Trước tình hình kinh tế khó khăn, hàng loạt DN có nguy cơ phá sản nhưng với những quy định hiện hành của Luật Phá sản đã khiến cộng đồng DN xem tuyên bố phá sản như một việc khá xa lạ.
Doanh nghiệp khổ vì vi phạm sở hữu trí tuệ
- Cập nhật : 27/05/2014
Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: Hoàng Phi |
Dù hệ thống pháp luật đã có, lực lượng cơ quan chức năng nhiều, nhưng các vi phạm về sở hữu trí tuệ ở Việt Nam vẫn rất phổ biến và doanh nghiệp là người phải chịu thiệt thòi hơn ai hết.
Một trong những sự vi phạm phổ biến là nhái nhãn hiệu, bao bì, kiểu dáng được nhiều doanh nghiệp nêu ra tại cuộc tọa đàm “Tài sản trí tuệ, lực đẩy cho sự phát triển của doanh nghiệp” do Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam và Liên hiệp Khoa học doanh nhân Việt Nam tổ chức ở TPHCM vào ngày 29 tháng 6.
Dễ dàng làm nhái
Chẳng hạn, bếp ga Namilux thường bị làm giả nhiều nhất ở hai tỉnh Quảng Ninh và Hải Phòng.
Theo đại diện của công ty này, để làm giả, chỉ cần một thương nhân cầm một cái bếp ga thật đi qua biên giới Trung Quốc, đặt làm chỉ với số lượng 500 đến 1.000 chiếc là người ta có thể sản xuất ngay.
Điều này được cho là ảnh hưởng rất nhiều đến thương hiệu của doanh nghiệp, vừa làm mất nguồn doanh thu vừa làm mất niềm tin của người tiêu dùng.
Thế nhưng cách giải quyết của Namilux là cũng chỉ gửi thư đến các đại lý đang bán các sản phẩm giả và nhái này, đồng thời báo cơ quan chức năng, chứ chưa có thêm động tác mạnh tay nào.
Thậm chí nhiều doanh nghiệp khi biết sản phẩm của mình bị làm giả, làm nhái, đành chọn cách im lặng.
Lý do họ đưa ra là tìm đến cơ quan chức năng thì được yêu cầu phải chứng minh đủ chuyện và nếu có lôi nhau ra tòa thì gặp rất nhiều sự phức tạp khiến họ nhận thấy chưa được vạ mà má đã sưng.
Hơn nữa, với một số doanh nghiệp, họ không dám làm mạnh tay là bởi sợ người tiêu dùng biết hàng bị làm giả nhiều, khách hàng khi đó, vì sợ mua hàng giả, nên sẽ quay lưng với doanh nghiệp mà tìm đến sản phẩm khác.
Câu chuyện vi phạm sở hữu trí tuệ trong thời gian qua được rất nhiều doanh nghiệp phản ánh là không chừa một ai, từ các doanh nghiệp lớn đến doanh nghiệp nhỏ, từ sản xuất kinh doanh đến dịch vụ, từ nam chí bắc, từ nội địa lẫn quốc tế.
Mất thị trường xuất khẩu
Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Trưởng văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại TPHCM, quyền sở hữu trí tuệ chỉ có giá trị trên lãnh thổ, vì thế, các doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu cần phải nhanh chóng đăng ký bảo hộ thương hiệu của mình ở các thị trường nước ngoài.
Trên thực tế, rất nhiều thương hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam đã bị bên phía đối tác làm ăn ở nước ngoài đăng ký.
Chẳng hạn, theo ông Quyền, Tổng công ty thuốc lá Việt Nam Vinataba hiện không thể xuất khẩu hàng của mình đến Trung Quốc, vì đã bị một đối tác nước ngoài đăng ký bảo hộ trước.
Vinataba đã đòi lại được thương hiệu của mình ở Campuchia và Lào, nhưng riêng với thị trường Trung Quốc, “hơn 10 năm nay vẫn chưa đòi lại được”.
Điều đó có nghĩa là nếu Vinataba muốn xuất khẩu hàng của mình đến Trung Quốc, thì hoặc bị chặn ngay tại cửa khẩu, hoặc phải trả phí bản quyền thương hiệu cho phía đối tác.
Vi phạm nhiều, xử lý ít
Theo ông Lê Ngọc Trung, Phó Cục trưởng Cục Công tác phía Nam, Bộ Công thương, 6 tháng đầu năm nay, từ các số liệu chưa đầy đủ, lực lượng quản lý thị trường đã xử lý gần 6.000 vụ vi phạm liên quan đến sở hữu trí tuệ.
Cũng theo ông Trung, trong năm 2012, lực lượng quản lý thị trường của Bộ cũng đã xử lý hơn 10.000 vụ có liên quan.
Các chuyên gia nhẩm đếm có đến cả chục cơ quan có trách nhiệm xử lý các vụ việc vi phạm sở hữu trí tuệ ở Việt Nam, từ thanh tra của hai bộ Khoa học và Công nghệ và Văn hóa, Thể thao và Du lịch, quản lý thị trường của Bộ Công Thương, lực lượng tòa án, công an, hải quan…
Riêng bộ Công thương có hai đơn vị quản lý lĩnh vực này là Cục Quản lý thị trường và Cục Cạnh tranh.
Theo ông Trung, lực lượng quản lý thị trường có trách nhiệm xử lý vi phạm sở hữu trí tuệ trong quá trình lưu thông và kính doanh trên thị trường nội địa. Lực lượng này được tổ chức thống nhất từ trung ương đến địa phương và hiện tại có đến hơn 600 đội quản lý thị trường với hơn 6.000 kiểm soát viên trên toàn quốc.
Trong khi đó, lực lượng của Cục Cạnh tranh là nơi tiếp xử lý các vi phạm về hành vi cạnh tranh không lành mạnh như sử dụng hình thức quảng cáo không lành mạnh có thể gây nhầm lẫn cho các cơ sở kinh doanh.
Cho dù những con số xử lý vi phạm mà ông Trung nêu trên là khá nhiều, nhưng dường như vẫn chưa thấm vào đâu so với các vụ vi phạm sở hữu trí tuệ trên cả nước trong những năm qua.
(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Trở về