Bị mang tiếng là được che chở, bao nhiêu phụ nữ Việt được như thế? Thay vào đó là những hiện thực “gánh gạo đưa chồng”, “nuôi cả năm con với một chồng” trong cuộc mưu sinh và “còn cái lai quần cũng đánh” trong chiến trận.
Một số người (Eckhart Tolle) cho rằng, xã hội loài người được dẫn dắt bởi “ba vật thể giác ngộ” đó là Hoa, Pha lê và Loài chim. Trong khi Pha lê tượng trưng cho sự thanh khiết, của sự kết tinh những thứ quý giá; loài chim tượng trưng cho khát vọng và ý chí bay lên cao, thoát khỏi chính mình của nhân loại thì Hoa được xem như một tạo vật đầu tiên của tự nhiên có khả năng hấp dẫn và thu hút con người. Tuy không mấy liên quan đến sinh kế, hay sự sống còn của con người, nhưng những bông hoa luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho bao nhiêu tao nhân, mạc khách và nghệ sỹ.
Không hiểu trước khi có máy bay, điện thoại, hay internet, các cộng đồng trên thế giới đã trao đổi với nhau như thế nào, nhưng ở hầu hết các dân tộc, Nam giới luôn coi Phụ nữ là những bông hoa làm đẹp cho đời và họ (nam giới) có trách nhiệm vun trồng, nâng niu và bảo vệ đểnhững bông hoa này được bền lâu, tỏa hương và khoe sắc.
Chúng ta hãy tưởng tưởng xem thế giới này sẽ như thế nào nếu một ngày kia tất cả các bông hoa lụi tàn? Không xét về các mất mát về sinh học tự nhiên mà chỉ xét trong lĩnh vực xã hội, sự mất mát này có thể khiến cho nhiều nền văn hóa bị lụi tàn. Cũng tương tự như vậy, chắc sẽ không ai làm thơ hay sáng tác âm nhạc nữa nếu như không có phụ nữ lắng nghe và kể cả nam giới chúng ta có trường sinh, bất tử đi nữa thì cuộc sống này cũng chẳng có mấy ý nghĩa nếu thiếu đi dáng hình của những bông hoa biết nói.
Trên thực tế, việc tự cho mình có trách nhiệm vun trồng và bảo vệ những bông hoa xinh đẹp kia có một phần chủ quan của nam giới và về cơ bản, nó xuất phát từ quan điểm chiếm hữu của Đàn ông đối với Phụ nữ trong hàng ngàn năm qua. Tuy cũng là hoa, nhưng sở thích và sự yêu mến của con người đối với mỗi loài hoa là tương đối khác nhau và dường như sự đa dạng của các loài hoa có một mối liên hệ rất lớn đối với người Phụ nữ.
Mặc dù, đàn ông trên toàn thế giới về cơ bản đều yêu hoa, nhưng cách yêu của họ có sự khác nhau nất định. Những nước văn minh, người ta nâng niu, tôn trọng những bông hoa. Tôi cho rằng, ngoài yếu tố khí hậu ra thì sự tỏa sắc, dậy hương của một loài hoa phụ thuộc rất nhiều vào những người chăm sóc, vun trồng cứ như là các bông hoa muốn biểu lộ sự đồng cảm và tình cảm với những người chăm sóc họ vậy. Khi chúng ta đi thăm lễ hội hoa như Keukenhof ở Hà Lan, sẽ thật là khó khăn để có thể tìm thấy một vài cánh hoa vương vãi trên đường.
Đàn ông Việt dù cũng rất yêu hoa và thích thưởng lãm cái đẹp, nhưng cách yêu của chúng ta, theo tôi nhiều lúc chưa hợp lý cho lắm. Yêu hoa kiểu gì mà sau mỗi lễ hội hoa ngày Tết, những luống hoa bị tàn phá xơ xác? Nó khiến cho người khác nghi ngờ về sự tinh tế và năng lực thưởng hoa của Đàn ông Việt
Sự tham lam và đôi nhiều lúc có phần ích kỷ của đàn ông Việt đã khiến cho những bông hoa Việt ngày trước giảm đi sự rực rỡ, kém ngát hương hơn. Thay vào đó, chúng bền lâu bên cạnh sự khiêm nhường và hương thơm đọng lại êm đềm và dịu mát hơn.
Cùng với sự hội nhập, các giá trị văn hóa và công nghệ của thế giới văn minh đã có ảnh hưởng to lớn đến xã hội Việt Nam. Sự tiện lợi trong giao thương, truyền thông đã làm thức dậy những đòi hỏi chính đáng của những bông hoa Việt. Họ đòi hỏi các quyền được tự do khoe sắc, tỏa hương ngoài xã hội. Họ đòi hỏi được tự do phát triển, và được tạo môi trường tự do để phát triển thay vì được chăm bón như ngày trước. Dần dần họ đã chứng minh cho chúng ta thấy rằng, họ quả thực là rất đẹp, rất rực rỡ sắc hương, khiến cho Đàn ông chúng ta nhận ra một chân lý là bao nhiêu năm nay chúng ta đã nhận được ân điển của thượng đế mà không hề biết.
