Sau khi án sơ thẩm tuyên, ủy ban ra quyết định bổ sung quyết định đang bị kiện. Lúc này tòa phúc thẩm thụ lý, giải quyết luôn đơn khởi kiện bổ sung được không?
Đừng tái diễn việc công an đánh người!
- Cập nhật : 19/09/2014
Người dân muốn được bảo vệ chứ không muốn lực lượng công an đánh đập.
Thời gian qua, việc người dân tố bị công an đánh đập bầm mình bầm mẩy sau khi bị triệu tập về trụ sở công an ngày càng nhiều. Mới đây nhất là vụ gia đình anh Bùi Công Lợi tố cáo cán bộ Công an phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân, TP.HCM đánh người (“Dân tố bị công an đánh bầm người”, ngày 6-9). Xung quanh những vụ này, bạn đọc rất bức xúc đề nghị phải làm rõ, nếu đúng thì phải xử lý nghiêm, đồng thời đừng để chuyện này xảy ra nữa.
Không thể chấp nhận
“Tôi đọc bài báo, nhìn những hình ảnh báo đăng vụ anh Lợi ở Bình Trị Đông A mà thấy đau lòng quá... Tôi đề nghị phải làm rõ, nếu đúng có việc công an đánh người thì cần xử lý nghiêm. Không thể chấp nhận chuyện công an cứ hở ra là đánh người!
Lâu nay có không ít việc người dân tố bị công an đánh được xác định là đúng. Đừng biến cái bất thường thành bình thường. Người dân cứ nghe đến việc công an đánh người là rất bức xúc. Cứ xảy ra mãi như thế thì hình ảnh người công an sẽ ngày càng xấu trong mắt người dân” - luật sư Mai Thanh Tâm (TP.HCM) chia sẻ.
Bạn đọc Trần Cao Thắng nói thêm: Người dân muốn được sống trong một xã hội an toàn và được lực lượng công an bảo vệ, chứ không phải trong xã hội mà lực lượng công an xử sự một cách quá đáng, vi phạm pháp luật.
Bạn đọc Huỳnh Nam đề nghị nếu có việc công an đánh người thì phải xem đây là những hành động bạo lực, lạm quyền. Sai phạm này phải có trách nhiệm của lãnh đạo trực tiếp đã buông lỏng quản lý, không thường xuyên giáo dục, kiểm tra sinh hoạt của các thành viên trong đơn vị mình phụ trách.
Cần có người làm chứng
Liên quan đến việc làm sao hạn chế việc công an đánh người, bạn đọc đã đề xuất nhiều biện pháp.
Một số bạn đọc cho rằng phải giám sát bằng camera. “Nếu gắn camera giám sát trong phòng làm việc thì khó ai có thể chối cãi được. Người bị đánh sẽ có bằng chứng rằng mình là nạn nhân. Cơ quan chức năng có bằng chứng để xử lý đơn thư tố cáo, tố giác. Ngược lại, nếu công an bị tố oan thì cũng lấy đó làm bằng chứng để bảo vệ mình” - các bạn đọc nêu quan điểm.
“Theo tôi thì cần có thêm người giám sát chứ không chỉ gắn camera. Khi công an mời ai về làm việc thì cần có ngay bên thứ ba đến để làm chứng. Công an cứ làm minh bạch như vậy thì chẳng sợ điều tiếng gì cả, đồng thời người dân cũng được nhờ, sẽ tin tưởng cách làm việc công tâm của công an” - bạn đọc LVM nói thêm.
Bạn đọc Nguyễn Nam bày tỏ: “Cứ nói là nóng giận, không kiềm chế được rồi đánh người như thế thì ai lên làm công an mà chẳng được. Đảng và Nhà nước luôn vận động dân tìm hiểu, sống theo pháp luật thì các cán bộ gương mẫu để dân noi theo. Hãy bồi dưỡng thêm kiến thức pháp luật, đạo đức nghề nghiệp, tận tụy vì dân”.
Bạn đọc Bác bảy về hưu gợi ý: “Nên có một biên bản ghi về tình trạng sức khỏe, thương tích… của người bị đưa về trụ sở làm việc trước khi làm việc. Sau đó nếu giữ lại hay thả ra thì đối chiếu biên bản trước đó. Nếu đúng như ban đầu thì thôi, còn nếu có các thương tích mới thì biết ai đánh ai liền thôi...”.
TG tổng hợp - Theo: PLO
Một số vụ người dân tố bị công an đánh
- Ông Nguyễn Bình ở xã Hòa Bình, huyện Xuyên Mộc (Bà Rịa-Vũng Tàu) vừa có đơn tố cáo Công an xã Hòa Bình đánh đập con ông đến dập lá lách phải nhập viện. Người dân chứng kiến việc bắt giữ khẳng định công an xã đánh người.
- Tháng 7-2014, anh em anh Hà Thế Nga tố bị sáu công an viên của Công an huyện Trảng Bom (Đồng Nai) ập đến còng tay, ép lên xe đưa về trụ sở lấy lời khai, đánh đập.
- Ngày 11-2, anh Nguyễn Hồng Khởi bị Công an phường Linh Xuân, quận Thủ Đức (TP.HCM) mời lên làm việc. Đến tối anh được công an đưa đến bệnh viện cấp cứu và anh cho rằng bị hai công an phường đánh đến mê man.