Theo yêu cầu của Chính phủ, đến 2015 EVN phải cơ bản giải quyết xong các khoản lỗ, cân bằng tài chính. Tuy nhiên, đến nay EVN vẫn còn “treo” trên 8.800 tỷ đồng lỗ tỷ giá. Năm 2014, chi phí tăng mạnh do giá than, khí bao tiêu và các khoản thuế tăng.
EVN kiến nghị Bộ Công thương cho phép bổ sung một loạt khoản phí, chi phí phát sinh trong năm 2014 vào giá điện 2015 (ảnh: BD)
Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết thực hiện nhiệm vụ năm 2014 và triển khai kế hoạch năm 2015 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) diễn ra sáng nay (ngày 13/1/2015), ông Dương Quang Thành – Phó Tổng giám đốc EVN cho biết, trong năm 2015, kế hoạch của EVN sẽ đưa giá điện bình quân toàn tập đoàn xuống còn 1.515,69 đ/kWh.
Năm 2014 vừa rồi, giá bán điện bình quân toàn Tập đoàn ước đạt 1.529 đ/kWh, tăng 30 đ/kWh so với năm 2013. Như vậy, với mục tiêu trên của EVN, giá điện bình quân toàn tập đoàn sẽ giảm nhẹ 0,87%.
Về mặt thuận lợi, trong năm, các nhà máy thủy điện miền Trung có sản lượng khai thác thấp do khô hạn, nhưng các nhà máy thủy điện còn lại đều khai thác đạt hiệu quả cao về công suất và sản lượng trên 60 tỷ kWh, góp phần giảm được lượng điện sản xuất từ các nguồn điện có giá thành cao, trong đó sản lượng điện phát bằng dầu chỉ huy động bằng 38% kế hoạch.
Các nhà máy nhiệt điện than vận hành ổn định hơn năm 2013, không có sự cố lớn, tổng sản lượng vượt kế hoạch 2,4 tỷ kWh. Các nhà máy tuabin khí đã huy động tối đa từ đầu năm và tổng sản lượng đạt xấp xỉ kế hoạch năm, tuy nhiên nguồn khi PM3 vận hành không ổn định hay xảy ra sự cố, làm ảnh hưởng đến huy động các tổ máy tuabin khí Cà Mau.
Cũng trong năm 2014, có một số yếu tố mới, xuất hiện trong năm và có tác động ảnh hưởng không nhỏ tới tình hình tài chính và kết quả sản xuất kinh doanh điện của Tập đoàn.
Cụ thể, giá than cho sản xuất điện từ 1/1/2014 và 22/7/2014, điều chỉnh giá khí trên bao tiêu theo giá thị trường từ 1/4/2014; thuế tài nguyên nước tăng từ 2% lên 4% từ 1/2/2014; bổ sung phí môi trường rừng năm 2011, 2012 của các nhà máy IPP dưới 30MW, các yếu tố này làm gia tăng chi phí sản xuất điện và mua điện hàng nghìn tỷ đồng và đều chưa được tính vào trong giá bán điện hiện hành.
Cuối năm công ty mẹ và các đơn vị đều có lợi nhuận nhưng tỷ suất lợi nhuận rất thấp. Lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ ước đạt khoảng 300 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu bằng 0,2%.
Mới đây, trao đổi với PV Dân trí, ông Đinh Quang Tri – Phó Tổng giám đốc EVN cũng đánh giá, mức lãi 300 tỷ đồng của Tập đoàn trong năm 2014 là “quá ít”.
Báo cáo tại Hội nghị với sự tham dự của Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, đại diện EVN – ông Dương Quang Thành đề xuất, “Bộ quan tâm bổ sung các chi phí đầu vào tăng thêm vào giá điện năm 2015 như tăng giá khí, giá than cho sản xuất điênh, thuế tài nguyên, chi phí trng rừng, chi phí trả tiền sử dụng đất của các hồ thủy điện theo Luật đất đai mới”.
Ông Phạm Lê Thanh – Tổng giám đốc EVN cho biết thêm, theo yêu cầu của Chính phủ, đến 2015 EVN phải cơ bản giải quyết xong các khoản lỗ, cân bằng tài chính. EVN đã công bố lỗ 12.000 tỷ năm 2010-2011; lỗ chênh lệch tỷ giá 26.000 tỷ. Số dư còn lại chỉ còn hơn 8.800 tỷ về lỗ tỷ giá, toàn bộ lỗ kinh doanh đã được bù hết.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, dự kiến cuối tháng này, Chính phủ sẽ họp về hai nôi dung quan trọng: với giá dầu xuống thấp, Việt Nam sẽ khai thác, tiêu thụ dầu thô như thế nào; vấn đề thứ hai là về chi phí giá điện
Tính đến nay, giá điện đã không tăng trong 16 tháng. Theo biểu giá điện hiện hành áp dụng kể từ ngày 1/8/2013, giá bán điện bình quân hiện hành là 1.508,85 đ/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng).