Thấy cánh cửa nhà mình bị móp do đứa trẻ đá bóng trúng, người đàn ông bèn nhặt quả bóng lên và… sút thẳng vào nhà đứa trẻ, vậy là họ kiện nhau ra tòa…
Chiều nào cũng vậy, những trẻ con trong một con hẻm ở phường 14, quận 11 (TP.HCM) tụ tập nhau đá bóng làm huyên náo cả khu dân cư. Bữa nọ, cú sút của một tiền đạo nhóc tì quá mạnh nhưng lại thiếu chuẩn xác khiến quả bóng thay vì bay vào cầu môn dã chiến đã bay thẳng vào cửa nhà hàng xóm. Kết quả: Cánh cửa nhà hàng xóm bị móp thảm hại.
Trẻ con sút, người lớn cũng sút
Khi những đứa trẻ còn chưa kịp hoàn hồn, chưa biết xử trí ra sao thì ông T., chủ ngôi nhà, vừa lúc đi làm về. Nhìn thấy hiện trường, ông T. dựng xe, chạy vào nhà xem xét. Ông nhặt quả bóng lên rồi sút thẳng vào… nhà đứa trẻ. Mấy bộ quần áo trên móc phơi đồ rơi xuống. Hậu quả xem ra không có gì ghê gớm nhưng vấn đề không dừng lại ở đó khi quả bóng ngừng lăn.
Đang đứng trong nhà, nhìn thấy ông T. cầm quả bóng sút thẳng vào nhà mình, chị Đ. hét lên: “Sao anh là người lớn mà hồ đồ vậy? Anh sút quả bóng mạnh như thế may nó trúng cái móc phơi quần áo chứ nó trúng vào tôi hay mấy đứa nhỏ thì làm sao?”.
Đưa tay chỉ vào nhà mình, ông T. nói như quát: “Chị qua nhà tôi xem đi, con chị đá quả bóng làm cánh cửa nhà tôi bị móp đó. Hậu quả ai lãnh?”. “Anh nghĩ sao thế? Con anh cũng đá bóng, con tôi cũng đá bóng, ngày nào mấy đứa nhỏ chẳng ra chơi với nhau. Thằng bé nó đá quả bóng vào nhà anh chẳng qua không may, còn anh là người lớn mà làm như vậy xem có được không?” - chị Đ. trả đũa.
Nếu không khéo hòa giải, những chuyện cỏn con dễ thành vụ án ở tòa. (Ảnh chỉ mang tính minh họa)Ảnh: NT
Kiện yêu cầu xin lỗi trước tòa
Lời qua tiếng lại, vậy là hai nhà gây gổ, đánh nhau.
Cho rằng con làm sai, làm ảnh hưởng đến nhà người khác mà mẹ lại lớn tiếng nên ông T. đâm đơn kiện ra tòa để đòi lại danh dự cho mình. Trong đơn, ông T. đòi phía bị đơn thanh toán lại số tiền tương đương với giá trị cánh cửa bị móp, đồng thời ông yêu cầu bị đơn phải công khai xin lỗi mình trước tòa.
Con hẻm mà mấy đứa nhỏ hay đá bóng chỉ có năm hộ dân sinh sống, mà ai cũng có con tham gia đá bóng nên nghe chuyện ông T. kiện nhà chị Đ. ra tòa thì thấy… vô lý quá. Có bao nhiêu chuyện xảy ra trước đây do mấy đứa nhỏ đá bóng làm hư hỏng nhà này cái này, nhà kia cái khác, họ đều mang ra nhắc lại. Nghĩ hàng xóm thiên vị cho nhà bà Đ., ông T. nổi sùng gây sự, làm náo loạn cả khu phố.
Đang nấu cơm, bà Dương Thị Nguyệt, hòa giải viên phường 14, quận 11, nhận được điện thoại của chị tổ trưởng khu phố. “Chị ơi, không ổn rồi! Cả năm hộ gia đình họ xích mích với nhau, tình hình căng lắm!”.
Điện thoại dứt, bà Nguyệt giao việc cho con làm rồi tức tốc chạy xe đến hiện trường. Lúc này, cả năm hộ dân đều rất căng, ai cũng muốn thể hiện cái tôi của mình. “Nói thật, mỗi lần hòa giải vụ việc của người dân lao động nghèo, mình nói thì họ nghe nên hòa giải dễ lắm. Còn gặp những vụ người dân có học chỉ cần mình không khéo léo thì… tình hình càng rắc rối thêm” - bà Nguyệt tâm sự.
