Nhờ tòa vận dụng quy định bảo vệ người yếu thế trong giao kết hợp đồng mà một phụ nữ thoát món nợ gần 1,1 tỉ đồng cước phí ĐTDĐ…
Mới đây, TAND quận 11 (TP.HCM) đã xử sơ thẩm vụ Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) kiện bà Sỳ Truyền Hoàng Ngân đòi gần 1,1 tỉ đồng tiền cước phí điện thoại.
Bảy ngày, gần 1,1 tỉ đồng tiền cước
Trong đơn kiện nộp cho tòa hồi tháng 6-2014, VNPT trình bày vào ngày 1-7-2013, bà Ngân có ký “hợp đồng cung cấp và sử dụng dịch vụ bưu chính viễn thông” với Trung tâm Kinh doanh chi nhánh Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam - Viễn thông TP.HCM (trực thuộc VNPT). Theo hợp đồng, Viễn thông TP.HCM cung cấp cho bà Ngân SIM điện thoại thuê bao trả sau số 0918.100.524. Ngoài việc gọi trong nước, bà Ngân còn được sử dụng SIM điện thoại này để gọi chuyển vùng quốc tế không bị giới hạn bởi vị trí của máy gọi, vị trí máy nhận cuộc gọi, loại máy. Bà Ngân ký quỹ 5 triệu đồng, khi nào không sử dụng dịch vụ này nữa thì sẽ được nhận lại tiền ký quỹ.
Sau đó, Viễn thông TP.HCM phát hiện từ ngày 1-7-2013 đến ngày 6-7-2013, số điện thoại bà Ngân thuê bao phát sinh gần 1,1 tỉ đồng tiền cước gọi, sử dụng dịch vụ chuyển vùng quốc tế. Do đó, Viễn thông TP.HCM đã ngừng cung cấp dịch vụ cho bà Ngân, yêu cầu bà Ngân thanh toán cước phí nhưng bà Ngân không thanh toán.
Tại tòa, bà Ngân không đồng ý trả tiền và cho rằng phía VNPT đã giải thích hợp đồng không đúng nội dung đôi bên giao kết. Bà chỉ đăng ký sử dụng dịch vụ gọi chuyển vùng quốc tế trong trường hợp khi thuê bao ở nước ngoài, hoàn toàn không có việc gọi quốc tế mà không bị giới hạn bởi vị trí máy gọi, máy nhận như phía nguyên đơn trình bày. Hơn nữa, trong hợp đồng không có thỏa thuận về việc sử dụng dịch vụ gọi quốc tế.
Bà Ngân cho biết khi ký hợp đồng, bà có ký quỹ 5 triệu đồng. Giao dịch viên giải thích rằng số tiền này là ngưỡng cước phí gọi tối đa, nếu cước phí quá số này thì sẽ bị chặn cuộc gọi. Trong hợp đồng giao dịch viên còn ghi thêm chữ “ngưỡng 500” và giải thích là ngưỡng cước cuộc gọi trong nước một tháng không quá 500.000 đồng.
Ngoài ra, bà Ngân còn khai đã cho một người quen mang quốc tịch Pakistan sử dụng SIM điện thoại trên. Sau khi sự việc xảy ra, bà Ngân không liên lạc được với người này, cũng không biết người này ở đâu nên đã làm đơn yêu cầu Công an TP.HCM làm rõ. Đến nay, ngoài việc cho biết có nhận, thụ lý đơn tố giác của bà thì cơ quan công an chưa thông báo gì thêm.
Tòa bảo vệ bên yếu thế
Tại phiên tòa, đại diện VNPT nói không quan tâm đến việc bà Ngân cho ai sử dụng SIM điện thoại mà chỉ biết bà có ký hợp đồng dịch vụ thì phải chịu trách nhiệm. Từ trước đến nay phía VNPT cũng không yêu cầu công an can thiệp.
Theo tòa, quan hệ tranh chấp giữa hai bên là tranh chấp về hợp đồng dân sự. VNPT cương quyết khởi kiện dân sự nên tòa thụ lý, giải quyết. Giả sử sau này công an xác định được người phạm tội theo tố giác của bà Ngân thì việc bồi thường sẽ được xem xét, giải quyết theo quy định chung.
Tòa cho rằng các bên có sự giải thích không giống nhau về nội dung hợp đồng dịch vụ mà các bên đã ký. Không có chứng cứ để chứng minh phía VNPT đã giải thích rõ ràng cho bà Ngân về những nội dung viết tắt trong hợp đồng.
Trong việc giao kết hợp đồng, phía VNPT là bên mạnh thế, còn bà Ngân là bên yếu thế. Bởi lẽ phía VNPT đương nhiên có hiểu biết hơn so với bà Ngân về những vấn đề liên quan đến việc ký kết và sử dụng dịch vụ viễn thông; hợp đồng cũng là do bên VNPT soạn thảo sẵn. Như vậy, phải giải thích nội dung hợp đồng theo hướng có lợi cho bà Ngân.