Để chứng tỏ mình xứng đáng với cái đẹp rất đa dạng của Phụ nữ Việt, trong vài thập niên qua Đàn ông Việt đã cố gắng và nỗ lực hơn nhiều – nhưng có vẻ là chưa đủ. Trong khi sắc đẹp của những bông hoa Việt được xếp hạng trên bản đồ sắc đẹp thế giới và ngày càng được khẳng định thì có vẻ như càng cố gắng bao nhiêu Đàn ông chúng ta lại càng chứng minh cho một thực tế có phần hơi phũ phàng, đó là chúng ta quá may mắn khi nhận được tình yêu và sát cánh của những người Phụ nữ Việt Nam tuyệt vời.
Nếu chúng ta chịu khó để ý và làm một vài phép thông kê, rất dễ để có thể nhận ra sự vượt trội (tương đối) của Phụ nữ Việt (so với Phụ nữ các nước khác) về thành tích trong mọi lĩnh vực so với những thứ mà Nam giới đã làm được cho đến tận ngày nay. Ngoài xã hội như vậy, nhưng khi về nhà, nhưng bông hoa của chúng ta luôn hết lòng và tận tụy với những thứ được gọi là “bổn phận”, giúp gia đình trong ấm, ngoài êm. Họ biết cách động viên, khích lệ để khiến cho nhiều ông chồng cảm thấy tự tin hơn, có cảm giác được tôn trọng và thấy mình vẫn là trụ cột trong gia đình – Đây là điều không dễ gì làm được đối với Phụ nữ Phương Tây.
Bị mang tiếng là được che chở, được chăm sóc, nhưng thử hỏi có bao nhiêu Phụ nữ thuộc nhiều thế hệ người Việt có được những thứ đó? Thay vào đó là những hình ảnh đầy hiện thực như “gánh gạo đưa chồng” hay “nuôi cả năm con với một chồng” trong cuộc mưu sinh và “còn cái lai quần cũng đánh” trong chiến trận.
Chúng ta ít người nhận ra một thức tế rằng, nhờ sự động viên và chia sẻ của những người Phụ nữ Việt mà tâm hồn chúng ta được nâng đỡ hơn, hành động của chúng ta hợp lý hơn và phép hành xử của chúng ta được tinh tế hơn.
Có thể có một số bạn trẻ (nữ giới) cảm thấy thật nực cười khi trong ngày 20/10, có nhiều người Phụ nữ rất vui vẻ vào bếp chuẩn bị đồ ăn để các ông chồng và hàng xóm chén tạc chén thù để bàn về Quyền Phụ nữ, nhưng đây là một thực tế đang diễn ra rất sống động trong xã hội của chúng ta, ngay Thủ đô Hà Nội này. Tôi đã chứng kiến ngày hôm qua những người Phụ nữ lớn tuổi nơi tôi đang sống, rưng rưng nước mắt vì lần đầu tiên trong đời được tặng hoa và tổ chức gặp mặt nhân ngày 20/10 bởi một CLB nơi họ sống chứ không phải bởi cơ quan nơi họ làm việc.
Sự kiện đó quan trọng hơn rất nhiều so với việc họ phải vào bếp để nấu phục vụ buổi liên hoan với lý do đưa ra nghe rất hay nhưng trái ngược với quan điểm về giới, đó là “sợ các ông nấu ăn không ngon, làm hỏng cả buổi tiệc”.
Thật may mắn cho Đàn ông Việt chúng ta là những giá trị tốt đẹp của Phụ nữ Việt luôn được gìn giữ và phát huy một cách hài hòa. Chính vì vậy đến hôm nay, chúng ta vẫn còn là sự lựa chọn của phần đông những bông hoa đang ngày càng tươi sắc và tự tin kia. Tuy nhiên, cái gì cũng có giới hạn của nó, vì vậy nếu chúng ta không tự sửa mình, không thay đổi theo hướng tích cực hơn, văn minh hơn thì tương lại của chúng ta không biết sẽ đi về đâu!
Chúng ta có thể cần có một chương trình tầm cỡ để giúp đỡ Đàn ông Việt trước các nguy cơ tụt hậu và thua ngay trên sân nhà. Trước khi có nó, chúng ta hãy tự cứu mình bằng cách sống tốt hơn và có trách nhiệm hơn.
Với tôi, một người yêu hoa Hồng, tôi vẫn thích được đưa lên mũi và hít lấy hít để không biết chán mùi hương của một bông hồng bé mà chúng ta hay gọi là Tầm Xuân ấy!