Nếu phán quyết cuối cùng của Tòa án nhân dân huyện Bù Gia Mập không tiếp tục hạn chế quyền nuôi dưỡng của vợ chồng bà Mỳ đối với bé Hảo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Phước sẽ làm thủ tục chuyển cháu về với gia đình.
Khó xử lý hình sự vụ công chức hải quan Hải Phòng "cầm" áo phao máy bay VNA
- Cập nhật : 29/09/2014
Công an quận Tân Bình (TP HCM) đề nghị Cảng vụ Hàng không miền Nam và Vietnam Airlines cung cấp chứng cứ để có cơ sở pháp lý xử lý hình sự vụ việc gia đình ông Vũ Ngọc Quang, công chức Cục Hải quan Hải Phòng, cầm áo phao trên máy bay của Vietnam Airlines.
Tin từ Cảng vụ Hàng không miền Nam cho biết Công an quận Tân Bình TP HCM đang đề nghị Cảng vụ Hàng không miền Nam và Hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA) cung cấp chứng cứ để có cơ sở pháp lý xử lý hình sự vụ việc gia đình ông Vũ Ngọc Quang, công chức Cục Hải quan Hải Phòng, bị cáo buộc có hành vi cầm áo phao trên máy bay của VNA.
Như Báo Người Lao Động đã thông tin, khoảng 12 giờ 30 ngày 5-8 vừa qua, một nhóm khách có chung mã đặt chỗ là OIDZNI đi trên chuyến bay VN1183 từ Hải Phòng đến TP HCM bỏ quên chiếc túi xách màu đen trên xe đẩy hành lý ở khu vực đón taxi. Lúc 13 giờ cùng ngày, không có người đến nhận nên nhân viên an ninh lập kiểm tra hàng hóa đựng trong túi xách và lập biên bản đối với hàng hóa vô chủ với tài sản bên trong gồm có 1 máy tính xách tay VAIO màu bạc (có cả sạc pin); 1 túi giấy bên trong có 4 khay nhựa dùng để phục vụ suất ăn trên máy bay; 2 áo phao cứu sinh; 1 hộp thuốc Esse Light (đã qua sử dụng).
Chiều cùng ngày, 2 hành khách Vũ Ngọc Quang và vợ là Phạm Thị Thu Phương đã đến sân bay liên hệ để khai báo mất và nhận lại túi xách. Trong bản tường do chính tay mình viết, ông Quang cũng ghi rõ: “Tôi có để quên 1 chiếc máy tính xách tay đựng trong túi màu đen đã cũ, máy tính màu trắng. Trong túi còn có thêm 3 chiếc đĩa nhựa ăn trên máy bay, 2 áo phao bơi hàng không”.
Thế nhưng, khi nghe nhân viên cảng vụ nói đây là hành vi ăn cắp trang thiết bị trên máy bay, bị phạt tiền thì bà Phương không thừa nhận hành vi ăn cắp áo phao, đổ thừa là nhân viên an ninh cho vào túi của mình.
Về phía VNA đã cho kiểm tra máy bay vừa thực hiện chuyến VN1183 (máy bay có số đăng ký VNA-327) thì phát hiện bị mất 3 áo phao ở vị trí số ghế 31 A/B/C, đúng vị trí ghế ngồi của nhóm khách có chung mã đặt chỗ OIDZNI. Các áo phao trong túi của con gái ông Quang này có số hiệu VAECO 004 CAB VN-268, trùng khớp với áo phao được trang bị trên máy bay VNA-327. Khi làm việc tại Công an Phường 2 (quận Tân Bìn), ông Quang thừa nhận có áo phao của VNA trong hành lý của gia đình nhưng cho rằng con gái 10 tuổi “chưa biết gì” cho vào.
Tiếp nhận vụ việc, Công an phường 2 đã có biên bản xử phạt vi phạm hành chính 3 triệu đồng đối với thành viên gia đình ông Quang và chuyển hồ sơ lên Công an quận Tân Bình.
Theo yêu cầu của công an quận Tân Bình, VNA phải cung cấp thông tin cụ thể về lô hàng áo phao trang bị trên chuyến bay VN1183, giá nhập khẩu. Đồng thời phải chứng minh 2 chiếc áo phao trong túi xách của ông Quang chính xác là được trang bị cho đúng số ghế gia đình ông Quang ngồi. Nếu là áo phao bị mất ở ghế khác sẽ không đủ cơ sở truy tố. Công an quận Tân Bình cũng yêu cầu VNA chứng minh thiệt hại vật chất khi phải dừng khai thác để kiểm tra áo phao trên máy bay và bổ sung những chiếc còn thiếu. Thợ kỹ thuật và tiếp viên, là những người trực tiếp xử lý vụ việc trên máy bay, cũng được công an quận Tân Bình yêu cầu có mặt để cung cấp thông tin về vụ việc.
Đại diện VNA tại sân bay Tân Sơn Nhất cho biết khó có thể cung cấp những thông tin như yêu cầu của Công an quận Tân Bình. Vì các lô hàng áo phao do hãng mua được trang bị cho nhiều máy bay, không đánh số theo số ghế. Hơn nữa, tiếp viên và thợ kỹ thuật đều có lịch làm việc rất nghiêm ngặt nên với các trường hợp tương tự, VNA đều cử đại diện của Trung tâm kiểm soát Tân Sơn Nhất đến làm việc để các bộ phận nghiệp vụ khác duy trì công tác theo đúng dây chuyền hàng không. “Cơ chế phối hợp như vậy làm khó cho hãng hàng không và không có tính răn đe đối với những hành khách ý thức kém” - đại diện VNA nói.
Áo phao là trang thiết bị khẩn nguy trên máy bay, để sử dụng trong tình huống máy bay gặp tình huống phải hạ cánh trên biển. Số áo phao trang bị trên máy bay tương ứng với số ghế và số hành khách. Nếu trước giờ khỏi hành mà thiếu áo phao, không kịp bổ sung, hãng hàng không buộc phải cắt khách để đảm bảo mỗi hành khách đều có 1 áo phao (đặt ở dưới ghế ngồi) sử dụng trong trưởng hợp khẩn cấp.
Theo phản ánh của các hãng hàng không, mỗi năm có hàng chục vụ việc mất cắp áo phao, “nhẹ nhàng” hơn là khách nghe tiếp viên hướng dẫn về cách sử dụng áo pháp thì tò mò lấy ra xem, thổi phồng lên. Có giai đoạn mất quá nhiều áo phao, tiếp viên được nhắc nhở khi máy bay hạ cánh phải kiểm tra ngay áo phao dưới ghế, nếu thấy “không cánh mà bay” thì phải báo cho bộ phận mặt đất tìm khách ở dưới nhà ga để đòi lại.
T.Hà - Theo: NLĐ