"Đoàn Đại biểu Quốc hội không hề có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn trong việc chỉ đạo công tác thi hành án, đặc biệt là việc yêu cầu hoãn thi hành án. Nếu có việc Đoàn đại biểu Quốc hội gửi công văn đề nghị cơ quan thi hành án hoãn thi hành án thì đây là một việc làm không đúng thẩm quyền", luật sư Trương Quốc Hòe phân tích.
Đã ly hôn có phải liên đới trả nợ không?
- Cập nhật : 10/11/2014
Chúng tôi ly hôn, thoả thuận tôi để lại căn hộ chung cư cho vợ. Nay đến hạn trả 500 triệu đồng chúng tôi vay từ trước để mua căn hộ đó, cô ấy không thanh toán nên chủ nợ yêu cầu tôi phải có trách nhiệm.
Vợ chồng tôi vay 500 triệu đồng của một người bạn để mua căn hộ chung cư. Sau đó, chúng tôi ly hôn, thoả thuận rằng tôi để lại toàn bộ căn hộ đó cho vợ. Hiện nay hạn trả nợ, cô ấy không trả nên người cho vay yêu cầu tôi phải có trách nhiệm với số tiền này.
Cho hỏi, theo luật tôi có phải chịu trách nhiệm liên đới trả nợ cùng vợ cũ của tôi nữa không?
Hồ Minh Dũng
Trả lời:
Điều 27 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định, tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất kinh doanh và những thu nhập hợp pháp khác của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân. Như vậy, căn hộ chung cư là tài sản chung của hai bạn được hình thành trong thời kỳ hôn nhân. Việc vợ chồng bạn cùng thoả thuận xác lập hợp đồng vay tiền để mua căn hộ chung cư thì về nguyên tắc pháp lý, bạn phải có nghĩa vụ “liên đới” cùng vợ để trả nợ.
Điều 298 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định về việc thực hiện nghĩa vụ dân sự liên đới như sau:
“1. Nghĩa vụ dân sự liên đới là nghĩa vụ do nhiều người cùng phải thực hiện và bên có quyền có thể yêu cầu bất cứ ai trong số những người có nghĩa vụ phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ.
2. Trong trường hợp một người đã thực hiện toàn bộ nghĩa vụ thì có quyền yêu cầu những người có nghĩa vụ liên đới khác phải thực hiện phần nghĩa vụ liên đới của họ đối với mình.
3…
4. Trong trường hợp bên có quyền chỉ miễn việc thực hiện nghĩa vụ cho một trong số những người có nghĩa vụ liên đới không phải thực hiện phần nghĩa vụ của mình thì những người còn lại vẫn phải liên đới thực hiện phần nghĩa vụ của họ”.
Như vậy, do hợp đồng vay được xác lập trong thời kỳ hôn nhân nhằm đáp ứng nhu cầu chung của gia đình (để mua nhà) và đã có sự xác nhận của vợ chồng bạn. Vì vậy, dù vợ chồng bạn đã ly hôn nhưng về nguyên tắc, người cho vay vẫn có quyền yêu cầu bạn liên đới trả nợ toàn bộ (hoặc một phần) số tiền mà vợ chồng bạn đã vay.
Tuy nhiên, ở đây bạn đã “để lại toàn bộ căn hộ đó cho vợ”, tức là vợ bạn có toàn quyền sở hữu căn hộ này. Theo pháp luật Việt Nam, quyền thường đi đôi với nghĩa vụ, vợ cũ của bạn được toàn quyền sở hữu căn hộ thì có thể đồng nghĩa với việc phải có trách nhiệm trả nợ khoản tiền vay để mua căn hộ đó.
Mặt khác theo điều 315, bên có nghĩa vụ có thể chuyển giao nghĩa vụ dân sự cho người thế nghĩa vụ nếu được bên có quyền đồng ý. Trong trường hợp này, bạn cần trao đổi với người cho vay về việc bạn đã ly hôn và đã chuyển giao toàn bộ căn hộ cho vợ để người cho vay đồng ý chuyển giao nghĩa vụ dân sự sang cho vợ bạn, bởi “căn hộ chung cư” và “khoản tiền vay” có quan hệ mật thiết với nhau. Khi đó, bạn sẽ không phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ khoản vay trên khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Hai bạn đã có thỏa thuận về việc chuyển giao nghĩa vụ dân sự trong đó nêu rõ bạn đã chuyển giao nghĩa vụ trả nợ khoản vay nói trên cho vợ bạn và được người cho vay đồng ý;
- Có bản án hoặc quyết định của tòa án trong đó nêu rõ vợ bạn có nghĩa vụ phải trả nợ toàn bộ khoản vay nói trên.
Thạc sỹ, Luật sư Phạm Thanh Bình
Công ty Luật TNHH Bảo Ngọc, Hà Nội