Việc cấp thẻ căn cước công dân cho người dưới 14 tuổi là hình thức hiện đại hoá giấy tờ khai sinh.
Sáng 26.9, Thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh (QP-AN) của Quốc hội đã tổ chức hội thảo về dự án Luật Căn cước công dân. Đây là dự án luật được toàn xã hội quan tâm bởi những tác động nhiều mặt của nó đến đời sống xã hội. Theo dự kiến, dự thảo luật này sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ tám, Quốc hội khoá XIII (tháng 10-11.2014).
Dự thảo luật quy định thẻ căn cước công dân là giấy tờ tuỳ thân có giá trị chứng minh căn cước của công dân Việt Nam do cơ quan có thẩm quyền cấp, thay cho chứng minh nhân dân (CMND) hiện nay. Đối với người từ 15 tuổi trở lên, thẻ căn cước công dân gồm những thông tin cơ bản về công dân, có ảnh và đặc điểm nhận dạng như CMND hiện nay. Đối với người dưới 14 tuổi, thẻ căn cước công dân gồm những thông tin cơ bản về công dân và một số thông tin khác được ghi trên giấy khai sinh hiện nay để thay thế giấy khai sinh. Theo Uỷ ban QP-AN, việc cấp thẻ căn cước công dân cho người chưa đủ 14 tuổi bảo đảm quyền bình đẳng của công dân theo Hiến pháp năm 2013. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho công dân trong giao dịch, giảm thủ tục hành chính, từng bước giảm giấy tờ công dân. Theo GS-TS Hồ Trọng Ngũ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban QP-AN của Quốc hội, thực hiện việc trên sẽ khắc phục một hiện tượng rất “đau đầu” trong việc quản lý cán bộ là tẩy xóa giấy khai sinh, “trẻ hóa” cán bộ, cố ý làm sai lệch hồ sơ.
Để làm rõ câu hỏi “vì sao không sử dụng số CMND 9 số làm số định danh cá nhân?”, Thiếu tướng Trần Văn Vệ - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) - cho biết: Thứ nhất, khi công dân chuyển hộ khẩu, hoặc thay đổi địa chỉ thường trú từ tỉnh này tới tỉnh khác sẽ phải cấp lại CMND (2 số đầu CMND quy định cấp tỉnh), vì vậy sẽ dẫn đến một công dân có thể có nhiều hơn 1 CMND (trong các năm 1999 – 2013 có đến 421.999 trường hợp có từ 2-3 CMND trở lên). Thứ hai, để quản lý công dân từ lúc sinh đến khi chết đi, đòi hỏi mã số cá nhân cấp cho công dân phải là duy nhất và chỉ gán cho một công dân nhất định từ lúc sinh ra đến khi công dân chết đi. Thứ ba, mã tỉnh, thành phố nơi đăng ký thường trú của công dân nếu quy định 2 số chỉ đáp ứng đủ yêu cầu của 63 tỉnh, thành phố, nhưng không đảm bảo đủ mã số để cấp cho công dân Việt Nam sinh ra ở nước ngoài (gần 200 quốc gia, vùng lãnh thổ).
Đại diện Bộ Công an cũng nêu rõ, bộ không trình Chính phủ dừng cấp CMND 12 số để chờ Luật Căn cước công dân ban hành, vì theo dự kiến Luật Căn cước công dân đến ngày 1.1.2016 mới có hiệu lực, trong khi đó nhu cầu cấp CMND của công dân là nhu cầu thường xuyên, liên tục. Cả hai loại CMND hiện hữu đều tiếp tục có hiệu lực.