Phía VNPT cho rằng khi ký hợp đồng, đôi bên không quy định về giới hạn cước phí cuộc gọi quốc tế và cuộc gọi chuyển vùng quốc tế. Còn khoản tiền 5 triệu đồng mà bà Ngân đã nộp là tiền ký quỹ, khi chấm dứt hợp đồng thì sẽ hoàn trả. Cách giải thích này không phù hợp trong mối liên hệ với các quy định khác mà đôi bên đã thỏa thuận. Cụ thể, các bên có thỏa thuận về ngưỡng phí cước cuộc nội địa là 500.000 đồng mà lại không quy định ngưỡng cước tối đa cho các cuộc gọi quốc tế là có sự mâu thuẫn, không phù hợp với quy luật thông thường. Bởi lẽ nguy cơ phát sinh tiền cước quốc tế quá nhiều mà chủ thuê bao không trả được bao giờ cũng cao hơn so với cước nội địa.
Nội dung văn bản tính cước phí mà phía nguyên đơn đã giao nộp cho tòa cũng không đảm bảo tính khách quan, không phù hợp với quy luật thông thường. Chẳng hạn trong văn bản tính cước phí do nguyên đơn cung cấp thì vào ngày 5-7-2013, trong khoảng thời gian 38 phút 13 giây số thuê bao bà Ngân đã gọi 23 cuộc điện thoại đến cùng một số thuê bao ở Maldives. Thế nhưng nguyên đơn đã tính và yêu cầu khách phải trả cước phí tương ứng với thời lượng gọi hơn 4 giờ…
Cuối cùng, tòa kết luận theo thỏa thuận của đôi bên thì khi tiền cước phí sử dụng dịch vụ roaming vượt quá 5 triệu đồng, Viễn thông TP.HCM phải chặn cuộc gọi. Do vậy, bà Ngân chỉ phải chịu tiền cước phí trong giới hạn tối đa nêu trên.
HOÀNG YẾN
Roaming là gì?
Tại phiên tòa, phía VNPT nói trong hợp đồng giao dịch viên có ghi chữ viết tay “RM” và trong “phiếu thu” có ghi “Mở RM”. Điều này có nghĩa bà Ngân đăng ký sử dụng dịch vụ roaming được gọi chuyển vùng quốc tế mà không bị giới hạn bởi vị trí của máy gọi, vị trí máy nhận cuộc gọi, loại máy nhận cuộc gọi.
Theo tòa, trong hợp đồng không có nội dung giải thích thuật ngữ roaming. Nguyên đơn chỉ căn cứ vào chữ viết tắt “RM” do giao dịch viên ghi trên hợp đồng để giải thích bà Ngân đăng ký dịch vụ gọi chuyển vùng quốc tế không bị giới hạn là không có cơ sở.
Tòa phân tích: Trong lĩnh vực viễn thông, thuật ngữ roaming được hiểu theo nghĩa chung nhất là dùng để chỉ việc mở rộng vùng của dịch vụ kết nối ở nơi không được đăng ký ban đầu. Sự chuyển vùng này diễn ra khi nhà cung cấp dịch vụ 1 dùng cơ sở hạ tầng của nhà cung cấp dịch vụ 2 để hỗ trợ cho người thuê bao dịch vụ của mình. Nhà cung cấp dịch vụ 2 không có thỏa thuận về dịch vụ với người thuê bao của nhà cung cấp dịch vụ 1 mà chỉ làm việc với nhà cung cấp dịch vụ 1 để hỗ trợ người sử dụng. Khi đăng ký dịch vụ roaming, người thuê bao có thể thực hiện cuộc gọi ở vùng mà nhà mạng họ đăng ký dịch vụ không có sóng vì cuộc gọi sẽ được kết nối thông qua việc sử dụng sóng của một nhà mạng khác. Do vậy, việc bà Ngân khai rằng khi ký hợp đồng, bà chỉ đăng ký sử dụng dịch vụ gọi quốc tế khi bà ra nước ngoài là có cơ sở.
Quy định liên quan
- Trong trường hợp hợp đồng theo mẫu có điều khoản không rõ ràng thì bên đưa ra hợp đồng theo mẫu phải chịu bất lợi khi giải thích điều khoản đó.
(Theo khoản 2 Điều 407 BLDS 2005)
- Các điều khoản trong hợp đồng phải được giải thích trong mối liên hệ với nhau, sao cho ý nghĩa của các điều khoản đó phù hợp với toàn bộ nội dung hợp đồng.
- Trong trường hợp bên mạnh thế đưa vào hợp đồng nội dung bất lợi cho bên yếu thế thì khi giải thích hợp đồng phải theo hướng có lợi cho bên yếu thế.
(Theo khoản 6, khoản 8 Điều 409 BLDS 2005)