Chữa trị các tổn thương trên cơ thể trẻ do bị bạo hành có thể mất vài tuần hay vài tháng. Tuy nhiên, làm lành vết thương trong tâm lý để trẻ có thể phát triển bình thường là cả quá trình lâu dài và cần chỗ dựa vững chắc về tình yêu thương.
Trẻ bị bạo hành sẽ để lại chấn thương tâm lý nặng nề sau này. Trong ảnh là cháu Nguyễn Văn T. (14 tuổi, bị câm bẩm sinh và thiểu năng trí tuệ, ngụ xã Nghi Phú, TP.Vinh, Nghệ An) bị hành hạ dã man - Ảnh: Khánh Hoan
Sao chép hành vi bạo hành
Theo các bác sĩ, chuyên gia tâm lý, những tổn thương tâm lý sau khi trẻ bị bạo hành sẽ biến đổi, ảnh hưởng đến tính cách, ứng xử của trẻ về lâu dài.
“Có thể khi bị bạo hành trẻ còn nhỏ, một thời gian dài sau bạo hành, lớn lên trẻ sẽ quên sự việc. Nhưng đó là biểu hiện bên ngoài mình có thể thấy, còn thực chất bên trong, dấu ấn về việc bạo hành vẫn nằm sâu trong tiềm thức của trẻ. Khi trưởng thành, gặp phải tình huống tương tự trong cuộc sống, ký ức sẽ sống lại thành nỗi sợ hay bộc lộ phản ứng”, thạc sĩ, bác sĩ Phạm Minh Triết, Trưởng khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) nói.
Đặc biệt, việc bị bạo hành trong thời gian dài để lại trong sự phát triển tính cách, hành vi của trẻ là các em sẽ sao chép lại chính hành vi bạo hành đó.
Chuyên viên tâm lý Trương Quốc Cường, Khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), cho biết: Trẻ bị bạo hành về sau thường có xu hướng bạo lực, dùng bạo lực để giải quyết vấn đề. Thường những người bạo hành người khác thì trước kia cũng đã từng bị bạo hành do chính người trong gia đình mình hoặc người khác. Trẻ từ nhỏ đã bị ba mẹ, người khác đánh đập thì sẽ sao chép lại hành động bạo hành đó, sẽ đánh bạn và các anh chị em khác.
Giải thích việc này, theo bác sĩ Triết là do khi từ nhỏ đã sống, chịu đựng trong môi trường bị đối xử bằng vũ lực nên trẻ không được ai dạy để học cách ứng xử khác khi giải quyết vấn đề, xung đột. Vì thế, các em cũng chỉ biết giải quyết vấn đề, thể hiện cảm xúc, phản ứng lại sự việc bằng “động thủ”.
Trẻ bị bạo hành trong thời gian dài, về sau thường có xu hướng bạo lực, dùng bạo lực để giải quyết vấn đề - Ảnh: Shutterstock
Các bác sĩ, chuyên viên Khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng 2, đã gặp trường hợp một cậu bé 13 tuổi không ngần ngại đánh lại ba của mình khi bị la rầy. Nguyên nhân sâu xa của hành vi này là do từ nhỏ em đã được ba mẹ dạy dỗ theo kiểu “roi vọt”.
Theo chuyên viên Cường thì trường hợp Hào Anh thời gian qua cũng có thể là một ví dụ.
Khi 14 tuổi, cậu bé đã sống trong cảnh bị bạo hành tàn nhẫn. Hào Anh trải qua tuổi thơ đầy đau đớn về thể xác lẫn tinh thần khi bị hành hạ dã man từ bỏ đói thường xuyên, bẻ răng, kẹp đứt môi, dí sắt nung đỏ vào người, dùng đũa than nóng chích vào người... Đến khi được giải thoát khỏi “địa ngục trần gian” thì em chỉ được điều trị các chấn thương thể chất, được hỗ trợ rất nhiều về tiền bạc, vật chất, mà lại không được quan tâm điều trị về mặt tâm thần.
