiến không ít người giàu Việt Nam gửi gắm tiền vào kênh đầu tư tài chính. Xu hướng này cần được điều chỉnh để có lợi hơn cho nền kinh tế.
Tiến sĩ Võ Trí Thành, Viện phó Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương cho biết, theo Báo cáo thẩm tra Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 và 4 năm 2011-2014; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 vừa được Ủy ban Kinh tế báo cáo trước Quốc hội thì hiện tổng vốn đầu tư toàn xã hội đang ở mức trên 30% GDP. Tổng tiết kiệm nội địa của Việt Nam cũng ở mức tương đương.
Thời gian qua, tổng vốn đầu tư xã hội đang có xu hướng giảm nhưng tiết kiệm nội địa không bị ảnh hưởng bởi hàng năm vẫn được bù đắp bởi nguồn giải ngân từ Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) khá ổn định ở mức từ 8-10 tỷ USD.
Ông Thành cho biết, niềm tin về sự ổn định kinh tế vĩ mô sẽ là cách giúp dòng tiền khổng lồ này đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Ảnh: Thanh Lan
“Điều này cho thấy đang có một khoản tiền trong nước vẫn chưa dùng để đầu tư. Nguồn vốn này là của những người ở tầng lớp trung lưu mới nổi và họ thường tiết kiệm dưới dạng đầu tư tài chính”, ông Thành nhận định. Người Việt Nam hiện nay có thu nhập nhanh hơn tốc độ tiêu dùng. Đây là khoản tiền tiết kiệm khổng lồ của Việt Nam.
Theo Viện phó Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế, nếu lòng tin của bộ phân dân cư quay trở lại thì số tiền đó sẽ đầu tư vào nền kinh tế chứ không cất giữ dưới dạng tài chính mà họ đang xem là hầm trú ẩn an toàn như hiện nay.
Đồng tình quan điểm chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho biết năm nay các tổ chức tín dụng ghi nhận rất nhiều khách hàng mới mở sổ tiết kiệm. Tăng trưởng huy động tiền gửi tăng gấp đôi so với cho vay ra.
“Rõ ràng nguồn tiền nhàn rỗi trong dân cư vẫn rất nhiều. Họ thừa tiền nhưng không dám mạo hiểm với số tiền họ có”, ông Hiếu nói.
Theo chuyên gia, lý do khiến bộ phận người có tiền không dám đưa dòng tiền vào sản xuất kinh doanh là Việt Nam vẫn chưa có thị trường vốn đúng nghĩa. Những người tham gia thị trường vốn hiện nay chủ yếu vẫn là chính phủ và tổ chức tín dụng.
“Nhiều người dân có tiền muốn đầu tư vào cũng không có cơ hội tham gia thị trường vốn nên buộc họ phải chạy theo vàng, đô la, đầu tư tài chính…Đó là điều đáng tiếc cho nền kinh tế”, ông Hiếu nói. Người dân cũng như các doanh nghiệp, tổ chức tài chính trong và ngoài nước cần được tham gia rộng rãi hơn.
Trên thực tế, thị trường vốn chưa được minh bạch và công khai đặc biệt các báo cáo tài chính khiến không ít người mất niềm tin vào thị trường. Do vậy tâm lý của các tổ chức hoặc cá nhân có tiền hiện nay thường tìm nơi trú ẩn an toàn cho đồng tiền. Thay vì họ lo lắng đầu tư vào một lĩnh vực sản xuất nào đó thì họ đầu tư tài chính.
“Nâng cao năng lực quản trị kinh doanh, tài chính và rủi ro là việc cần làm hiện nay để tạo ra cơ hội cho các lĩnh vực giải trí, du lịch phát triển khi dòng tiền này được định hướng đúng”, ông Hiếu cho hay.
Lo ngại từ xu hướng “chảy tiền” từ một số nước lân cận ông Thành cho biết có không ít người giàu đang dùng số tiền dư thừa chuyển gửi tại các ngân hàng nước ngoài. “Nếu Việt Nam không giữ được số vốn này trong nước thì cực kỳ nguy hiểm. Cần có chính sách để huy động nguồn tiền này”, ông Thành nhấn mạnh.
Theo ông Thành quan trọng nhất vẫn là niềm tin. Điều đó đồng nghĩa vẫn phải giữ được ổn định vĩ mô. “ Không ổn định ai dám đầu tư vào sản xuất kinh doanh, chẳng có dại mà thấy bất ổn lại đem tiền đi đầu tư vào sản xuất gạo”, ông Thành nói.
Ngoài ra cần cải cách cơ cấu để người dân tin rằng có mất mát, đánh đổi thì sẽ cải thiện được tình hình. Khi đó nguồn lực phân bổ hiệu quả hơn, môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đắng, cơ chế chính sách thông thoáng, rõ ràng thì may ra dòng tiền tiết kiệm khổng lồ này sẽ có định hướng tốt.