Song song với hàng loạt “phi vụ đen” mà công nhân Ngô Thụy Anh (Ban quản lý Công trình công cộng thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận) tố cáo ông Mai Đình Thái (Trưởng Ban quản lý) để xảy ra nhiều sai phạm đã được vạch trần và nhiều dấu hiệu sai phạm chưa được làm sáng tỏ, người dân La Gi cũng bức xúc với một vị cán bộ khác tại thị xã La Gi - người đã cùng ông Thái chiếm đất rừng của Nhà nước rồi mang bán cho người khác.
Núi Nhọn - nơi ông Thái, Tấn Anh và các “cổ phần” chiếm dụng trái phép mang bán cho bà Lâm.
Núp bóng “khai hoang trồng rừng” để ngang nhiên chiếm đất Nhà nước
Báo Lao Động & Đời sống số 42, 43/2014 liên tiếp đăng bài điều tra về công nhân Ngô Thụy Anh bị kỷ luật vì đã dũng cảm chống tiêu cực, phanh phui nhiều hành vi sai phạm của ông Mai Đình Thái (Trưởng Ban quản lý Công trình công cộng thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận). Trong khi đó, không chỉ liên quan tới ông Mai Đình Thái mà người dân địa phương cũng đang hết sức bức xúc với ông Đinh Tấn Anh - Chủ tịch UBND phường Bình Tân, thị xã La Gi - người “dính” đến “phi vụ” chiếm đất rừng của Nhà nước, mang bán cho người khác, gây mất trật tự an ninh (xảy ra kiện cáo kéo dài) và làm phức tạp thêm tình hình quản lý đất đai của Nhà nước tại địa phương.
Theo điều tra của phóng viên Lao động & Đời sống, vào năm 2008, ông Mai Đình Thái - khi đó đang là cán bộ Nhà nước, giữ chức vụ Bí thư chi bộ, Phó Trưởng ban Quản lý Công trình công cộng thị xã La Gi, ông Đinh Tấn Anh - cũng đang là cán bộ Nhà nước, giữ chức Bí thư phường Bình Tân, thị xã La Gi - cùng 3 người dân khác đã ký kết văn bản đề là “Hợp đồng khai hoang và trồng rừng tại khu vực Núi Nhọn, xã Tân Bình, thị xã La Gi” vào hồi 16h chiều 15.12.2008. Đây là vấn đề hết sức nghiêm trọng, bởi vào thời điểm đó, tình trạng chiếm dụng, lấn chiếm đất xảy ra tại khu vực Núi Nhọn đã khiến cho công tác quản lý đất đai và quản lý rừng tại khu vực Núi Nhọn hết sức phức tạp. Tình trạng chiếm dụng đất của Nhà nước, rồi sang nhượng trái phép diễn ra không chỉ gây mất an ninh trật tự mà còn vi phạm các quy định về quản lý đất đai trong Luật Đất đai năm 2003.
Hai vị cán bộ là Mai Đình Thái và Đinh Tấn Anh đã thành lập một nhóm người (5 người) cổ phần, hùm hạp với nhau núp dưới cái bóng “khai hoang rừng, trồng rừng”. Tại bản hợp đồng này có ghi: “Chúng tôi tiến hành làm bản hợp đồng thỏa thuận cùng nhau khai hoang diện tích đất trồng rừng 100ha, tọa lạc tại khu vực Núi Nhọn”. Trong khi lập bản hợp đồng trái pháp luật này, nhóm ông Mai Đình Thái và Đinh Tấn Anh đã ghi: “Khoảng 100ha… sau này sẽ đo đạc cụ thể”. Như vậy, ngay cả khi nhóm 5 người lập hợp đồng “khai hoang rừng” mà, cũng chưa xác định cụ thể là đất rừng 100ha nằm chỗ nào, có chủ hay chưa, ranh giới khu đất đó giáp những ai…? Nhưng chắc chắn hai vị cán bộ này đều biết, đó là đất của Nhà nước quản lý.
Trong biên bản làm việc với Thanh tra UBND thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận (lúc 8h ngày 24.4.2014), ông Võ Xuân Lộc (1 trong 5 người hợp đồng khai hoang trồng rừng) cho rằng: “Giữa 5 người với bà Bùi Thị Lâm (ngụ thôn Bình An 1, xã Tân Bình, thị xã La Gi, người mua đất) có sự thống nhất bán đất cho bà Lâm và tại cuộc họp ở nhà ông Thái cũng nói thống nhất bán cho bà Lâm nhưng vì ông Thái và ông Tân Anh là cán bộ nên không đứng tên trong hợp đồng và hứa sẽ làm giấy tờ cho bà Lâm”.
Như vậy rõ ràng rằng, trong nội bộ 5 người có 2 người - ông Mai Đình Thái và ông Đinh Tấn Anh - biết rằng mình là cán bộ lãnh đạo tại địa phương, biết rằng đất “khai hoàng trồng rừng” chính là đất của Nhà nước quản lý nên cả hai ông này đã không ra mặt làm hợp đồng bán đất cho bà Lâm. Sau đó, bà Lâm đã làm đơn tố cáo hai ông Thái và Tấn Anh chiếm đoạt số tiền 100 triệu đồng của bà (tiền cọc mua đất) vì không làm được giấy tờ quyền sử dụng đất như các ông cán bộ này đã hứa với bà.
Bà Lâm - người tố cáo hai cán bộ lãnh đạo địa phương trong sai phạm bán 22ha đất rừng Núi Nhọn.