Vì vậy, về khía cạnh tâm lý, phát triển tính cách thì không có gì lạ khi Hào Anh vừa qua dùng bạo lực để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống. Có xu hướng bạo hành, hay đập phá đồ đạc, đánh, đuổi mẹ ra khỏi nhà.
Bên cạnh đó, em cũng đang ở tuổi dậy thì với những “trở chứng” đặc trưng mà bao bạn trẻ trong giai đoạn này cũng gặp phải, thể hiện nếu không được uốn nắn, quan tâm định hướng phát triển đúng.
Hàn gắn vết thương tâm hồn
Trẻ bị bạo hành chắc chắn cần được hỗ trợ điều trị tâm lý để giúp bé vượt qua vết thương lòng, nỗi sợ hãi, để có những suy nghĩ tích cực trong cuộc sống. Đó là khuyến cáo của mọi bác sĩ, chuyên gia tâm lý.
Tùy mức độ bạo hành, tính cách và nhận thức của trẻ mà việc điều trị với bác sĩ có thể vài tháng hay vài tuần. Tuy nhiên, nâng đỡ tâm lý, đời sống cho trẻ, yêu thương trẻ là cả quãng thời gian lâu dài, liên tục trong gia đình.
Theo bác sĩ Triết, đầu tiên, trẻ cần được thay đổi môi trường, cách ly khỏi môi trường bạo lực, bị bạo hành mà cần được yêu thương, chăm sóc.
Sau đó, “Trẻ cần được lắng nghe để nói ra những tâm sự của mình. Ba mẹ trước khi phản ứng lại việc làm, thái độ của con cần tìm hiểu, hỏi con tại sao lại làm, thể hiện như thế, đang nóng giận hay sợ sệt điều gì, để trẻ bộc lộ suy nghĩ của mình. Từ đó, uốn nắn trẻ, giúp trẻ bộc lộ cảm xúc theo hướng tích cực chứ không phải bằng cách la hét, đập phá”, bác sĩ Triết nói.
Có chỗ dựa quan tâm, yêu thương vững chắc là "đơn thuốc" quan trọng nhất chữa chấn thương tâm lý do bạo hành, giúp trẻ phát triển tốt - Ảnh: Shutterstock
Với trường hợp của bé Kim Ngân bị đánh dã man như phản ánh của báo chí những ngày qua, chuyên viên Cường đánh giá: “Bên cạnh việc điều trị vết thương thể chất trước mắt thì bé cần được bác sĩ, chuyên viên tâm lý điều trị sâu về tâm lý. Tiếp theo, quan trọng nhất về lâu dài để bé phát triển tốt là cần có chỗ dựa yêu thương, chăm sóc thật vững chắc về tâm hồn, chứ không chỉ là những hỗ trợ vật chất”.
Để tránh việc bạo hành trẻ em, “Trong bất kỳ trường hợp nào, bố mẹ cần kiểm soát cảm xúc của mình. Quan điểm hiện giờ nhiều người vẫn nghĩ chuyện đánh con là chuyện trong nhà và không ít người coi đánh đập con cái là biện pháp dạy dỗ. Tuy nhiên, phụ huynh cần cân nhắc khi đưa ra quyết định của mình xem có nên đánh con không và hậu quả để lại sẽ như thế nào”, chuyên viên Cường khuyến cáo.
Bên cạnh đó, theo các bác sĩ, chuyên gia tâm lý, cơ quan chức năng quản lý chăm sóc bảo vệ trẻ em và pháp luật, cần có sự phân định rõ “thế nào là bạo hành? ở mức độ nào thì gọi là bạo hành đối với trẻ? Để có chế tài xử lý, cơ sở bảo vệ trẻ".
“Khi bị bạo hành là trẻ đã bị lấy đi niềm tin vào sự yêu thương. Vì vậy, quan trọng nhất đối với việc điều trị cho trẻ là tình yêu thương. Chỉ có tình yêu thương mới bù đắp lại cho trẻ, giúp trẻ vượt qua những tổn thương của mình”, chuyên viên Cường nói