Tín có nhiều biểu hiện không bình thường, hàng xóm cũng biết việc này, nhưng vợ chồng ông Tân lại quá chủ quan. Họ không đưa con đi khám để chạy chữa, thế rồi…
Điềm nhiên như vô tội
Dự phiên tòa sơ thẩm của TAND TP Hà Nội, vợ và các con gái của ông Nguyễn Văn Tân, SN 1961, trú tại huyện Đan Phượng, Hà Nội, buồn héo hon. Người đứng trước vành móng ngựa chính là con, em trai của họ, Nguyễn Văn Tín, SN 1980. Từ sau khi Tín gây chuyện, mẹ và các chị của bị cáo chỉ biết Tín đã hại chết ông Tân, chứ tường tận hành vi của bị cáo thì họ không biết và cũng không muốn tìm hiều. Nay, nghe vị đại diện VKSND TP Hà Nội cất giọng dõng dạc, vạch tội Tín, cả nhà như chết lặng.
Đó là khoảng 22g ngày 8-5-2013, Tín đeo ba lô đi xe đạp từ nhà đến bãi trồng ngô của gia đình ở bãi Đìa Chuối 3, xã Song Phượng, huyện Đan Phượng, Hà Nội, gặp bố xin tiền đi chơi. Trên đường, ngang qua cánh đồng trồng hoa, Tín nhặt được 2 lưỡi kéo và cất vào ba lô. Anh ta nói, định bụng mang về nhà sửa lại dùng. Tới nơi, Tín dựng xe đạp ngoài đường rồi đi bộ vào lều. Lúc này, ông Tân đã buông màn, chuẩn bị đi ngủ. Thấy Tín, ông Tân vén màn, thu mình trên chiếc chõng tre. “Cho con ít tiền để khao bạn” – Tín nói với bố và ông Tân từ chối vì không có. Vì lẽ đó, hai bố con đôi co khá lâu.
Muốn chấm dứt cuộc nói chuyện không đâu, ông Tân nằm nghỉ và buông câu nói chán đời: “Thôi con giết bố đi còn hơn”. Tín không nói không rằng, anh ta ra chỗ để chiếc ba lô, lấy 2 lưỡi kéo vừa nhặt được rồi quay lại. “Bố đừng ép con”, Tín cất giọng khiến ông bố này ngồi bật dậy. Cả hai tiếp tục cãi vã. Ông Tân vẫn nhất quyết không cho tiền. Tín liền cầm lưỡi kéo lao vào đâm bố. Ông Tân cố thoát khỏi lưỡi kéo của con. Không may, dây màn đứt, phủ lên người ông Tân. Khi bố không có cơ hội thoát thân, Tân giáng những nhát kéo chí mạng…
Biết bố đã chết, Tín điềm nhiên mắc lại màn. Anh ta đặt ông Tân nằm ngay ngắn trên chõng tre, vuốt mắt rồi cầm 2 lưỡi kéo ra rãnh nước gần đấy rửa vết máu. Sau khi cất hung khí vào ba lô, nghịch tử đạp xe đến chùa Trăm Gian, huyện Quốc Oai, Hà Nội, lẩn trốn. Sớm 9-5-2013, chị Đỗ Thị Tần đến mua ngô của ông Tân là người đầu tiên phát hiện vụ việc.
Sau đó, trưa cùng ngày, Tín quay về lều trồng ngô của gia đình. Thấy có đông người, anh ta đến ngôi nhà hoang ở cánh đồng Đắc Sở, huyện Hoài Đức, Hà Nội, ẩn náu. 19g30 cùng ngày, Tín đến nghĩa trang thôn Thu Quế, nơi đặt quan tài ông Tân để chịu tang thì bị CA huyện Đan Phượng bắt giữ.
Nguyễn Văn Tín giây phút nghe Tòa tuyên án. Ảnh: Hoa Đỗ
Đứa con được chăm chút phụ lòng mẹ cha
Tín là con út của ông Tân, trên anh ta còn có 3 người chị khác. Dù gia cảnh khó khăn nhưng vợ chồng ông Tân không để Tín phải vất vả. So với đám bạn cùng trang lứa, Tín được chăm chút hơn nhiều. Nhưng ông Tân phiền lòng vì Tín phụ công bố mẹ. Không như 3 người chị gái, chịu khó, ham học, Tín chẳng chú tâm học hành. Là “cậu ấm” nên anh ta được nuông chiều. Đáng chú ý, từ bé, Tín đã sống thu mình, ít khi giao du bạn bè, hàng xóm, tính tình lầm lì. Càng lớn, tính cách ấy càng rõ rệt nhưng gia đình lại không nghĩ Tín có bệnh. Họ không đưa con đi khám hay chạy chữa. Tín từng tham gia quân ngũ. Xuất ngũ, anh ta vẫn lông bông, không nghề nghiệp. Dù ở cái tuổi “tam thập nhi lập” nhưng Tín chỉ lo đi chơi, việc đồng áng cũng bỏ mặc bố mẹ. Không chí thú làm ăn, lại bất bình thường nên Tín chưa lập gia đình.