Mở “hội nghị gia đình” để hòa giải
“Người ta là dân trí thức cả nên trong lúc họ căng thẳng mà mình vào nói khơi khơi thì không được. Hôm đó, tôi bịa ra chuyện ở phường có một hội nghị gia đình nên viết thư mời cả năm hộ gia đình và mấy đứa nhỏ cùng đến dự. Vì muốn câu chuyện của mình được hóa giải nên khi đến ủy ban họ mừng lắm” - bà Nguyệt chia sẻ.
Tại “hội nghị”, thằng bé con chị Đ. nói: “Con không cố ý đá bóng vào nhà chú T. đâu”. Nhìn thằng nhỏ, ông T. quắc mắt: “Do nó ghét nhà tôi mới đá vào”. Chị Đ. xen vào: “Năm đứa nhỏ chỉ có một quả bóng thì đứa nào chẳng tranh nhau đá, bóng đến chân đứa nào thì nó cứ thế mà sút. Trong lúc chơi vui như thế, một đứa nhỏ như nó làm sao có thể nghĩ đến chuyện ghét ai để mà gây chuyện”.
Bà Nguyệt phân tích: “Chú T. sai rồi. Đáng lẽ chú phải từ từ nói chuyện, ai lại làm như thế. Quả bóng thì nó lăn vô thưởng vô phạt, còn đứa trẻ thì lại thích vui, mình là người lớn lại là hàng xóm của nhau, ra đường ngày nào chẳng giáp mặt. Trong khi trận bóng đó, con chú cũng tham gia thì sao nói đứa nhỏ ghét nhà mình được. Bây giờ tốt nhất mình không cho đá nữa mà tìm một sân khác cho các cháu chơi, bởi nếu đá ở đây thì thế nào bóng cũng bay vào nhà nữa. Chắc do hôm đó chú nóng nảy mới làm vậy. Thôi giờ chú là người lớn thì nên xin lỗi người ta một câu, chẳng mất mát gì đâu…”.
Chị Đ. cũng nói với vào: “Không cần phải xin lỗi gì đâu, chỉ cần anh ấy nhận thấy mình sai là được rồi…”.
Vậy là buổi hòa giải thành công, ông T. sau đó rút đơn kiện.
Nửa đêm “xử án”
Bà Dương Thị Nguyệt, hòa giải viên phường 14, quận 11 (TP.HCM), kể có lần đang nửa đêm, một đứa trẻ chạy qua khẩn cầu rối rít: “Cô ơi cô, ba con đánh mẹ con nhiều lắm!”. Theo đứa trẻ đến nhà, bà Nguyệt thấy người chồng vừa uống rượu vừa chửi vợ. Thấy bà, ông ta nói: “Nó nằm một đống trong đó ấy!”.
Đang nằm trên giường, nghe vậy người vợ bật dậy, rồi cả hai vừa chửi tục vừa kể tội nhau. Bà Nguyệt ra đòn: “Hai anh chị ngồi đây để tôi gọi công an và tổ trưởng đến”. “Không, đừng cô ơi” - cả hai khẩn khoản. Bà Nguyệt đá thêm: “Tôi phải làm mạnh tay một lần cho anh chị chừa, chứ ngày nào vợ chồng cũng gây lộn, đánh nhau thì sao hàng xóm người ta chịu được!”.
Hôm đó, bà Nguyệt mời công an đến giả đò lập biên bản "đòi" xử phạt hành chính với mức phạt là 600.000 đồng/người. “Biết vợ chồng họ là những người lao động nghèo, chị vợ đang thất nghiệp, anh chồng đi đạp xích lô, tôi nháy mắt với công an ghi biên bản giả cốt để họ chừa”. Nghe mức phạt, anh chồng than: “Trời ơi! Cơm không có ăn mà phạt cái gì! Gì mà phạt đến 600.000 đồng/người dữ vậy?”. Bà Nguyệt: “Không muốn phạt thì lo mà làm ăn đi, ở đây gây lộn hoài ai chịu được. Giờ không có tiền tôi sẽ ghi nợ để trả từ từ. Lần sau gây nữa chúng tôi sẽ phạt gấp đôi”.
Thế là từ đó cả hai không còn hục hặc nữa. Mỗi khi hơi to tiếng, người chồng tuyên bố: “Đứa nào đi mách bà Nguyệt thì tao bắt trả tiền phạt”. Có lần gặp hai vợ chồng trên đường, bà Nguyệt đùa: “Thế bữa nay có gây lộn nữa không?”. Người chồng cười: “Gây nhau để bị phạt 600.000 đồng hả, dại gì!”.