Tòa đồng quan điểm với VKS rằng việc bị cáo hắt ly bia vào người chi cục trưởng Chi cục Thuế là phạm tội làm nhục người khác.
Các chính sách quan trọng có hiệu lực từ tháng 10
- Cập nhật : 03/10/2014
Báo tin về vi phạm hành chính được thưởng đến 10% giá trị tang vật; quy định mức lương làm thêm giờ của người giúp việc; các mạng xã hội, trang thông tin phải đăng ký cấp phép hoạt động,… là những chính sách, quy định mới có hiệu lực từ tháng 10 này.
1. Báo tin về vi phạm hành chính được thưởng đến 10% giá trị tang vật
Từ 1.10, theo quy định tại Thông tư 105/2014/TT-BTC thì định mức chi phí mua tin báo vi phạm hành chính được tính theo giá trị tang vật thu được nộp ngân sách và mức xử phạt hành vi.
Số tiền cơ quan xử lý vi phạm có thể trả cho người báo tin lên đến 10% tổng số tiền xử phạt và giá trị tang vật phương tiện vi phạm bị tịch thu xung công quỹ.
Người báo tin về vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có thể được chi trả tối đa 50 triệu đồng - Ảnh: Trương Quang Nam
Tuy nhiên, thông tư mới có hiệu lực này vẫn giữ nguyên quy định giới hạn mức chi trả tối đa cho mỗi tin báo là 5 triệu đồng.
Riêng với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả mức chi trả tối đa là 50 triệu đồng.
Trong trường hợp cơ quan chức năng không ra quyết định xử phạt, không bán được tang vật thì vẫn thực hiện chi trả tiền mua tin theo mức trên.
2. Mức lương làm thêm giờ của người giúp việc
Từ ngày 5.10, theo Thông tư 19/2014/TT-BLĐTBXH thì chủ nhà phải trả lương làm thêm giờ cho người giúp việc khi không thể bố trí nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200% tiền lương tính theo ngày làm việc.
Người giúp việc phải được chủ nhà trả lương làm thêm giờ ít nhất bằng 200% tiền lương tính theo ngày làm việc - Ảnh: Ngọc Thắng
Ngoài ra, Thông tư cũng quy định đa dạng cách thức trả lương cho người giúp việc, gồm: trả lương theo tháng xác định trên cơ sở hợp đồng lao động; trả lương theo tuần xác định trên cơ sở tiền lương tháng nhân với 12 tháng và chia cho 52 tuần; trả lương theo ngày xác định trên cơ sở tiền lương tháng chia cho số ngày làm việc bình thường trong tháng mà hai bên xác định nhưng không quá 26 ngày; trả lương theo giờ xác định trên cơ sở tiền lương ngày chia cho số giờ làm việc bình thường trong ngày theo hợp đồng lao động.
3. Các mạng xã hội phải đăng ký giấy phép
Từ ngày 3.10, Thông tư 09/2014/TT-BTTTT quy định chi tiết về hoạt động quản lý, cung cấp, sử dụng thông tin trên trang thông tin điện tử và mạng xã hội chính thức có hiệu lực.
Theo đó, thông tư quy định các trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội hay các trang thông tin điện tử nội bộ, ứng dụng chuyên ngành khi cung cấp thông tin tổng hợp đều phải đề nghị cấp phép.
Các trang thông tin, mạng xã hội này phải đáp ứng các điều kiện cụ thể về nhân sự quản lý nội dung thông tin, bộ phận kỹ thuật; tài chính, kỹ thuật, quản lý thông tin và tên miền.
Các mạng xã hội đã được cấp giấy xác nhận theo Thông tư 14/2010/TT-BTTTT nếu tiếp tục hoạt động phải đề nghị cấp giấy phép mới trong thời hạn 180 ngày kể từ ngày 3.10.
4. Hướng dẫn xác định đối tượng được Nhà nước hỗ trợ đóng BHYT
Từ 15.10, tiêu chí xác định mức thu nhập bình quân của hộ gia đình nông, lâm, ngư và diêm nghiệp để làm căn cứ xác định đối tượng được Nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế (BHYT) sẽ thực hiện theo Thông tư 22/2014/TT-BLĐTBXH.
Thu nhập bình quân của hộ gia đình nông, lâm, ngư và diêm nghiệp được Nhà nước hỗ trợ đóng BHYT sẽ được xác định theo mức mới - Ảnh: Nguyên Mi
Theo đó mức thu nhập trung bình đối với các hộ gia đình được xác định như sau: khu vực nông thôn, mức thu nhập từ 521.000 - 900.000 đồng/người/tháng; khu vực thành thị, mức thu nhập từ 651.000 - 900.000 đồng/người/tháng.
Những hộ gia đình có điều kiện trên có nhu cầu tham gia BHYT thì làm Giấy đề nghị, nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện đến UBND cấp xã thẩm định.
5. Khu kinh tế cửa khẩu được hưởng nhiều ưu đãi thuế
Từ ngày 1.10 sẽ bắt đầu áp dụng nhiều chính sách ưu đãi đối với khu phi thuế quan (KPTQ) của khu kinh tế cửa khẩu theo Thông tư 109/2014/TT-BTC.
Theo đó, ưu đãi thuế Thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp, ưu đãi thuế Thu nhập cá nhân cho cá nhân hoạt động làm việc trong KPTQ; không tính thuế GTGT, thuế tiêu thụ đặc biệt với hàng hóa, dịch vụ được sản xuất, tiêu dùng, xuất khẩu ra nước ngoài hoặc nhập khẩu từ nước ngoài vào KPTQ (trừ một số ngoại lệ theo quy định); miễn thuế nhập khẩu, miễn hoặc không tính thuế xuất khẩu đối với máy móc, thiết bị, hàng hóa, dịch vụ đáp ứng quy định của Thông tư; miễn giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước và tiền sử dụng đất theo quy định của Quyết định 72/2013/QĐ-TTg.
Để được áp dụng các ưu đãi này, các KPTQ phải đáp ứng điều kiện như: có ranh giới xác định; được ngăn bằng hàng rào cứng; bảo đảm điều kiện kiểm tra, giám sát, kiểm soát...
6. Thay đổi cách tính thuế nhà thầu nước ngoài
Từ 1.10, Thông tư 103/2014/TT-BTC hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế áp dụng đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh và có thu nhập tại Việt Nam chính thức có hiệu lực.
Theo đó, cách tính số thuế GTGT phải nộp tính dựa trên Doanh thu tính thuế GTGT, cụ thể như sau: Số thuế GTGT phải nộp = Doanh thu tính thuế Giá trị gia tăng x Tỷ lệ % để tính thuế GTGT trên doanh thu.
Trong đó, tỷ lệ % để tính thuế GTGT được quy định cụ thể từ 2-5% tùy ngành kinh doanh.
Ngoài ra, so với quy định cũ thì Thông tư 103/2014/TT-BTC bổ sung thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với thu nhập từ chuyển nhượng quyền tham gia hợp đồng kinh tế/dự án tại Việt Nam, chuyển nhượng quyền tài sản tại Việt Nam.
Nguyên Mi (tổng hợp)// Theo: TN