Người dân muốn được bảo vệ chứ không muốn lực lượng công an đánh đập.
Quyền lực-tiền bạc-tình cảm “đi vào” thì công lý “đi ra”!
- Cập nhật : 18/09/2014
Đó là phát biểu của đại biểu Nguyễn Bá Thuyền khi Chính phủ đề nghị quản lý tòa án địa phương. Theo ông Thuyền, công lý sẽ được thực thi khi thẩm phán có cái tâm trong sáng!
Tiếp tục phiên họp toàn thể lần thứ 17 tại TP HCM, Ủy ban Pháp luật Quốc hội đã tiến hành thẩm tra dự án Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi) vào sáng 17/9.
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình, hiện nay các tòa án địa phương do Tòa án nhân dân tối cao quản lý theo ngành dọc. Để bảo đảm nguyên tắc tòa án xét xử độc lập, chỉ tuân theo pháp luật, hạn chế sự can thiệp vào quá trình xét xử của tòa án cấp trên đối với cấp dưới, Chính phủ đề nghị giao tòa án địa phương cho Chính phủ quản lý.
Các đại biểu đồng tình với yêu cầu tăng tính độc lập của các cơ quan trong quá trình tố tụng để chống án oan sai. Tuy nhiên, họ cũng yêu cầu Chính phủ phải làm rõ hơn lý do vì sao giao tòa án địa phương cho Chính phủ quản lý và quản lý về cái gì để không bị “lấn sân” khi thực hiện.
Theo ông Nguyễn Bá Thuyền, đại biểu tỉnh Lâm Đồng, chống oan sai có nhiều cách chứ không nhất thiết phải giao tòa án địa phương cho Chính phủ. “Làm như vậy là chưa đủ và không thuyết phục vì cái chính là bản lĩnh, đạo đức của thẩm phán. Quyền lực, tiền bạc và tình cảm có sức mạnh vô biên, bất cứ chỗ nào cũng có thể đi vào được. Nếu những yếu tố này lọt vào các cơ quan tố tụng và quá trình tố tụng thì công lý sẽ phải “cắp cặp ra đi”. Anh em đói quá, đời sống không được đảm bảo cũng sinh chuyện”- ông Thuyền phân tích. Ông Thuyền cũng đề nghị Chính phủ cân nhắc việc quản lý tòa án địa phương vì có thể không giải quyết được tình trạng oan sai mà lại nảy sinh chồng chéo giữa các đơn vị.
Đồng quan điểm, ông Trần Văn Tư, đại biểu tỉnh Đồng Nai, cho rằng vấn đề cốt yếu hiện nay là đội ngũ cán bộ. “Không phải đưa về cơ quan này, cơ quan kia thì mọi việc sẽ tốt lên. Nếu cán bộ bản lĩnh chính trị không vững vàng, không tinh thông về nghiệp vụ, đạo đức không trong sáng thì sẽ xảy ra án oan sai. Chính vì vậy, cái chính yếu nhất lúc này là xây dựng đội ngũ cán bộ, rèn luyện bản lĩnh để có trái tim nóng, cái đầu lạnh và bàn tay sạch để thực hiện cán cân công lý và công bằng xã hội” - ông Tư đề nghị.
Theo Ph.Anh//Người lao động