Theo tiến sĩ Phan Anh Tuấn, việc khởi tố thẩm phán Phạm Tuấn Chiêm là điều mới trong lịch sử tố tụng, là tư duy tiến bộ thể hiện tinh thần thượng tôn pháp luật, là một biện pháp hiệu quả chống oan, sai.
Với những vụ án mà bị cáo kêu oan, tòa cần nêu cao trách nhiệm hơn nữa để không làm oan họ. Trong ảnh: Ông Nguyễn Thanh Chấn trong vòng vây người thân sau 10 năm ngồi tù oan trở về. Ảnh: VIẾT THỊNH
Sáng 1/10, thông tin Cục Điều tra VKSND Tối cao đã tống đạt quyết định khởi tố bị can với ông Phạm Tuấn Chiêm (65 tuổi, nguyên thẩm phán TAND Tối cao, người từng ngồi ghế chủ tọa phiên tòa phúc thẩm xử oan ông Nguyễn Thanh Chấn) được đăng tải. Ông Chiêm bị khởi tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo thạc sĩ Đinh Văn Quế, đây là động thái rất mới về chủ trương xử lý với thẩm phán đã kết án oan người vô tội. Có lẽ đây là lần đầu tiên một thẩm phán bị khởi tố về hành vi thiếu trách nhiệm làm oan người vô tội. Cơ quan điều tra VKSND Tối cao sẽ làm rõ hành vi thiếu trách nhiệm của ông Chiêm khi làm chủ tọa phiên tòa xét xử phúc thẩm ông Chấn. Nhưng với kết luận ban đầu thì ông Chiêm đã không thực hiện đúng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự; đã sử dụng các chứng cứ được thu thập trái quy định để kết tội ông Chấn giết hại nạn nhân Nguyễn Thị Hoan trong phiên phúc thẩm.
Gia đình nạn nhân đã đề nghị xem xét tình tiết chị Hoan bị mất hai chiếc nhẫn trước khi bị sát hại nhưng thẩm phán Phạm Tuấn Chiêm đã không kiểm tra, đánh giá chứng cứ trong quá trình điều tra nên không phát hiện sai sót về tố tụng hình sự. Thẩm phán Chiêm đã sử dụng chứng cứ duy nhất là lời khai nhận tội của ông Chấn tại cơ quan điều tra và sử dụng biên bản xác định kích thước bàn chân ông Chấn nhận định là gần đúng với dấu vết bàn chân thu thập được tại hiện trường làm chứng cứ buộc tội ông Chấn. Bản án phúc thẩm nhận định trong quá trình điều tra đã nhận dạng được hung khí gây án cùng các tang, vật chứng, dấu vết để lại hiện trường phù hợp với hành vi phạm tội.
Việc làm của thẩm phán Phạm Tuấn Chiêm bị cho là đã vi phạm một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của thẩm phán, chủ tọa phiên tòa trong việc đánh giá chứng cứ, dẫn đến việc tuyên bản án oan cho ông Chấn.
Theo ông Quế, đây là tiếng chuông báo động cho thẩm phán tòa án các cấp khi được phân công chủ tọa phiên tòa một vụ án hình sự, nhất là những vụ án mà bị cáo kêu oan, cần phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, dũng cảm hơn và dám chịu trách nhiệm trước pháp luật về phán quyết của mình. Câu hỏi đặt ra: Vậy còn nhiều vụ thẩm phán chủ tọa phiên tòa kết án oan người vô tội, có vụ còn nghiêm trọng hơn vụ ông Chấn, có bị khởi tố như thẩm phán Chiêm hay không?
Đó là các vụ Bùi Minh Hải ở Đồng Nai, vụ chị Hiên ở Thái Bình, vụ ông Lương Ngọc Phi ở Thái Bình, vụ ông Cường thương binh ở Nam Định, vụ ông Trần Văn Chiến ở Tiền Giang… Những người này đã phải chấp hành bản án chung thân về tội giết người, có người mãi đến khi mãn hạn tù trở về thì hung thủ thực sự của vụ án mới lộ diện. Hoặc như vụ anh Nguyễn Minh Hùng (quê Tây Ninh) được rửa oan sau hai lần bị tuyên án tử hình vì cáo buộc vận chuyển trái phép 25 bánh heroin... và biết bao vụ khác nữa.
Tuy nhiên, có vấn đề pháp lý cần phải bàn là về trách nhiệm hành chính, trách nhiệm kỷ luật, có thể chỉ một mình chủ tọa phiên tòa phải chịu. Nhưng về pháp luật thì HĐXX (thẩm phán và hội thẩm nhân dân) phải chịu trách nhiệm ngang với thẩm phán chủ tọa phiên tòa, vì bản án là của HĐXX chứ không phải của riêng chủ tọa phiên tòa. Nếu trong vụ án đó, HĐXX đã báo cáo lãnh đạo và lãnh đạo đã cho ý kiến dẫn đến oan sai thì có chịu trách nhiệm cùng với HĐXX hay không. Điều này cũng cần làm rõ.
Theo tiến sĩ Phan Anh Tuấn (Trưởng bộ môn Luật hình sự, ĐH Luật TP HCM) cho hay gần đây nhiều cán bộ tố tụng làm oan bị khởi tố, trong đó có cả kiểm sát viên (như vụ ở Sóc Trăng) nhưng khởi tố thẩm phán thì là một điều mới trong lịch sử tố tụng. Đây chính là tư duy tiến bộ thể hiện tinh thần thượng tôn pháp luật, cải cách toàn diện tư pháp và là một biện pháp hiệu quả chống oan, sai. Điều này nhắc nhở các thẩm phán loại trừ một tư duy cũ, đó là án tại hồ sơ. Nó cũng cảnh báo rằng nếu tòa cứ dựa vào các chứng cứ có trong hồ sơ để cho rằng nó phù hợp với hành vi phạm tội của bị cáo là rất nguy hiểm. Bởi tại phiên tòa công khai, thẩm phán phải xem xét toàn diện các loại chứng cứ chứ không đơn thuần là dựa vào cái này, cái kia.
Thạc sĩ Nguyễn Thái Phúc, Giám đốc Học viện Tư pháp cho hay: "Theo tôi, đối với một người thay mặt Nhà nước thực hiện chức năng xét xử, quyết định của họ liên quan đến sinh mạng con người thì những lỗi như trên chính là hành vi có dấu hiệu tội phạm. Trong khi vụ của ông Chấn đã được chứng minh là oan rõ ràng, vậy việc xử lý những người làm oan ông Chấn cũng phải được làm cho rõ".