Theo tòa, việc người em ghi trong biên bản dòng chữ với ý cho rằng người chị “tinh thần không ổn định” là không phù hợp với cách ứng xử giữa chị em với nhau.
Tuy nhiên, dòng chữ này chưa đến mức xúc phạm để buộc người em xin lỗi, bồi thường…
TAND TP.HCM vừa bác kháng cáo của bà PDL, nguyên đơn trong vụ kiện người em gái, đòi bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm bị xâm phạm.
Mâu thuẫn từ tranh chấp nhà
Trong đơn khởi kiện nộp tại TAND quận 6 hồi tháng 9-2012, bà L. trình bày: Từ nhiều năm nay giữa anh chị em của bà phát sinh mâu thuẫn do tranh chấp căn nhà ở đường Hậu Giang (phường 11) do cha mẹ để lại. Bà H. (em gái bà L.) có sửa chữa trong nhà, bà L. ngăn cản không cho. Sự việc đã được UBND phường và Công an phường 11 lập biên bản nhưng bà H. vẫn sửa nhà không phép.
Bà L. khiếu nại đến UBND phường 11. Trong biên bản hòa giải ngày 8-4-2010 tại UBND phường, bà H. có viết câu “đề nghị công an và UBND xét lại hành vi của bà L. do tinh thần không ổn định”. Theo bà L., dòng chữ này đã xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của bà nên bà yêu cầu bà H. phải bồi thường tổn thất tinh thần 10 tháng lương cơ bản và công khai xin lỗi tại tổ dân phố.
Làm việc với tòa, bà H. không đồng ý xin lỗi, bồi thường theo yêu cầu của bà L. và cho hay căn nhà do cha mẹ để lại nhưng bà L. cứ kiếm chuyện đuổi bà đi rồi thưa kiện. Khi làm việc tại UBND phường 11, do bực bội về thái độ của bà L., bà có ghi câu trên nhưng thực chất bà không có ý xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của bà L.
“Tinh thần không ổn định” khác “bệnh tâm thần”
Xử sơ thẩm hồi tháng 6-2014, TAND quận 6 nhận định từ “tinh thần” trong dòng chữ bà H. ghi vào biên bản hòa giải tại UBND phường chỉ là trạng thái tâm lý, tình cảm, hoạt động nội tâm của con người do tác động của các yếu tố tình cảm, áp lực công việc, căng thẳng... “Tinh thần không ổn định” không phải là một căn bệnh tâm thần.
Mặt khác, UBND phường và công an phường không có thẩm quyền xem xét, kết luận bà L. có đủ năng lực hành vi dân sự hay không. Việc bà H. ghi như vậy chứng tỏ bà không hiểu rõ hết nội dung dòng chữ mình viết và chỉ do bức xúc mà ghi.
Từ các phân tích trên, TAND quận 6 nhận định việc ghi dòng chữ trên của bà H. chưa đến mức để xem là xúc phạm danh dự, nhân phẩm của bà L. Từ đó tòa bác toàn bộ yêu cầu của bà L.
Không chứng minh được thiệt hại
Sau đó, bà L. kháng cáo. Tại phiên phúc thẩm mới đây của TAND TP.HCM, bà vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện ban đầu.
Về phía bà H., dù được tòa sắp xếp ngồi cùng bàn với chị gái nhưng vẫn cố… nhích ra xa. Bà H. “tố” bà L. ném phân chó vào phòng vợ chồng bà, giữa đêm gõ cửa phòng vợ chồng bà đòi đi toilet... nhưng do không muốn chuyện bé xé ra to nên bà không thưa gửi gì. Bà H. khẳng định: “Tôi không xúc phạm nhưng thấy tính bả… kỳ cục quá”.
Chủ tọa thuyết phục bà H. xin lỗi bà L. trước tòa bởi “dù sao cũng là chị em, thương nhau không hết sao lại ứng xử như vậy”. Tuy nhiên, cố gắng hòa giải của tòa đã bị hai bên từ chối. Bà L. nói những chuyện kể của bà H. tại tòa là “dựng chuyện, vu khống”, làm cho bà thấy “đau khổ, tủi nhục”. Bà còn “tố” bị phía bà H. rượt đánh đuổi ra khỏi nhà từ năm 2009 chỉ với bộ đồ duy nhất. Và một lần nữa, bà L. tái khẳng định rằng câu viết của bà H. trong biên bản là “hỗn hào vô lý”...
Tòa phúc thẩm đồng tình với ý kiến của đại diện VKS là dòng chữ trong biên bản hòa giải tại UBND phường của bà H. không phù hợp với sự ứng xử giữa chị em với nhau. Nhưng đúng như tòa sơ thẩm đã nhận định, nó chưa đến mức để xem là xúc phạm danh dự, nhân phẩm của bà L.
Cạnh đó, theo Nghị quyết 03/2006 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, thiệt hại do tổn thất về tinh thần của cá nhân được hiểu là do sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm trong trường hợp bị mất uy tín, bị bạn bè hiểu nhầm xa lánh... hoặc do tính mạng của người thân bị xâm phạm mà phải chịu đau thương, buồn phiền, mất mát tình cảm... Tuy nhiên, trong vụ kiện này bà L. đã không đưa ra được chứng cứ nào chứng minh mình bị tổn thất về tinh thần.
Từ đó tòa đã bác kháng cáo của bà L. và giữ nguyên án sơ thẩm.
Quyền nhân thân: Không áp dụng thời hiệu khởi kiện
Trước đây vụ án này từng phát sinh một vấn đề pháp lý gây tranh cãi.
Cụ thể, một năm sau khi thụ lý, TAND quận 6 đã đình chỉ giải quyết vụ án. Theo TAND quận 6, UBND phường 11 đã tổ chức hòa giải vào ngày 8-4-2010 nhưng không thành. Tính đến ngày bà L. nộp đơn khởi kiện (21-9-2012) là đã hết thời hiệu khởi kiện một năm theo điểm b khoản 3 Điều 159 BLTTDS.
Bà L. kháng cáo. Tháng 11-2013, TAND TP.HCM đã hủy quyết định đình chỉ của TAND quận 6. Theo TAND TP, Điều 37 BLDS quy định danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. Trường hợp khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm thuộc trường hợp tranh chấp về quan hệ nhân thân. Theo khoản 2 Điều 160 BLDS thì yêu cầu bảo vệ quyền nhân thân bị xâm phạm là một trong những trường hợp không áp dụng thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự.