Tuy không trực diện đấu tranh với tội phạm, nhưng những đóng góp của cán bộ, chiến sĩ Phòng Kỹ thuật hình sự (KTHS), không thể thiếu cho thành công của mỗi vụ án, vụ việc của lực lượng Công an tỉnh Hậu Giang…
Vụ án rúng động Sài Gòn: “tập đoàn” massage kích dục trá hình
- Cập nhật : 30/07/2014
Khi đặt chân vào đây, các nữ nhân viên phải làm việc 16 tiếng/ngày, sống chủ yếu bằng tiền “boa” của khách. Có gia đình phải lên kịch bản giải thoát cho con nhưng bất thành.
Theo dự kiến, tháng 8 tới, TAND TP.HCM sẽ mở phiên tòa sơ thẩm lần thứ 2 xét xử vụ án “bắt giữ người trái pháp luật” và “cưỡng đoạt tài sản” xảy ra tại địa ngục massage Tân Hoàng Phát (phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức, TP.HCM). Vụ án từng gây rúng động dư luận hồi cuối năm 2008.
Giam giữ như nô lệ
Theo cáo trạng, Công ty TNHH Tân Hoàng Phát thành lập tháng 10/2005 do Phan Cao Trí (SN 1973) đứng tên đại diện pháp luật. Đến tháng 6/2008, Trí chuyển cho em vợ là Phan Việt Hậu đứng tên đại diện nhưng mọi hoạt động của công ty vẫn do Trí đứng sau điều hành.
Ngoài cơ sở này, Trí còn làm chủ 4 cơ sở massage khác gồm Công ty Kim Thu, Hoàng Thành, Newstart, Hoàng Vân III hoạt động tại TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai.
Để điều hành hoạt động chuỗi công ty trên, Phan Cao Trí cùng vợ là Phan Thị Yến đã tập hợp nhiều thành viên trong gia đình cùng một số đối tượng ngoài xã hội thành lập một “tập đoàn” massage kích dục trá hình. Nhiều cô gái trẻ có hoàn cảnh khó khăn đã xin vào làm. Khi tiếp nhận, Trí và Hậu buộc họ phải ký một hợp đồng lao động theo đúng quy định của pháp luật làm việc 8 tiếng/ngày, có chế độ nghỉ lễ, bảo hiểm...theo quy định.
Trên thực tế, Trí và Hậu cũng buộc mỗi nhân viên phải ký 2 bản thỏa thuận khác là buộc nhân viên phải ăn ở trong công ty, không được phép ra ngoài, nếu làm việc dưới 6 tháng mà xin nghỉ thì phải bồi thường 24 triệu đồng. Sau khi đặt bút ký những cam kết trên, những nhân viên này phải làm việc 16 tiếng/ngày, không được trả lương theo đúng hợp đồng, không được nghỉ phép, không được tự do đi lại, sống nhờ vào tiền “boa” của khách.
Hàng ngày, khoảng 9h sáng, bảo vệ sẽ đưa nhân viên đi bộ từ nhà sang Công ty Tân Hoàng Phát làm việc đến rạng sáng hôm sau họ mới được nghỉ. Tại cơ sở Newstart, bảo vệ sẽ giám sát nhân viên lên xe ô tô để tài xế chở đi về. Hai cơ sở còn lại, Trí buộc nhân viên ăn ở tại cơ sở làm việc, không cho ra ngoài và luôn bị canh giữ cẩn thận. Gia đình tiếp viên không được tiếp xúc, gặp mặt nếu không được Trí và các nhân viên quản lý đồng ý.
Không chỉ khống chế quyền tự do của các bị hại, những ai muốn nghỉ việc hoặc về phép phải nộp cho Yến 15 triệu đồng tiền thế chân, nếu nghỉ họ sẽ mất luôn số tiền này. Trong số những người bị bóc lột, có nữ tiếp viên do chiều khách nên mang thai, biết chuyện Trí cho người chở đến bệnh viện ép phá thai, đánh đập.
Tổng cộng, 73 tiếp viên nữ là nạn nhân của vợ chồng Phan Cao Trí và đồng bọn. Trong đó, 64 người đã bị bắt, giữ trái pháp luật; người bị giam giữ ít nhất là 1 tháng còn người bị giam giữ nhiều nhất lên tới 5 năm. Ngoài bị bắt giữ trái pháp luật, 9 nạn nhân trong số họ còn bị cưỡng đoạt tài sản với tổng số tiền 184 triệu đồng.