Hàng xóm của Tín cho hay, sáng sáng anh ta vẫn đi tập thể dục rồi cả ngày chỉ ngủ. Đêm đến, Tín thường mò ra đồng “luyện công” và đi bắt rắn, chuột về ăn. Người làng nhiều phen bắt gặp Tín ngồi trên mộ thiền, tay khua khoắng như trong phim chưởng. Ai cũng bảo Tín “hâm hâm”. Khi Hà Tây được sáp nhập về Hà Nội, giá đất huyện Đan Phượng cũng vì thế mà được đẩy cao, gia đình ông Tân thuộc vào diện nhiều đất, có diện tích được đền bù. Có điều khi có tiền, mâu thuẫn gia đình đẩy lên cao. Tín đòi chia 100 triệu đồng, ông Tín đành thuận theo. Có món tiền lớn trong tay nhưng Tín không sắm xe máy. Anh ta vẫn đi chiếc xe đạp địa hình. Tưởng mọi sự như vậy đã yên ổn, ai dè, Tín lại quay ra trách móc ông Tân về việc hứa cho đi xuất khẩu lao động và đòi bố phải đưa 90 triệu đồng nữa. Ông Tân không chấp nhận nên hai cha con hay khục khặc về chuyện tiền nong. Mỗi lần rượu bia vào, Tín lại gây sự và đe dọa bố.
Chứng kiến cảnh hai bố con cãi vã, thậm chí đánh nhau vì những lý do không đâu, nhiều người can nên không xảy ra chuyện. Có lần, chỉ vì con chó nhà nuôi cắp con chuột mà Tín vừa bắt về, Tín phang con chó lăn quay. Ông Tân mắng mỏ, thế là hai bố con vác thuổng, gậy đuổi nhau vòng quanh xóm. CA xã đã phải xuống can thiệp họ mới dừng tay.
Về mâu thuẫn giữa hai cha con, ông Bùi Văn Thành, trưởng CA xã Song Phượng thừa nhận, trước khi xảy ra vụ án đáng tiếc này, CA xã Song Phượng đã vài lần xuống nhà để cảnh báo ông Tân phải đề phòng và giáo dục về những hành vi của Tín đối với bố. Tín cũng từng bị điểm mặt trong những nghi án phá hoạt tài sản của người khác trên địa bàn mà CA huyện Đan Phượng phải triệu tập lên điều tra (năm 2008, anh ta róc vỏ, chặt cây của gia đình hàng xóm và năm 2012 lại chặt phá 198 cây đu đủ trong vườn một gia đình khác).
Trước tòa, Tín nhận tội. Đại diện cho nạn nhân, vợ và các con gái của ông Tân hết lời mong tòa giảm án cho Tín. Xét bị cáo mắc bệnh tâm thần, bị hạn chế khả năng nhận thức, TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt anh ta 13 năm tù về tội “Giết người”.
Xảy ra vụ án này, nhiều người thương nhưng cũng tiếc ông Tân việc ông bố này không đưa con đi khám, phát hiện ra bệnh tật để có cách chạy chữa.
Kết luận giám định pháp y tâm thần ghi “bị can Tín mắc bệnh rối loạn nhân cách dạng phân liệt. Trước, trong và sau khi thực hiện hành vi phạm tội bị can hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi. Cơ quan điều tra áp dụng biện pháp chữa bệnh bắt buộc đối với bị can. Đến tháng 8-2014, cơ quan CSĐT – CATP HN đã phục hồi điều tra vụ án, phục hồi điều tra bị can Tín.
Tín chỉ là một trong số những người tâm thần gây án và hiện nay, chưa có một văn bản nào quy định về trường hợp cơ quan, tổ chức nào có trách nhiệm đưa người bị tâm thần chưa thực hiện hành vi phạm tội đến cơ sở khám chữa bệnh điều trị. Việc chữa bệnh bắt buộc chỉ được áp dụng từ giai đoạn điều tra theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, khi đã xảy ra hậu quả của hành vi vi phạm pháp luật.
Để ngăn ngừa người tâm thần phạm tội thì trước hết gia đình phải quan tâm, phát hiện bệnh của con, em mình để đưa đi chữa trị kịp thời. Các cơ quan, đoàn thể ở địa phương, cần quan tâm giúp đỡ người bệnh và gia đình họ nhiều hơn nữa. Nếu thấy dấu hiệu bệnh nhân không thuyên giảm, có những hành động mất kiểm soát, đe dọa an ninh trật tự, phải nhanh chóng phối hợp, động viên gia đình đưa những trường hợp đó đến các BV tâm thần để điều trị.
Theo: Hoa Đỗ - PLXH