Chiếm đất chiếm trái phép rồi còn bán lấy tiền…
Vì muốn kiếm lời, bà Lâm mang số đất này bán lại cho một người khác, rồi diễn ra kiện tụng vì bà Lâm không thể nào nhận được giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng đất như lời hứa của ông Mai Đình Thái và Đinh Tấn Anh. Ngày 24.4.2014, Thanh tra UBND thị xã La Gi đã mời các bên liên quan đến làm việc. Tại đây, bà Lâm cho biết, diện tích đất 22ha bà đã mua của 5 người gồm ông Mai Đình Thái (Trưởng Ban quản lý Công trình công cộng thị xã La Gi), ông Đinh Tấn Anh (Chủ tịch UBND phường Bình Tân, thị xã La Gi) và 3 người khác là các ông Trần Văn Lý, Võ Xuân Lộc và Mai Văn Tịnh.
Bà Lâm khai rằng, trước lúc đi xem đất, bà Lâm có hẹn với ông Tấn Anh tại quán càphê Bằng Lăng để đi xem thực địa, nhưng ông Tấn Anh không đến mà giao cho ông Tịnh và ông Lộc dẫn bà Lâm đi xe đất tại Núi Nhọn. Sau khi đo đạc thực địa, sau mấy ngày, ông Tấn Anh và ông Mai Đình Thái hẹn bà Lâm đưa tiền đặt cọc mua đất (22ha).
Khi ông Tịnh và Lộc đứng ra nhận tiền, bà Lâm không đồng ý giao vì thiếu ông Thái và ông Tấn Anh. Lúc này, ông Tịnh trấn an bà Lâm rằng, ông Thái đi công tác ở Sài Gòn, còn ông Tấn Anh đang bận họp. Bà Lâm vẫn kiên quyết rằng, nếu không có mặt ông Thái và ông Tấn Anh thì bà không giao tiền mua đất. Để thể hiện quan điểm thống nhất giữa 5 người, ông Lộc đã gọi điện thoại cho ông Tấn Anh và mở loa lớn cho bà Lâm nghe. Qua điện thoại, ông Tấn Anh cho biết anh em (tức 5 người góp cổ phần) đã thống nhất với nhau rồi, bà Lâm cứ yên tâm chồng tiền cho ông Tịnh và Lộc. Cũng trong cuộc gọi này, ông Tấn Anh cho biết, ông sẽ ký hợp đồng mua bán sau.
Sau đó, ông Lộc tiếp tục gọi điện thoại cho ông Mai Đình Thái và cũng bật loa lớn cho bà Lâm nghe. Qua đó, ông Thái cho biết mình đang ở Sài Gòn không về được và nói bà Lâm cứ yên tâm chồng tiền vì các anh em đã thống nhất. Do tin tưởng nên bà Lâm đã chồng tiền cho ông Lộc và Tịnh. Cùng với đó, ông Tấn Anh có hứa là trong vòng 90 ngày sẽ làm giấy tờ (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) mang tên bà Lâm và không quên yêu cầu bà Lâm cung cấp giấy CMND cùng hộ khẩu để làm giấy tờ.
Tuy nhiên, sau nhiều lần hứa hẹn mà vẫn không làm được giấy tờ, bà Lâm đã khởi kiện ra tòa để đòi lại số tiền 100 triệu đồng cọc mua đất. Trả lời về vấn đề này, ông Mai Đình Thái thừa nhận: “Việc 5 người cùng nhau khai hoang, trồng rừng và lập thành bản thỏa thuận là đúng”. Còn ông Đinh Tấn Anh cho biết: “Việc 5 người gồm tôi, Thái, Tịnh, Lộc và Lý thống nhất cùng nhau lập bản hợp đồng khai hoang trồng rừng là đúng và đã thể hiện bằng bản hợp đồng. Bà Lâm là người trực tiếp gọi điện thoại cho tôi hỏi mua đất, bà Lâm có gọi đi xem thực địa, nhưng vì 5 người đã thỏa thuận ông Lý làm tổ trưởng, ông Tịnh làm tổ phó trong việc khai phá và trồng rừng tại đất này nên tôi đã gọi điện cho ông Tịnh dẫn bà Lâm đi xem đất”.
Ngày 10.11, bà Lâm cho biết, sau nhiều lần hòa giải, vụ việc đã được TAND thị xã La Gi ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, nguyên đơn là bà Lâm, bị đơn là ông Thái, Tấn Anh, Tịnh và Lộc để đòi lại số tiền cọc, vì đất này vẫn là đất của Nhà nước quản lý nên giao dịch bất thành. Theo bà Lâm, đến nay, ông Thái, Tấn Anh, Tịnh và Lộc đã trả lại số tiền đặt cọc cho bà.
Mới đây (ngày 18.9), trả lời đơn kiến nghị của bà Bùi Thị Lâm, Chủ tịch UBND thị xã La Gi Phùng Thị Thọ cho biết: “UBND thị xã La Gi nhận được đơn của bà Bùi Thị Lâm, nội dung đề nghị UBND thị xã trả lời cho bà biết việc xử lý sai phạm đối với 2 cán bộ lãnh đạo trong việc sai phạm do có hành vi gian dối chiếm đoạt 100 triệu đồng tiền cọc để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của bà (việc tranh chấp dân sự hiện tòa án đang xem xét, giải quyết).... Đến nay, UBND thị xã đã có văn bản phê bình, kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với 2 cán bộ lãnh đạo là ông Đinh Tấn Anh - Chủ tịch UBND phường Bình Tân và ông Mai Đình Thái -Trưởng Ban quản lý Công trình công cộng, đồng thời yêu cầu ông Anh và ông Thái khắc phục các sai sót, không để các sai phạm tương tự xảy ra trong thời gian tới”.
Theo: LĐ