Hàng vạn người trong đó có phụ nữ và trẻ em đang phải gánh chịu những hậu quả của tình trạng bạo lực trong gia đình dưới muôn vàn hình thức khác nhau, trong khi đó, nhiều văn bản pháp quy về lĩnh vực này lại được tồn tại hết sức hình thức, lạc hậu và xa rời thực tiễn…
Chị H (bên trái) trú tại quận Ba Đình - Hà Nội kể về những ngày tủi nhục bị chồng bạo hành với cán bộ “Ngôi nhà bình yên”.
Thiếu sự quan tâm từ cơ quan chức năng
Bà Phạm Thị Hương Giang, Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (Hội LHPNVN) cho biết, quá trình thực hiện hỗ trợ người bị bạo hành và qua hoạt động của “Ngôi nhà bình yên” đã cho thấy còn nhiều bất hợp lý trong các quy định về phòng chống bạo lực gia đình. Điển hình là quy định về chi phí khám chữa bệnh cho người bị bạo hành khi được tiếp nhận vào “Ngôi nhà bình yên”. Quy định là người bị bạo hành khi khám chữa bệnh được thanh toán bằng bảo hiểm y tế nhưng thực tế thì hầu hết người bị bạo hành thường không có bảo hiểm y tế dẫn đến việc khi đưa người bị bạo hành đi khám chữa bệnh không có cơ chế để thanh toán từ ngân sách mà lại phải đi tìm các nguồn tài trợ khác gây nhiều khó khăn cho việc hỗ trợ người bị bạo hành.
Quy định thứ hai là việc cấp chứng chỉ cho người làm công tác tham vấn, hỗ trợ nạn nhân bị bạo hành. Tuy nhiên nhiều tỉnh thành phố trong đó có Hà Nội chưa bao giờ tổ chức cấp chứng chỉ cho người làm công tác này. Bộ Y tế có quy định mức thanh toán 30 ngàn đồng/1 ca tư vấn. Thực tế có những ca tư vấn, tham vấn kéo dài cả tuần, thậm chí nhiều tháng thì mức quy định như trên gần như không có ý nghĩa. “Sự quan tâm của nhiều cơ quan, bộ ngành đối với bạo hành gia đình còn rất hạn chế. Trung tâm đã nhiều lần có thư mời cán bộ của nhiều bộ ngành tham dự các hội thảo, các hoạt động nhưng không mấy khi có cán bộ tham gia”, bà Giang nói.
Bà Lê Phương Thúy, Trưởng phòng Tư vấn và Hỗ trợ phát triển, Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, kiến nghị cần xem lại cơ chế giải quyết các vụ bạo hành ngay từ cơ sở hoặc nơi tiếp nhận thông tin ban đầu. Ở nhiều quốc gia cơ quan đứng ra xử lý là công an theo phương thức “một cửa” đã áp dụng từ lâu và rất hiệu quả, đặc biệt trong việc ngăn chặn kịp thời các hành vi bạo hành tiếp theo, các nguy cơ xấu có thể xảy ra. “Khi sự việc xảy ra, giữ an toàn cho nạn nhân là hết sức quan trọng”, bà Giang nói. Cũng theo Trung tâm Phụ nữ Phát triển, thực tế tại Việt Nam, do hành lang pháp lý hạn chế, cơ chế xử lý thiếu khoa học dẫn đến tỷ lệ vụ việc được đưa ra xử lý chỉ chiếm khoảng 1%.
Nhiều quy định của pháp luật còn hình thức, xa rời thực tế.
Nhiều quy định ban hành cho… vui?
Theo ông Trương Việt Toàn, Phó Chánh án Tòa Hình sự, Tòa án NDTP Hà Nội, nhiều quy định của luật pháp không khả thi. “Gần đây tôi được biết đến mô hình “địa chỉ tin cậy” nếu người phụ nữ bị bạo hành thì có thể chạy đến đó. Tuy nhiên còn rất hình thức, nhiều khi cũng không thể giúp được người bị bạo hành bởi vì nơi trú chân đó rất dễ bị người chồng hoặc người gây ra bạo hành phát hiện. Cần có nhiều biện pháp tuyên truyền rộng khắp và sâu sắc hơn”, ông Toàn cho hay.
Cũng theo ông Toàn, có những quy định mới nghe rất hay nhưng không có điều kiện để đảm bảo thi hành. Ví dụ như quy định có chế tài xử lý người xúi giục gây ra bạo lực gia đình tuy nhiên thực tế rất khó xử lý vì trong cấu thành tội phạm hình sự thì người xúi giục là người đồng phạm. Đa số các vụ bạo hành đều áp dụng biện pháp xử lý hành chính người có hành vi bạo hành và trường hợp đó ngay từ việc phát hiện, tìm chứng cứ cho hành vi xúi giục rất khó.
“Chúng ta đừng có kiểu ban hành ra cho có, cho hay mà phải thật sự thiết thực. Tôi đề nghị phải rà soát lại các quy định về phòng chống bạo lực gia đình”, ông Toàn kiến nghị. Đa số các vụ bạo hành đều rơi vào các gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Phạt tiền với các đối tượng gây ra bạo hành là không khả thi mà nên dùng các biện pháp khác có tính giáo dục nhiều hơn như cần nâng cao năng lực của tổ hòa giải viên cơ sở, vai trò của chính quyền. Những trường hợp bố mẹ bạo hành con cái cũng chưa được xử lý nghiêm.
Theo bà Lê Kim Anh, Phó Chủ tịch Hội LHPN thành phố Hà Nội: Nghị định 167/2013 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự an toàn xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội, phòng cháy và chữa cháy, phòng chống bạo lực gia đình có nhiều điều khoản rất hình thức, không có tính răn đe. Trong quy định của Luật phòng chống bạo lực gia đình có quy định UBND cấp xã có quyền cấm tiếp xúc giữa người có hành vi bạo lực và người bị bạo hành. “Trong thực tế tôi hiếm thấy một trường hợp nào UBND cấp xã, phường nào thực hiện quy định này”, bà Kim Anh nói.
Ví dụ tiếp theo là quy định buộc thành viên gây ra bạo hành phải ra khỏi nơi ở hợp pháp và bị phạt từ 100.000 VND đến 500.000 VND cũng là quy định hết sức hình thức. Trong quy định của Luật, bà Kim Anh cho rằng chính quyền cấp xã, phường chưa thực hiện đầy đủ. Cụ thể như hàng năm trong phiên họp tổng kết của HĐND, thì UBND cấp xã trong báo cáo tình hình KTXH phải có nội dung về tình hình bạo lực gia đình tại địa phương và tình hình thực hiện Luật phòng chống bạo lực gia đình. Tuy nhiên việc này còn thực hiện hết sức hình thức.
“Ngôi nhà bình yên” là mô hình thuộc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (Hội LHPN Việt Nam). Thành lập từ năm 2007 và đã đón nhận, hỗ trợ trực tiếp cho 397 người bị bạo hành đến từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Riêng năm 2014, số người bị bạo hành tìm đến cần sự hỗ trợ của “Ngôi nhà bình yên” tăng gấp 6 lần so với cùng kỳ năm 2013. Vào thời kỳ cao điểm, có tới 37 người tạm trú tại “Ngôi nhà bình yên”.