Lực lượng chức năng đang tìm kiếm bà Nguyễn Thị Ngọc Thạnh (30 tuổi) và bà Huỳnh Thị Tâm (36 tuổi). Theo báo cáo thì khả năng 2 người này đã tử vong.
Sống lay lắt ở Mã Đà
- Cập nhật : 20/10/2014
Không điện, không đất sản xuất, thiếu nước… là những nỗi cơ cực kéo dài gần 10 năm nay của gần 200 hộ dân ở xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai.
Nằm khuất sâu trong con đường đất đỏ là những ngôi nhà xập xệ, yếu ớt như chực đổ, gần 200 hộ dân ở đây không có điện để sử dụng hơn chục năm nay. Nguồn nước trở nên khan hiếm. Đến định cư ở đây từ năm 1989, chú Hai (ngụ ấp 5, Bà Hào) ngán ngẩm: “Sinh hoạt rất khó khăn, cứ tối đến là mò mò trong bóng đêm, ngán lắm. Ngọn đèn dầu, bình ắcquy cứ thế thay nhau, ngót nghét như vậy cũng đã 25 năm”. Chị Nguyễn Thị Ngọc (ngụ ấp 5, Bà Hào) ám ảnh: “Chắt mót mãi mới mua được cái bình ắcquy để dùng, ban ngày còn thấy đường mà làm việc này việc kia, đêm đến cứ quây lại một chỗ mà ngồi với nhau thôi”.
Bó gối nhìn trời
Thiếu cái này, hụt cái kia, họ lúng túng không biết phải bắt đầu từ đâu cho cuộc sống của mình tốt hơn. Hầu hết các gia đình rơi vào cảnh không việc làm, không có đất sản xuất. Người lao động duy nhất trong gia đình là con trai của chị Ngọc thì hằng ngày vào rừng lượm mủ chai để bán. Đây là cái nghề duy nhất có thể gọi thành tên ở đây: Nghề lượm chai. Gia đình chị tám người nhưng thu nhập chưa tới 50.000 đồng/ngày. Chị Ngọc lắc đầu khi nghĩ về tương lai: “Không có điện, không có đất để sản xuất, cứ quanh quẩn trong nhà ăn không ngồi rồi. Đói nghèo, cái khó cứ đeo bám dai dẳng mười mấy năm nay rồi”. Chồng mắc bệnh nặng, phải chạy vạy khắp nơi để trang trải chi phí, cứ vay hết người này để trả cho người kia, đến hạn không thể trả, người ta lại đến nhà chửi mắng. Đã có lúc chị muốn chết đi cho khỏe, kiếp sống của chị chẳng còn gì để có thể bám víu nhưng còn chồng con, còn đứa cháu đang nằm đó, chị không đành lòng…
Kiểm lâm viên đến thăm một nhà dân. Nhà xập xệ là tình trạng chung của hầu hết hộ gia đình ở đây. Ảnh: TIẾN DŨNG
Cảnh người dân ngồi bó gối nhìn trời đất vì ăn không ngồi rồi là cảnh thường thấy ở đây. Lao động hiếm hoi trong vùng một vài người vào rừng lượm mủ chai, một thanh niên vào rừng kiếm lan về nuôi bán, hoặc lâu lâu ngoài huyện có ai kêu đi chở hàng, phụ hồ thì tranh nhau làm. Một số nhà khá giả hơn chút là nhờ trong nhà có thanh niên, họ còn sức để ra phố làm công nhân gửi tiền về giúp gia đình.
Nhà nào cũng lâm vào tình trạng như nhau, không nghề nghiệp ổn định, nhà xuống cấp không được sửa. Nhiều năm nay, họ mòn mỏi chờ đợi, nhiều lúc buông xuôi với chính cuộc sống của mình.
Nghỉ học đi lượm chai
Ngọn đèn dầu là bạn tri kỷ của mọi gia đình ở đây. Nhiều người dân ở đây nói rằng họ chưa bao giờ đi chợ cho biết con cá, miếng thịt. Thức ăn thường là muối, nước mắm, nước tương, sang lắm là trái mướp xào cho qua bữa, trong vườn có thứ gì nấu được thì nấu. Cuộc sống của họ chỉ quẩn quanh trong căn nhà xiêu vẹo, mặc thời gian bào mòn. Ngay chính ngôi nhà của mình, họ cũng không thể tự tay chăm sóc nó, khắp xóm là những ngôi nhà liêu xiêu, chông chênh như chính cuộc đời mà họ đang sống.
