Theo đánh giá của giới chuyên môn, chị Huyền đã bị Nguyễn Mạnh Tường tiêm lượng thuôc tê vượt 1,5 lần chuẩn quốc tế.
Nguyễn Mạnh Tường và Đào Quang Khánh tại cơ quan điều tra
Đối với vụ án “bác sĩ vứt xác phi tang bệnh nhân xuống sông Hồng” xảy ra tại Hà Nội vào tháng 10/2013, việc thẩm định quy trình hành nghề của cựu giám đốc Trung tâm Thẩm mỹ viện Cát Tường (đường Giải Phóng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) được cơ quan chuyên môn thành lập một hội đồng khoa học đánh giá tính chất, mức độ để trên cơ sở đó, cơ quan cảnh sát điều tra, Công an TP Hà Nội đánh giá những sai phạm của Nguyễn Mạnh Tường (SN 1973, trú tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) trong vụ án này.
Theo đó, ngay sau khi phát hiện vụ việc, 25/10/2013, cơ quan cảnh sát điều tra, đã có công văn gửi Sở Y tế TP Hà Nội cung cấp thông tin về Quy trình của việc hút mỡ, bơm ngực; quy trình gây tê trong quá trình hút mỡ, bơm ngực; những loại thuốc được Tường dùng trong quá trình phẩu thuật thẩm mỹ cho chị Lê Thị Thanh Huyền… Đồng thời ngay sau phiên tòa bị hoãn ngày 14/4/2014, Công an Hà Nội lại tiếp tục gửi công văn đề nghị Sở Y tế Hà Nội làm rõ thêm một số vấn đề chuyên môn.
Nhận đề nghị của Công an Hà Nội, Sở Y tế TP Hà Nội đã có quyết định thành lập Hội đồng khoa học tư vấn chuyên môn bao gồm các phó giáo sư, tiến sĩ y khoa, thạc sĩ y khoa và bác sĩ đầu ngành phẫu thuật thẩm mỹ, hồi sức cấp cứu, dược lâm sàng để xem xét kết luận trường hợp tử vong của chị Lê Thị Thanh Huyền (SN 1974, trú tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Theo đó, Hội đồng khoa học tư vấn chuyên môn đánh giá, những loại thuốc được cựu Giám đốc Trung tâm Thẩm mỹ viện Cát Tường dùng trong quá trình hút mỡ, bơm ngực được pha lẫn vào nhau là không hợp lý.
Trong một số thuốc dùng để pha trộn của cựu bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường dùng trong quá trình phẫu thuật, có hai loại mà Hội đồng khoa học tư vấn chuyên môn cảm thấy khó hiểu là Getamicin và Vitamin C – Hội đồng khoa học không hiểu, Tường phai hai loại thuốc này vào để làm gì.
Đối với thuốc gây tê (Lidocain 5%), việc sử dụng một chai loại 500ml theo Hội đồng khoa học đánh giá là quá cao và có thể gây biến chứng nghiêm trọng. Đối với liều lượng mà Tường sử dụng để gây tê cho chị Huyền, Hội đồng khoa học nhìn nhận là cao gấp 1,5 lần so với chuẩn quốc tế.
Việc chị Huyền có biểu hiện co giật trong quá trình phẫu thuật, được Tường sử dụng thuốc Diazepam nhằm cắt cơn cơ giật là không đúng.
Đối với quy trình phẫu thuật bằng phương pháp để cho mỡ lắng không qua ly tâm, được cựu bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường áp dụng trong quá trình phẫu thuật, Hội đồng khoa học nhìn nhận là không đúng với quy trình chuẩn.
Tại thời điểm xảy ra vụ án, theo quyết định của Bộ Y tế, phạm vi hoạt động chuyên môn của phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ là không được phẫu thuật tạo hình như nâng ngực, nâng vú…
Trước đó, cơ quan điều tra cũng làm rõ, trong quá trình thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ cho chị Huyền, Tường thực hiện sát trùng sát thương vùng bụng và ngực rồi tiêm thuốc gây tê đã pha từ trước vào hai bên hông.
Sau đó Tường dùng dao mổ chích vào 2 bên thành bụng dưới và tiêm 4 chai thuốc được pha chế từ trước để gây tê vùng bụng của chị Huyền. Tường dùng xi lanh cắm vào thành bụng hút mỡ được khoảng 15 phút thì chị Huyền bị co giật.
Tường bảo nhân viên đi mua thuốc động kinh nhưng không mua được. Tường tiếp tục hút mỡ thành bụng được 11 xi lanh. Tường để khoảng 5-10 phút cho mỡ trong xi lanh lắng xuống rồi bơm bỏ nước gạn lấy mỡ. Sau Tường cho 11 xi lanh mỡ vào ngực bên dưới hai bầu vú của chị Huyền đến khoảng 16h thì xong.
