Trao đổi với Lao Động, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn bày tỏ tin tưởng rằng, với Nghị định 108 của Chính phủ ban hành ngày 20.11 vừa qua, thì việc thực hiện tinh giản biên chế từ năm 2015 - 2021 sẽ đi vào thực chất, do công việc này được giao cho người đứng đầu các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm hoàn toàn…
Nhiều ý kiến vẫn lo ngại chính sách, mục tiêu tinh giản biên chế cứ ban hành ra và hô hào nhưng cuối cùng chẳng tinh giản được ai, thậm chí bộ máy cứ ngày một phình to ra?
- Vì chúng ta vẫn chưa làm rõ được trách nhiệm của người đứng đầu đối với nhiệm vụ tinh giản biên chế (TGBC) trong cơ quan mình. Phổ biến nhiều nơi là tình trạng nể nang, ngại va chạm, thậm chí có cả “này khác”, dẫn đến việc TGBC không quyết liệt, dẫn đến vẫn còn trong bộ máy nhiều người không làm được việc.
Còn lần này việc TGBC sẽ giao thẩm quyền và trách nhiệm cho người đứng đầu cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch TGBC với các tỉ lệ tự xác định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt (6 tháng 1 lần). Và khi đã được phê duyệt thì phải tuân thủ chấp hành nghiêm, trong đó phải đạt được tỉ lệ tinh giản đã tự xác định theo từng đơn vị cụ thể. Tỉ lệ này do đơn vị tự xác định căn cứ theo chất lượng đội ngũ của đơn vị, thay vì trước đây cứ ấn định, áp đặt, cào bằng phải tinh giản tỉ lệ 15 hoặc 20%.
Thời gian qua, nhiều nơi xác định được đối tượng cần tinh giản nhưng không có cơ sở pháp lý để giải quyết chế độ chính sách. Trong đó, có cán bộ, công chức mà dư luận có nhiều ý kiến về tình trạng “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”. Hiện nay, nhận thức của chúng ta về TGBC không chỉ là giảm số lượng người làm việc, giảm gánh nặng của ngân sách, mà còn đặt ra mục tiêu chính là nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức.
Điều này có nghĩa không chỉ đưa ra khỏi đội ngũ những trường hợp dôi dư, làm việc kém hiệu quả; bên cạnh đó, việc tuyển dụng mới để thay thế cũng phải bảo đảm đạt yêu cầu về chất lượng cán bộ công chức...
Nghị định 108 quy định việc TGBC ở các cơ quan phải bảo đảm nguyên tắc cứ giảm được 10 người thì chỉ được nhận mới 5 người. Khác với Nghị định 132 trước đây là giảm được bao người thì lại cho bổ sung vào bấy nhiêu. Khắc phục trường hợp tinh giản mà cuối cùng chẳng giảm được ai.
Theo ông, Nghị định 108 kỳ vọng tinh giản được bao nhiêu cán bộ và có bao nhiêu sẽ chịu tác động của chính sách này?
- TGBC đợt này cũng đặt ra con số cụ thể số lượng phải giảm bao nhiêu. Cái chính là kỳ vọng vào việc chất lượng đội ngũ, chất lượng công vụ được nâng lên; cùng với đó là gánh nặng trả lương bằng ngân sách giảm từ những chính sách kèm theo, như chính sách xã hội hoá trong đơn vị sự nghiệp công… Do đặc điểm, thực trạng của mỗi cơ quan là khác nhau, do đó, nếu đặt ra con số cụ thể thì cũng chỉ mang tính dự báo, không chính xác.
Đợt TGBC này, chúng ta nên kỳ vọng vào bản lĩnh, sự quyết tâm, dám làm, dám chịu trách nhiệm của người đứng đầu đối với nhiệm vụ TGBC theo đúng chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Nghị định 108 trao “gươm” cho người đứng đầu. Vì thế, chúng ta nên kỳ vọng vào kết quả do những người được giao thẩm quyền quyết định TGBC mang lại. Qua đó, chúng ta sẽ đánh giá được ai là người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và ai là người né tránh, không dám đương đầu với thách thức. Chỉ có vậy mới nâng được chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức.
Thứ trưởng nói trao “gươm” cho người đứng đầu toàn quyền thực hiện tinh giản biên chế, như vậy có sợ sự lạm quyền của người đứng đầu dẫn đến tiêu cực trong công việc rất dễ xảy ra tiêu cực này?
- Người đứng đầu được quyền quyết định, nhưng phải có sự bàn bạc thống nhất và có kế hoạch báo cáo cấp ủy Đảng cơ quan, đồng thời có sự giám sát của các đoàn thể như công đoàn, đoàn thanh niên, thanh tra nhân dân…, chứ được quyền không có nghĩa một mình thích giảm ai là giảm biên chế họ một cách tùy tiện được.
Tại Quốc hội mới đây có nhiều ý kiến nói rằng, hiện nay công chức tận tâm với công việc, sáng tạo trong công tác ngày càng ít, nhưng công chức lười nhác, vô cảm, ham muốn trở thành lãnh đạo ngày càng nhiều. Người dân có thể đặt niềm tin chính sách tinh giản biên chế để bức tranh cán bộ công chức, viên chức sáng sủa hơn?
- Trong đội ngũ cán bộ công chức, viên chức hiện nay thì đúng là không thể nói tất cả đều tốt. Ý kiến các đại biểu Quốc hội đã nêu sẽ trở thành nhiệm vụ và chúng tôi sẽ tập trung tham mưu để có các giải pháp khắc phục tình trạng này trong đội ngũ công chức, viên chức. Chúng tôi tin tưởng rằng, với quyết tâm và các nỗ lực cố gắng, việc tinh giản biên chế sẽ đạt kết quả. Và cũng mong muốn mọi người tiếp tục ủng hộ để tạo thêm sức mạnh, vượt qua các khó khăn, thách thức, thực hiện thành công tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức.
Theo: LĐ