Đó là hậu quả mà một người dân ở TP Thủ Dầu Một (Bình Dương) phải gánh chịu sau mấy năm đáo tụng đình.
Người nhận lãnh hậu quả này là bà Nguyễn Thị Nghen ở phường Hiệp An, TP Thủ Dầu Một (Bình Dương). Ban đầu bà Nghen chỉ vay 310 triệu đồng nhưng qua quá trình hầu tòa rối rắm, phức tạp, cuối cùng bà mất miếng đất hơn 800 m2 và hơn 500 triệu đồng.
Từ vay tiền đến ký bán đất
Theo ông TTC, nguyên đơn của vụ kiện, ngày 3-7-2006, ông cho bà Nghen vay 310 triệu đồng. Hợp đồng không ghi lãi nhưng nói miệng là 5%/tháng. Theo đó, gia đình bà Nghen thế chấp mảnh đất hơn 3.500 m2 ở phường Hiệp An, TP Thủ Dầu Một (Bình Dương) để “bảo lãnh” việc vay. Hai bên thỏa thuận một năm sau, nếu bà Nghen không trả hết tiền thì phải nhượng phần đất gần 800 m2 cho ông C., tiền nợ sẽ thành tiền nhượng đất.
đến hạn, bà Nghen không trả được nợ nên đã ký nhượng đất cho ông. Mấy ngày sau, bà Nghen mang trả hợp đồng (chưa công chứng) cho ông (ý là không muốn nhượng đất nữa). Sau đó bà Nghen khiếu nại tại phường nên hợp đồng không thực hiện được.
Tháng 7-2008, ông C. kiện yêu cầu bà Nghen phải giao đất, nếu không thì phải bồi thường giá trị đất.
Ngược lại, bà Nghen nói: “Tôi chỉ nhận 202 triệu đồng nhưng hợp đồng ghi 310 triệu đồng vì ông C. tính lãi một năm cộng gộp vào vốn. Chồng và các con tôi cùng ký tên thế chấp đất bảo lãnh vay. Đến hạn không trả được nên ngày 12-7-2007 tôi buộc phải ký cắt đất trừ nợ theo yêu cầu. Ngày 1-8-2007, tôi mang tiền đến trả hết và đề nghị không giao đất nhưng ông C. không chịu”.
Bà Nghen chỉ đồng ý trả 202 triệu đồng và lãi suất theo quy định. Tuy nhiên, qua mấy phiên tòa, cái mà bà bị mất còn khủng khiếp hơn những gì mà một người lỡ vay nặng lãi phải chịu.
Sơ thẩm lần đầu: Mất hơn 800 m2 đất
Như đã nói, ông C. kiện yêu cầu bà Nghen phải giao đất, nếu không thì phải bồi thường giá trị đất.
Tháng 3-2009, TAND thị xã Thủ Dầu Một (nay là TP Thủ Dầu Một) xử sơ thẩm (lần 1) tuyên bác yêu cầu của ông C. về việc buộc bà Nghen ký tên nhượng đất vì cho rằng hợp đồng vô hiệu về hình thức. Tuy vậy, tòa lại buộc bà Nghen bồi thường toàn bộ thiệt hại là giá trị khu đất gần 800 m2. Tòa tính ra số tiền mà bà Nghen phải trả cho ông C. là hơn 1,16 tỉ đồng.
Bà Nghen kháng cáo nhưng TAND tỉnh Bình Dương xử phúc thẩm tuyên bác kháng cáo của bà.
Do bà Bà Nghen không có tiền trả nên bị kê biên, bán đấu giá 868,7 m2 đất để bồi thường cho ông C. Người trúng đấu giá trong vụ này lại là ông C. Số tiền bán đất này, ngoài trả cho ông C. 1,16 tỉ đồng và thanh toán các loại phí, bà Nghen còn dư được một ít.
Tháng 9-2013, TAND Tối cao có quyết định giám đốc thẩm hủy cả hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm để giải quyết lại theo thủ tục chung.
Sơ thẩm lần hai: Mất thêm 505 triệu đồng
Mới đây, ngày 19-9, xử sơ thẩm lần hai, TAND TP Thủ Dầu Một đã xác định giá trị phần đất tranh chấp là hơn 3 tỉ đồng, phần bị thiệt hại là 2,7 tỉ đồng. Tòa cho rằng do hai bên đều thừa nhận có giao kết hợp đồng nhượng đất nên hợp đồng này là có thật. Nội dung hợp đồng phù hợp quy định pháp luật. Hợp đồng không được công chứng nên vô hiệu về hình thức. Do hai bên tự soạn thảo và ký tên tại nhà nên cùng có lỗi làm hợp đồng vô hiệu. Vì vậy, mỗi bên phải chịu một nửa thiệt hại.
Từ đó, tòa này buộc phía bà Nghen phải trả cho ông C. hơn 1,67 tỉ đồng (gồm tiền nhượng đất ban đầu 310 triệu đồng và một nửa thiệt hại của 2,7 tỉ đồng).
Do trước đây ông C. đã nhận hơn 1,16 tỉ đồng (từ kết quả thi hành bản án dân sự sơ thẩm lần một) nên tòa xác định bà Nghen còn phải trả thêm cho ông C. hơn 505 triệu đồng nữa.
“Theo đơn khởi kiện ban đầu, ông C. chỉ yêu cầu tôi một trong hai việc: Hoặc giao đất hoặc bồi thường giá trị đất. Ấy thế nhưng qua mấy lần xét xử của tòa, tôi vừa mất đất vừa phải bồi thường cả tiền nữa. Tôi không biết tòa xử kiểu gì!” - bà Nghen bức xúc. Bà cho biết đã gửi đơn kháng cáo toàn bộ bản án này.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc khi vụ án có diễn tiến mới.
Không đáp ứng yêu cầu của án giám đốc thẩm
Trong quyết định giám đốc thẩm, TAND Tối cao nhận định: “Giữa ông C. và bà Nghen chỉ xác lập quan hệ vay tiền, cam kết trả trong một năm, nếu không thì phải cắt đất trả. Đến hạn không trả được nợ nên bà Nghen buộc phải ký hợp đồng nhượng đất theo yêu cầu của ông C. Sau đó, ông C. không nhận tiền bà Nghen trả mà yêu cầu phải thực hiện hợp đồng nhượng đất đã ký. Tòa sơ thẩm và phúc thẩm tuyên bố hợp đồng nhượng đất vô hiệu là đúng nhưng buộc gia đình bà Nghen phải trả cho ông C. giá trị đất là chưa giải quyết đúng bản chất vụ án.
Quyết định giám đốc thẩm còn chỉ rõ nếu xác định hợp đồng thế chấp vô hiệu thì việc căn cứ vào hợp đồng này để ký hợp đồng nhượng đất là không phù hợp quy định pháp luật. Do đó khi giải quyết lại, tòa sơ thẩm phải làm rõ: Việc thế chấp đất có đăng ký hay không để từ đó xem xét hiệu lực của hợp đồng thế chấp.
Ngoài ra, TAND Tối cao còn yêu cầu làm rõ: Có thỏa thuận về lãi, có thuộc trường hợp cho vay nặng lãi hay không? Ai là người trực tiếp giao tiền cho bà Nghen? Số tiền thực giao là 310 triệu đồng hay 202 triệu đồng? Cần cho người giao tiền và bà Nghen đối chất. Triệu tập lấy lời khai của người làm chứng…
Trong bản án sơ thẩm lần hai, TAND TP Thủ Dầu Một giải quyết các yêu cầu này như sau: Về hợp đồng thế chấp để bảo đảm trả nợ, tòa cho rằng do không được công chứng nên vô hiệu về hình thức nhưng các bên không yêu cầu giải quyết nên tòa không xét. Về lãi suất, tòa cho rằng do hai bên không đưa ra được chứng cứ để chứng minh phần trăm lãi suất như họ trình bày và họ cũng không có tranh chấp hợp đồng vay nên tòa không xét.
Ngoài ra, án sơ thẩm lần hai vẫn chưa xác định được số tiền thực giao. Người làm chứng xác nhận có thấy việc giao tiền cho bà Nghen nhưng không biết bao nhiêu. Dù lời khai các đương sự mâu thuẫn nhau nhưng TAND TP Thủ Dầu Một cho rằng không cần đối chất vì “đối chất không phải thủ tục tố tụng bắt buộc trong giải quyết án dân sự” và căn cứ vào lời khai của người làm chứng và nội dung hồ sơ thì đủ để xác định sự thật vụ án.