Tưởng bảo nhân viên đưa chị Huyền ra ngoài phòng nghỉ. Khoảng 30 phút sau Tường thấy chị Huyền có biểu hiện co giật, nháy mắt, sùi bọt mép. Tường tiêm cho chị Huyền 1 mũi thuốc an thần. Tiêm xong thấy chị Huyền bình thường nên Tường cùng bạn gái đi chùa Quán sứ để lễ.
Đến khoảng 17h45’ cùng ngày, nhân viên của Tường gọi điện thông báo chị Huyền có biểu hiện tím tái, mạch khó bắt, huyết áp không đo được, Tường đã chỉ đạo nhân viên tiêm cho chị Huyền 2 ống thuốc trợ tim,2 ống thuốc dị ứng, truyền dịch muối và cho thở ô xy. Sau đó, Tường nhờ bạn đến thẩm mỹ viện để hỗ trợ cấp cứu chị Huyền.
Sau khi đi lễ, về đến Thẩm mỹ viện, Tường thấy chị Huyền đã không còn nhịp tim. Tường đặt nội khí quản cho chị Huyền, bóp bóng và bóp ngoài lồng ngực, tiêm thêm 2 liều thuốc trợ tim trực tiếp vào tim nhưng không có kết quả, chị Huyền tử vong. Sau khi chị Lê Thị Thanh Huyền tử vong, Tường lên kế hoạch phi tang xác nạn nhân.
Cơ sở tăng khung hình phạt với Nguyễn Mạnh Tường
Trong bản cáo trạng lần 2 vừa được VKS Nhân dân TP Hà Nội chuyển sang TAND TP Hà Nội, cựu giám đốc Trung tâm Thẩm mỹ viện Cát Tường Nguyễn Mạnh Tường tiếp tục bị truy tố về hai tội danh: “Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt” theo quy định tại Điều 246, khoản 2 và “Vi phạm qui định khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất pha chế thuốc, cấp phát thuốc hoặc dịch vụ y tế khác” theo điều 242, khoản 3 – BLHS.
So với bản cáo trạng lần 1, bản cáo trạng lần 2, Nguyễn Mạnh Tường bị thay đổi điều khoản truy tố từ khoản 1, sang khoản 3 của điều 242 - Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác.
Theo đó, hành vi phạm tội của cựu giám đốc Trung tâm Thẩm mỹ viện Cát Tường được nâng mức độ nguy hiểm.
Nếu trước đây, việc truy tố tội danh “Vi phạm qui định khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất pha chế thuốc, cấp phát thuốc hoặc dịch vụ y tế khác”, bị cáo Tường chỉ bị truy tố ở trường hợp “gây thiệt hại cho tính mạng của người khác” thì nay, mức độ hậu quả của Nguyễn Mạnh Tường được truy xét ở mức “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”.
Theo quan điểm của giới luật sư, hành vi của Nguyễn Mạnh Tường tác động tiêu cực đối với đời sống xã hội nói chung và làm ảnh hưởng xấu tới hình ảnh của ngành y nói riêng.
Ngoài ra, việc cơ quan cảnh sát điều tra trưng cầu giám định của ngành y tế và căn cứ vào phản ứng của dư luận cũng cho thấy, việc nâng khung hình phạt đối với Tường là phù hợp hành vi vi phạm của bị cáo.
Mức độ nghiêm trọng của vụ án còn thể hiện ở chỗ, dù không bảo đảm về yêu cầu phẩu thuật hút mỡ, nâng ngực nhưng bị cáo vẫn cố tình thực hiện.
Luật sư Vũ Ngọc Chi – Đoàn luật sư TP Hà Nội cũng nhìn nhận rằng, những tình tiết tại phiên tòa bị hoãn ngày 14/4/2014 cùng với lời khai của các nhân viên tại tòa cho thấy được mức độ nguy hiểm mà bị cáo Tường gây ra. Đây cũng là cơ sở để cơ quan điều tra thay đổi khung hình phạt đối với Nguyễn Mạnh Tường.
Đối với đồng phạm của Nguyễn Mạnh Tường là bị cáo Đào Quang Khánh, cơ quan tố tụng vẫn giữ nguyên điều khoản truy tố như bản cáo trạng lần 1, gồm: tội “Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt” theo quy định tại Điều 246, khoản 2 và tội “Trộm cắp tài sản” theo quy định tại Điều 138, khoản 1.
Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, thời hạn nghiên cứu hồ sơ của TAND TP Hà Nội kể từ ngày VKS chuyển tài liệu trong vòng 1 tháng. Nếu không có gì thay đổi, TAND TP Hà Nội sẽ đưa vụ án ra xét xử trong tháng 11 tới.