Những cuộc trốn chạy bất thành
Không chịu nổi cảnh bị giam cầm, nhiều bị hại đã phải nhờ gia đình đem tiền đến “chuộc” về. Một số người không có tiền, họ bỏ trốn nhưng đều bị phát hiện.
Tháng 12/2007, bị hại T.N.T (SN 1987, Đồng Tháp) chị xin vào làm việc tại công ty Tân Hoàng Phát. Sau khi học nghề, T. được bố trí cho làm việc tại cơ sở massage Hoàng Thành. Tháng 9/2008, không thể chịu đựng được cuộc sống ở đây, T điện thoại cho mẹ lên gặp quản lý là Nguyễn Minh Phương xin cho nghỉ việc nhưng không được. Xót con, mẹ T. lên kế hoạch giải thoát cho con.
Sau khi uống 8 viên thuốc giảm đau do mẹ gửi vào, T. nôn thốc nôn tháo nên xin được đi khám bệnh. Nguyễn Hoài Nhanh (phó quản lý) cùng một nhân viên tên Bốn đưa T. đến bệnh viện Hòa Hảo (Dĩ An, Bình Dương) khám. Lúc này, gia đình T. đứng chờ sẵn trong bệnh viện để giải cứu T.
Tại đây, trong lúc Nhanh đi làm thủ tục khám bệnh, người thân T. vào phòng cấp cứu giải thoát cho T. nhưng đã bị tên Bốn phát hiện. Ngay lập tức, Nhanh điện thoại báo Phương cho người ra hỗ trợ bắt giữ lại. Hơn chục nhân viên được huy động tới lao vào đánh, gia đình T. tháo chạy. Trả giá cho cuộc giải cứu bất thành, T. bị đưa về giam giữ tại phòng bảo vệ của bãi giữ xe công ty bị Phát và thuộc cấp tra hỏi, đánh đập, hất nước vào mặt Sau đó, gia đình T. buộc phải đưa 24 triệu đồng để chuộc con về.
Tương tự, tháng 3/2007, chị Đ.T.H.Tr. (SN 1987, Đồng Tháp) xin vào làm tại cơ sở massage Kim Thu. Do làm việc quá vất vả nên Tr. nảy sinh ý định bỏ trốn. Khoảng tháng 8/2007, thừa lúc mọi người ngủ hết, Tr. leo qua cửa sổ sang nhà bên cạnh để bỏ trốn nhưng bị trượt chân té ngã. Bảo vệ cơ sở Kim Thu phát hiện bắt lại. Tr. bị Hậu đánh, kỷ luật bằng cách bắt ở nhà dọn dẹp vệ sinh. Sau đó, Tr. phải điện thoại cho gia đình đem 15 triệu đồng lên nộp mới được về.
Ngày 6/12/2008, từ đơn tố cáo của các nạn nhân, lực lượng Công an TP.HCM đã ập vào cơ sở massage kích dục Tân Hoàng Phát, giải cứu 64 nhân viên bị giam giữ trái pháp luật. Sauk hi vụ việc vỡ lở, 29 nạn nhân từng bị giam giữ trong thơi gian làm việc tại đã đến công an tố.
6 năm chưa giải quyết xong vụ án
Việc triệt phá “địa ngục” massage của Trí và đồng bọn từng gây xôn xao dư luận hồi cuối năm 2008. Tuy nhiên, đến nay các cơ quan tố tụng vẫn chưa giải quyết xong vụ án mà trở lại với phiên tòa xét xử sơ thẩm lần hai.
Trước đó, tháng 1/2011, TAND TP.HCM đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm tuyên phạt Phan Cao Trí 12 năm tù, Yến 6 năm tù, 4 bị cáo còn lại từ 2 đến 10 năm tù.
Tháng 12/2011, vụ án được xét xử theo thủ tục phúc thẩm. Tuy nhiên, phán quyết của HĐXX Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã khiến dư luận rất bất bình. Số nạn nhân trong vụ án từ 63 người tòa xác định chỉ còn 9 người. HĐXX còn cho rằng Trí và đồng bọn phạm tội không có tính tổ chức. Từ đó, hình phạt với các bị cáo được giảm hơn một nửa.
Sau đó, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao đã tuyên hủy cả hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm điều tra xét xử lại theo quy định.
M.Phượng// VietnamNet