Trong vòng ba quý, doanh nghiệp tốn đến 60-70 triệu đồng tiền giấy và mực chỉ để in báo cáo và phải chở bằng ô tô đến hải quan.
Hàng loạt nỗi thống khổ của DN xuất nhập khẩu vì gánh nặng thủ tục hải quan, thông quan hàng hóa… được nêu ra tại hội thảo thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ: Đơn giản hóa thủ tục quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Hội thảo do dự án Quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID/GIG) và CIEM tổ chức vào ngày 10-10.
Một cổ ba, bốn tròng
Bà Đặng Bình An, chuyên gia tư vấn dự án GIG, cho biết ba cuộc khảo sát thủ tục xuất nhập khẩu cho thấy các DN xuất nhập khẩu ngoài gánh nặng về thủ tục hải quan còn phải đối mặt với nhiều vấn đề liên quan đến hoạt động kinh doanh cảng và hãng tàu. Bên cạnh, DN còn phải chịu vô vàn thủ tục kiểm tra của các cơ quan quản lý chuyên ngành khác.
Bà An dẫn chứng: “Chỉ trong vòng ba quý, Samsung tốn 60-70 triệu đồng tiền giấy và mực chỉ để in báo cáo, mất rất nhiều người để làm các báo cáo này. Đến khi muốn báo cáo lên hải quan thì họ phải chở bằng ô tô. Còn tại Cục Công tác phía Nam của Bộ Công Thương, trong vòng hai tuần họ phải lưu trữ đến 51 bao tải báo cáo của DN”. Bà An còn cho biết DN xuất nhập khẩu phải chịu bao nhiêu loại phí cảng và hãng tàu. Trong chi phí 10-12 triệu đồng làm thủ tục nhập khẩu một container thì DN phải mất 50% cho phí hãng tàu và có nhiều loại phí không minh bạch. DN lại còn phải xuất trình giấy tờ xe tải trọng phù hợp thì mới được lấy hàng…
Ông Nguyễn Giang Tiến, đại diện Công ty Cổ phần Vận tải và Thuê tàu: “Chỉ đọc danh mục khai báo hóa chất và hồ sơ xin phép nhập khẩu hóa chất DN đã đủ chóng mặt”. Ảnh: T.HẰNG
Song bà An cho rằng các thủ tục kiểm tra chuyên ngành mới là gánh nặng chính cho DN trong quá trình thông quan. Hiện 50%-60% hàng nhập khẩu phải chịu sự rà soát, kiểm tra của quản lý chuyên ngành. Có 10 vấn đề đang gây vướng mắc cho DN từ việc quản lý chuyên ngành. Danh mục hàng hóa cần quản lý chuyên ngành quá nhiều nhưng không rõ ràng, thiếu quy chuẩn, thủ tục phức tạp, tình trạng quản lý chồng chéo, có quá nhiều tổ chức kiểm tra, kiểm định…
Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), ngán ngẩm: “Tôi cảm nhận nỗi thống khổ của DN xuất nhập khẩu. DN bị ép tứ bề, từ cơ quan nhà nước đến chủ tàu, cảng… Mọi thứ thực sự đều rất khó khăn”.
Khóc ròng với cách quản lý “bắn nhầm còn hơn bỏ sót”
Bà Đặng Phương Dung, Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho rằng năm nay là năm khủng hoảng hải quan, DN xuất nhập khẩu nào cũng than với việc thông quan. “Có những vấn đề đang thực hiện hải quan điện tử, việc kê khai cập nhật thông tin thực hiện qua mạng nhưng do hệ thống trục trặc lại chuyển qua làm tay. Sau đó cán bộ không cập nhật vào hệ thống. Điển hình như vấn đề thanh khoản, nhiều DN “khóc” từ địa phương “khóc” lên tổng cục nhưng không được giải quyết. Vấn đề này không phải do DN, không do quy định mà do người thực hiện, hệ thống mạng nhưng người chịu tổn thất lại là DN” - bà Dung bức xúc nói.
Ông Nguyễn Minh Chính, Phó Tổng trưởng phòng Khai thuê hải quan Công ty TNHH Tiếp vận Thăng Long, cũng đưa ra dẫn chứng về mặt hàng hóa chất NaOH. Theo quy định các mặt hàng có 32% NaOH trở lên phải xin phép. Nếu loại hóa chất này nằm riêng thì phải xin phép là hợp lý. Nhưng nhiều mặt hàng hóa chất này nằm trong sản phẩm đã qua kiểm tra trước đó rồi vẫn phải xin phép là không hợp lý. Mặt hàng thép cũng vậy. Thực tế hiện nay không một đơn vị nào kiểm định được hàm lượng hóa chất trong thép. Đưa ra các trung tâm kiểm định chỉ là để đi mua giấy phép thôi chứ không kiểm tra được.
Ngán ngẩm với hồ sơ xin nhập khẩu hóa chất
Đọc danh mục khai báo hóa chất và hồ sơ giấy phép xin nhập khẩu hóa chất xong cũng đủ chóng mặt ngất rồi. Có quá nhiều loại hóa chất, cái gì thuộc hóa chất đều có trong danh mục phải khai báo và mỗi loại là một thủ tục.
Hiện nay DN muốn nhập khẩu hóa chất phải xin giấy phép với bộ hồ sơ gồm 13 loại giấy tờ. Trong đó có đơn đề nghị cấp giấy phép, bản sao hợp lệ giấy phép kinh doanh, bản sao hợp lệ đủ điều kiện phòng cháy chữa cháy, giấy xác nhận cam kết bảo vệ môi trường, bản giải trình nhu cầu kinh doanh hóa chất, bản kê khai hệ thống nhà xưởng và sơ đồ kho, bản kê khai trang thiết bị lao động phòng hộ, bản kê khai vận chuyển chuyên dùng, phiếu an toàn hóa chất… Chưa hết DN còn phải có cả bản khai nhân sự cán bộ, bản sao bằng đại học hợp lệ, các chứng chỉ và có cả giấy chứng nhận đủ điều kiện sức khỏe do cấp quận cấp.
Ông NGUYỄN GIANG TIẾN,
đại diện Công ty Cổ phần Vận tải và Thuê tàu
Văn bản liên quan xuất nhập khẩu hiện nay cũng phức tạp như các điều kiện kinh doanh và cũng có chín không: không rõ ràng, không minh bạch, không hợp lý, không hiệu quả… Tất cả cái không này tạo ra rất nhiều rủi ro cho DN, làm DN tốn nhiều chi phí. Tuy nhiên, những giải pháp Bộ Tài chính đưa ra hiện nay bằng một số công văn tháo gỡ vướng mắc chỉ là mang tính tình thế. Cải cách không đơn giản chỉ cải cách quy phạm mà phải cải cách quản lý và bộ máy.
Ông NGUYỄN ĐÌNH CUNG, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương - CIEM