Vụ kiện kéo dài, mới đây các con của bị đơn (đã mất) đập phá nhà xưởng bị tòa kê biên từ 18 năm trước để xây mới. Theo quy định, cơ quan nào có trách nhiệm ngăn chặn?
Ông Bạch Xy Quynh (ngụ quận Tân Bình, TP.HCM) có tổng cộng 15 anh em ruột. Năm 1982, mẹ ông Quynh mất, ba năm sau người cha qua đời, để lại di sản là nhà xưởng phường 9, quận Tân Bình.
Đập phá, xây mới nhà xưởng
Lúc này, chỉ có ông Quynh cùng ông Bạch Cẩm Vân (anh thứ ba) và ông Bạch Thiệu Vân (em út) sinh sống ở Việt Nam, các anh em khác đều ở Mỹ, Úc. Khi ông Cẩm Vân đi kê khai di sản thì ông Quynh và ông Thiệu Vân còn nhỏ nên không biết việc ông Cẩm Vân đã tìm cách hợp thức hóa hồ sơ, biến nhà xưởng cha mẹ để lại thành tài sản riêng của mình. Các anh em ở nước ngoài cũng không được ông Cẩm Vân thông báo về việc kê khai di sản này.
Năm 1996, ông Quynh được 12 người anh em còn lại ủy quyền đại diện khởi kiện ông Cẩm Vân ra tòa yêu cầu chia di sản thừa kế. TAND TP.HCM đã thụ lý và ra quyết định kê biên nhà xưởng tranh chấp theo yêu cầu của ông Quynh. Theo đó, tòa cấm các bên thay đổi hiện trạng, sang nhượng, thế chấp và tạm giao tài sản kê biên cho cả ba người là ông Quynh, ông Cẩm Vân, ông Thiệu Vân quản lý.
Tháng 6-1997, tòa đưa vụ án ra xử nhưng hoãn ngay từ phần làm thủ tục. Sau đó tòa tạm đình chỉ vụ án với lý do chờ hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (trường hợp thừa kế được xác lập trước ngày 1-7-1991). Vụ án sau đó được tòa thụ lý lại nhưng tòa tiếp tục tạm đình chỉ để chờ hướng dẫn về việc ủy thác tư pháp. Sau khi có Thông tư liên tịch số 15/2011 của Bộ Tư pháp - Bộ Ngoại giao - TAND Tối cao (hướng dẫn áp dụng một số quy định về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự của Luật Tương trợ tư pháp) thì tòa mới thụ lý lại.
Theo ông Quynh, dù tòa tạm giao cho ba người quản lý tài sản nhưng thực tế chỉ mình ông Cẩm Vân độc chiếm nhà xưởng để kinh doanh. Mới đây, các con của ông Cẩm Vân (ông này đã qua đời) đã thay đổi toàn bộ hiện trạng bằng cách đập phá hết nhà xưởng cũ để xây mới hoàn toàn.
Nhà xưởng đã bị tòa kê biên nhưng phía bị đơn đập đi và đang xây mới. Ảnh: T.TÙNG
Thi hành án có trách nhiệm ngăn chặn
Ông Quynh cho biết đã làm đơn gửi kèm hình ảnh nhà xưởng cho thẩm phán yêu cầu có biện pháp ngăn chặn, giữ nguyên hiện trạng nhưng không nhận được trả lời. Lên UBND phường và quận phản ánh thì ông được hướng dẫn là cứ liên hệ với tòa.
Trao đổi với PV, Thẩm phán Dương Tuấn Vinh (TAND TP.HCM, người được giao giải quyết vụ án) cho biết đây là một dạng vi phạm mới mà tòa đang tìm cách tháo gỡ giúp nguyên đơn. Thông thường nếu đương sự chuyển nhượng tài sản kê biên thì cơ quan chức năng có thể dễ dàng ngăn chặn vì thông tin về tình trạng pháp lý của tài sản đã được lưu trong hệ thống thông tin chung của các cơ quan hành chính, tư pháp. Còn ở đây chỉ là việc sửa chữa, nâng cấp, xây mới tài sản, thực tế ít khi xảy ra.
Theo Thẩm phán Vinh, thẩm quyền ngăn chặn vi phạm thuộc Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) quận Tân Bình. Bởi lẽ từ năm 1996, tòa đã ra quyết định kê biên và đã gửi cho cơ quan THADS. Quyết định kê biên này đến nay vẫn đang có hiệu lực thi hành do vụ án chưa được giải quyết xong. Theo luật, việc thi hành quyết định có hiệu lực của tòa thuộc trách nhiệm của cơ quan THADS. Tòa không có thẩm quyền yêu cầu bị đơn dừng hành vi vi phạm. Tòa không thể tự ra văn bản đôn đốc các cơ quan có trách nhiệm thi hành quyết định của tòa vì thủ tục này không được BLTTDS quy định. Tòa cũng không thể hủy bỏ quyết định kê biên cũ để ban hành quyết định kê biên mới khi nó không vi phạm pháp luật và nguyên đơn không có yêu cầu. Do đó, ông Quynh phải liên hệ với cơ quan THADS yêu cầu bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Nếu trong quá trình giải quyết, cơ quan THA cần tòa giải thích hay bổ sung gì thêm về quyết định kê biên thì tòa sẽ phối hợp.
Được biết sáng 30-9, ông Quynh đã đến Chi cục THADS quận Tân Bình nộp đơn yêu cầu ngăn chặn hành vi xây dựng trái phép làm thay đổi hiện trạng tài sản kê biên của phía bị đơn. Phía chi cục cho biết sẽ kiểm tra, chủ động liên lạc để báo lại cho ông Quynh biết là có thụ lý hay không.
THANH TÙNG
Vi phạm đã rõ
Cơ quan THADS thực hiện quyết định có hiệu lực của tòa, tức phải giữ nguyên trạng tài sản đã bị kê biên để đảm bảo cho việc xét xử. Cơ quan này sẽ có trách nhiệm yêu cầu UBND phường và thanh tra xây dựng quận lập biên bản xử phạt hành chính và chỉ đạo dừng xây dựng. Nếu người vi phạm vẫn cố tình vi phạm thì tùy mức độ có thể xử lý theo các quy định khác của pháp luật, thậm chí có thể đề nghị cơ quan công an khởi tố về hành vi không chấp hành quyết định của tòa hay vi phạm việc kê biên tài sản.
TS NGUYỄN VĂN TIẾN, giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM