Tại hội nghị liên ngành góp ý dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự ở VKSND TP.HCM ngày 30-10, nhiều đại biểu góp ý xoay quanh vấn đề luật hóa quyền im lặng, quyền tiếp cận hồ sơ của bị can, sự có mặt của điều tra viên tại tòa…
Về quyền im lặng, có hai luồng quan điểm: giữ như hiện nay (không ghi rõ vào luật nhưng nghi can/bị can có quyền trình bày lời khai, đưa ra ý kiến) và cần quy định về quyền im lặng. Lý giải cho phương án 1, các đại biểu cho rằng việc trình bày lời khai, đưa ra ý kiến không phải nghĩa vụ của các đối tượng này nên họ có thể thực hiện hoặc không thực hiện.
Ủng hộ phương án 2, TS Lê Nguyên Thanh - trưởng bộ môn Tội phạm học khoa Luật hình sự, ĐH Luật TP.HCM cho rằng quyền im lặng gắn liền với quyền được suy đoán vô tội và quyền bào chữa. “Nếu thiếu một trong ba quyền này thì các quyền liên quan không được thực hiện một cách trọn vẹn. Không thể bào chữa cho bản thân mình tốt nếu không có vũ khí là quyền im lặng. Nếu không đưa quyền im lặng vào là bỏ qua cơ hội chứng tỏ nền tư pháp tiến bộ và văn minh. Ngày nay quyền im lặng đã có giá trị phổ quát trên toàn cầu, không thể hội nhập ngành tư pháp mà quyền im lặng còn băn khoăn, do dự. Bởi im lặng cũng là tình huống tự vệ trước những bức cung, nhục hình, mớm cung, ép cung. Im lặng tuy không được hưởng tình tiết giảm nhẹ thành khẩn khai báo nhưng không có nghĩa là một tình tiết tăng nặng nếu sau đó họ bị chứng minh là có tội. Thực thi quyền im lặng là một trong những giải pháp góp phần chống oan sai” - TS Thanh nói.
Trước ý kiến cho rằng nếu không khai báo sẽ làm ảnh hưởng đến việc đấu tranh với tội phạm, TS Thanh cho rằng: “Muốn kết tội không chỉ dựa vào lời khai. Hiện có tình trạng buộc nhận tội để làm cơ sở khởi tố. Người này không khai báo không có nghĩa là cơ quan chức năng không có cơ sở để bắt người khác. Bởi chứng cứ trong tố tụng bao gồm nhiều nguồn chứ không chỉ từ lời khai”.
Một điểm đáng lưu ý nữa là yêu cầu điều tra viên phải có mặt tại phiên tòa nếu người tham gia tố tụng cho rằng mình bị ép cung, nhục hình. Sự có mặt của điều tra viên sẽ góp phần làm sáng tỏ tình tiết vụ án, giúp tòa quyết định đúng, tăng tính minh bạch của hoạt động tố tụng. “Việc mời điều tra viên sẽ do HĐXX quyết định. Tuy nhiên, “mời” thôi chứ đừng “triệu tập” như quy định trong dự thảo” - một đại biểu của cơ quan điều tra Công an TP.HCM ý kiến.