Trước đây, ông TMC ký hợp đồng chuyển nhượng 4.245 m2 đất cho bà BTT và hai người khác với giá 24,5 tỉ đồng.
Phía bà T. đặt cọc 15,1 tỉ đồng, thỏa thuận trong vòng 30 ngày, nếu ông C. trả đủ tiền cọc cộng lãi phát sinh thì có quyền chuộc đất, nếu không thì hai bên tiếp tục việc chuyển nhượng.
Ngày 24-7-2009, ông C. vay của ông PTS 16 tỉ đồng để trả cho bà T. Bà T. nhận hơn 15,3 tỉ đồng và viết cam kết sẽ trả lại bản chính giấy đỏ cho ông C. vào ngày 28-7-2009.
Sau đó, ông C. và ông S. lập hợp đồng, nội dung ông S. đặt cọc 16 tỉ đồng để mua lại mảnh đất này, hẹn ngày 28-7-2009 hai bên sẽ ra công chứng ký hợp đồng để hoàn tất chuyển nhượng. Nếu bên nào bội ước sẽ bị phạt cọc 8 tỉ đồng. Tuy nhiên, việc chuyển nhượng đất giữa ông C. và ông S. không thành vì phía bà T. không trả lại bản chính giấy đỏ cho ông C. Ngày 5-11-2009, ông S. thanh lý hợp đồng đặt cọc, yêu cầu ông C. chịu phạt cọc 8 tỉ đồng.
Ông C. bèn khởi kiện yêu cầu TAND quận Bình Thạnh (TP.HCM) hủy hợp đồng chuyển nhượng đất giữa ông với phía bà T., buộc phía bà T. trả lại bản chính giấy đỏ và liên đới chịu trách nhiệm đối với 8 tỉ đồng mà ông đền cọc cho ông S.
Xử sơ thẩm hồi tháng 1-2011, TAND quận Bình Thạnh đã tuyên hủy hợp đồng chuyển nhượng, buộc phía bà T. phải trả bản chính giấy đỏ cho ông C. và phải liên đới trả cho ông C. 8 tỉ đồng. Tháng 7-2011, TAND TP.HCM xử phúc thẩm đã sửa án sơ thẩm, tuyên bà T. và một người khác phải liên đới trả cho ông C. 8 tỉ đồng.
Tháng 4-2013, Viện trưởng VKSND Tối cao đã kháng nghị giám đốc thẩm, yêu cầu hủy hai cả bản án sơ, phúc thẩm với nhận định hợp đồng đặt cọc giữa ông C. và ông S. chưa được công chứng, chứng thực nên chưa có hiệu lực. Mặt khác, lẽ ra ông C. phải có thư thông báo gửi cho bên bà T. để đòi giấy đỏ...
Sau đó, Tòa Dân sự TAND Tối cao họp giám đốc thẩm đã nhận định nếu ông C. xuất trình được tài liệu, chứng cứ chứng minh trước khi khởi kiện, ông có văn bản gửi cho bên bà T. yêu cầu trả giấy đỏ và hủy hợp đồng thì việc tòa phúc thẩm buộc bà T. và một người khác phải liên đới trả cho ông C. 8 tỉ đồng là đúng. Nhưng trong hồ sơ không có chứng cứ này nên tòa dân sự quyết định hủy cả hai bản án sơ, phúc thẩm.