Như một điều hiển nhiên, lũ trẻ ở đây cũng dần bỏ học vì cuộc sống quá khó khăn. Những người già xót xa cho thế hệ con cháu của mình. “Chúng tôi già rồi, coi như cuộc đời chúng tôi bỏ đi nhưng còn lũ nhỏ, tội nghiệp chúng, phải học chữ thì may ra mới sáng sủa hơn” - chú Hai nói. Không có thu nhập chính, nhiều hộ dân đều chủ động cho con nghỉ học.
“Hồi tụi nó còn đi học, một ngày mất hết 15.000 đồng tiền đi xe, thêm 10.000 đồng tiền ăn nữa, mà thu nhập một ngày của cả nhà chưa tới 50.000 đồng, có hôm chỉ có 10.000 đồng thôi làm sao mà đủ sức để lo cho hai đứa nó…” - chị Ngọc tâm sự.
Gần đó, đứa con trai đầu 12 tuổi nhà chị Nguyễn Thị Phương Thảo cũng đã phải nghỉ học để vào rừng lượm chai nuôi mẹ và hai em. Người con đầu của chị Nguyễn Thị Bé Hiền (ấp 5, Bà Hào) cũng đang đứng trước nguy cơ phải nghỉ học lớp 5 vì chẳng biết lấy tiền đâu ra. Nhà có năm đứa con, chồng không có công việc gì ổn định, ai kêu gì làm đó, chị không biết làm việc gì nên ở nhà chăm con. Thu nhập của chồng một ngày chưa đến 100.000 đồng nhưng phải cáng đáng đến bảy người. Ngày còn trong hộ nghèo, chị còn được hỗ trợ phí cho con ăn học, giờ chị không nằm trong diện đó nữa nên túng thiếu hơn, chị đã tính đến chuyện cho con nghỉ học vì không kham nổi.
Chú Hai xót xa: “Vì khó khăn quá nên lũ trẻ bỏ học, đến mùa vào rừng lượm chai. Có hôm tụi nhỏ vào rừng, say mê quá rồi đi sâu vào trong, bị lạc không tìm thấy lối ra phải ngủ lại. Có đứa thì bị rắn cắn, đứa thì leo cây chưa rành, té rồi gãy tay, gãy chân là chuyện thường”.
Những gọn đèn dầu nơi ấy sẽ leo lắt đến bao giờ?!
Thanh Tuyền - Theo: PLO
Đến nay, chưa có cơ quan chức năng nào trả lời một cách chính thống đến khi nào di dời cho bà con. Thậm chí đến dự án di dời dân cư còn chưa được phê duyệt, đây là vấn đề hết sức khó khăn đối với chính quyền địa phương. Tôi là chủ tịch xã nhưng cũng không thể trả lời cho người dân về vấn đề di dời, chừng nào di dời và lộ trình ra sao, ngay cả tôi cũng không rõ.
Ông ĐINH QUỐC SƠN, Chủ tịch UBND xã Mã Đà
Dự án di dời và ổn định dân cư hai xã Mã Đà và Hiếu Liêm (huyện Vĩnh Cửu) do UBND huyện Vĩnh Cửu làm chủ đầu tư. Hiện Sở NN&PTNT đã tham mưu cho UBND tỉnh Đồng Nai có văn bản trình Bộ NN&PTNT xin ý kiến phê duyệt và xin hỗ trợ kinh phí đầu tư. Dự án này rất lớn, di dời khoảng 1.000 hộ của hai xã Mã Đà và Hiếu Liêm với số kinh phí để di dời khoảng gần 700 tỉ đồng. Sau đó sắp xếp lại cuộc sống cho người dân là nhiệm vụ rất nặng nề.
Để giải quyết khó khăn về điện, chúng tôi đã hỗ trợ người dân kéo điện về nhưng triển khai từ từ vì chưa có đủ kinh phí. Tôi mong muốn cấp trên sớm bố trí ngân sách để thực hiện dự án. Khi nào trung ương bố trí vốn thì UBND huyện sẽ triển khai dự án ngay.
Ông TRẦN GIA SONG, Phó Chánh văn phòng UBND huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai