Là mảnh đất giáp ranh giữa Hà Tĩnh và Quảng Bình, có Cửa khẩu quốc tế (CKQT) Cha Lo, Minh Hóa có điều kiện để phát triển kinh tế. Tuy nhiên kèm theo đó là các tệ nạn xã hội, tội phạm nảy sinh làm “dậy sóng” những làng quê vốn dĩ yên bình.
Những kẻ giết người: Vào sòng bạc trốn tội giết người
- Cập nhật : 26/07/2014
Vụ án mạng xảy ra tại thôn Thế Long, xã Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh vào đêm 2-2-1998 (tức mùng 6 Tết Mậu Dần) đã trôi qua hơn 16 năm, nhưng đối với các điều tra viên thuộc Phòng Cảnh sát điều tra ngày ấy - hiện đang giữ chức vụ khác nhau trong lực lượng Công an tỉnh Quảng Ngãi, vẫn không quên những ngày đêm đấu tranh liên tục với kẻ tình nghi. Cuối cùng, bằng sự kiên trì, mưu trí kết hợp với việc sử dụng chiến thuật xét hỏi linh hoạt, các điều tra viên đã buộc đối tượng bị bắt về hành vi "đánh bạc" phải cúi đầu nhận tội giết người, cướp tài sản.
Án mạng tại vùng quê
Sáng sớm 3-2-1998 (mùng 7 Tết Mậu Dần), anh Nguyễn Hữu Nghiệp (ở thôn Thế Long, xã Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh) trong khi chở phân ra ruộng, đến khu vực gò hàng Cầy thì phát hiện người phụ nữ nằm bất động, mặt úp xuống đất. Nạn nhân tên Lê Thị Liêm (ở xóm 1, thôn Thế Long). Nhận tin báo, các giám định viên và trinh sát, điều tra viên của hai phòng Cảnh sát hình sự, Cảnh sát điều tra đến ngay hiện trường. Căn cứ vào kết quả giải phẫu tử thi, cơ quan chức năng đưa ra nhận định: Nạn nhân chết do bị bóp cổ và bị đánh vào đầu dưới tác động của vật tày. Đây là một vụ án giết người, cướp tài sản.
Ban chuyên án được thành lập do thượng tá Lê Thu - Phó giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh làm Trưởng ban; trung tá Nguyễn Tiến Sanh - Trưởng phòng Cảnh sát điều tra làm Phó trưởng ban cùng thành viên là các trinh sát, điều tra viên có nhiều kinh nghiệm của Công an huyện Sơn Tịnh.
Tổng hợp từ kết quả xác minh các thông tin do quần chúng cung cấp và lời khai của những người thân trong gia đình, nạn nhân Lê Thị Liêm đã 35 tuổi nhưng chưa có chồng, sống khép kín ít giao du, ở với cha mẹ già, phụ giúp gia đình. Đêm bị giết, chị Liêm có xin phép cha mẹ đi xem tivi tại nhà ông Nguyễn Hữu Lý (ở cùng thôn), sau đó cả đêm gia đình không thấy trở về.
Sáng 3-2, Ban chuyên án phân công tổ trinh sát xác minh trên 15 đối tượng có tiền án, tiền sự là người ở địa phương, nhưng họ đều không có biểu hiện bất minh về thời gian; một tổ khác tập trung điều tra các mối quan hệ của nạn nhân trước ngày bị giết và được biết, trong những ngày Tết, nhiều người thấy chị Liêm cùng một số bạn gái trong thôn đi chơi với nhóm thanh niên là người ngoài địa phương. Hai bạn gái của chị Liêm là Phương, Huệ cung cấp: sáng 31-1 (tức mùng 4 Tết Mậu Dần), họ đã đi cùng hai thanh niên có độ tuổi từ 30 đến 35, một người tên là Luấn, một người tên Bình.
Tại nhà chị Liêm, người thanh niên tên Bình chủ động rủ cả nhóm tiếp tục đi Tịnh Thọ chơi, thăm một người bạn gái tên Hường (sau này được biết là người yêu cũ của Bình). Ở nhà Hường khoảng hơn 2 tiếng đồng hồ, cả nhóm đi về lại Tịnh Phong, tất cả đi bằng xe đạp; Luấn chở Phương, Bình chở Liêm còn Huệ đi một mình. Đến đây, các điều tra viên tập trung vào chi tiết Bình chở chị Liêm.
Thông tin về Bình - Luấn rất ít ỏi, chỉ biết được là người ở huyện Bình Sơn, làm nghề buôn bán đồ gốm. Huyện Bình Sơn có 23 xã, 1 thị trấn thì việc xác minh nhân thân Bình, Luấn là cực kỳ khó khăn. Đại tá Nguyễn Tiến Sanh, nguyên Trưởng phòng Cảnh sát điều tra, nhớ lại: Lúc đó với tư cách là Phó trưởng ban chuyên án, tôi đã quyết định cử hai điều tra viên là đại úy Nhan Liên và đại úy Phạm Xuân Thu tập trung xác minh ở hai xã Bình Long và Bình Nguyên, vì tôi được biết người dân ở đây có một số người sinh sống bằng nghề buôn bán đồ gốm.
Tại xã Bình Long, Luấn khai, trong thời gian đi nghĩa vụ quân sự (1983 - 1986) có ở cùng đơn vị với Nguyễn Thanh Bình (SN 1965) ở thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn. Sáng 31-1 được Bình rủ đi chơi tại xã Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh cùng Phương, Huệ và Liêm. Đấu tranh với Luấn về thời gian đã loại ngay đối tượng này ra khỏi diện nghi vấn. Cũng thông qua lời khai của Luấn, trinh sát biết được Nguyễn Thanh Bình hiện đang sống với vợ thứ 2 là Phạm Thị L. ở xã Bình Nguyên.
Chiều 5-2, khi đến nhà Phạm Thị L., đại úy Phạm Xuân Thu đi cùng một số công an viên của xã, phát hiện một thanh niên đi xe đạp mang theo cặp lồng, liền bất ngờ gọi: “Bình!”. Đối tượng thoáng giật mình, nhưng vẫn trả lời: “Có gì không anh? Nhà em đây! Em vừa mới đi mua cháo về cho vợ”. “Chúng tôi mời anh lên trụ sở Công an huyện cho hỏi thăm một số việc”.
Khám xét túi quần của Bình, CA phát hiện 3.250.000 đồng, Bình cho biết do đánh bạc mà có. 19 giờ cùng ngày, lệnh bắt khẩn cấp Nguyễn Thanh Bình về hành vi “đánh bạc” được thực hiện. Thượng tá Ngô Trọng Khôi, hiện là Phó trưởng Công an huyện Mộ Đức (lúc đó là thiếu tá, Đội trưởng Đội án truy xét thuộc Phòng Cảnh sát điều tra), người trực tiếp thực hiện “lệnh bắt khẩn cấp” Nguyễn Thanh Bình, khẳng định: Đây là bước ngoặt của quá trình điều tra vụ án, vì nếu không bắt ngay được đối tượng vào chiều 5-2, thì theo lời khai của Bình, sáng hôm sau y sẽ chạy trốn lên tỉnh Đắk Lắk. Như vậy công tác điều tra sẽ gặp rất nhiều khó khăn...
Đấu trí
Song song với việc tiếp tục xét hỏi Bình tại trại tạm giam Công an tỉnh, một mũi trinh sát bên ngoài xác minh tại nơi đối tượng cư trú ở xã Bình Nguyên. Qua đó được biết, hằng năm vào dịp Tết cổ truyền, gần như là ước lệ tổ chức đánh bạc tại các nghĩa tự cho nhiều người tham gia để thu tiền xâu làm quỹ. Nhưng việc xác minh đêm 2-2, Bình có tham gia đánh bạc tại thôn Châu Tự, xã Bình Nguyên hay không thì gặp rất nhiều khó khăn vì những người đánh bạc không dám khai báo, sợ liên lụy đến bản thân. Ban chuyên án phân công các trinh sát gặp gỡ, động viên từng người khai báo trung thực và nói rõ lý do.
Một kết quả bất ngờ đã thu được, những người đánh bạc đều khẳng định đêm đó Bình có mặt ngay từ đầu nhưng giữa chừng đi đâu khoảng hơn một giờ rồi quay lại đánh tiếp. Vậy với thời gian hơn một giờ đồng hồ có đủ để đối tượng này thực hiện hành vi giết người, cướp tài sản hay không?
Ban chuyên án quyết định thực nghiệm nhiều lần, bằng cách cử một trinh sát đi xe đạp trong đêm từ thôn Châu Tự, xã Bình Nguyên, huyện Bình Sơn ra thôn Thế Long, xã Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh (khu vực gò hàng Cầy là hiện trường của vụ án) rồi quay lại điểm xuất phát ban đầu thì mất khoảng 45 phút.
Trước ngày có kết quả xác minh trên, Ban chuyên án nhận thấy trong lời khai của Bình đều rành mạch, rõ ràng; đối chiếu lại các bản cung từng ngày đều giống nhau. Như vậy Bình đã có sự sắp đặt trả lời trước khi bị các điều tra viên xét hỏi. Tuy nhiên, trước những lập luận sắc bén của điều tra viên, đối tượng phải cúi đầu khai nhận về hành vi giết chị Lê Thị Liêm để cướp tài sản. Từ lời khai của Bình, cơ quan điều tra thu giữ khúc cây bạch đàn dùng đánh vào đầu nạn nhân cùng sợi dây chuyền giấu trong thùng sắt đựng đồ phụ tùng sửa chữa xe đạp.
Hành vi phạm tội
Năm 1986, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, Nguyễn Thanh Bình trở về địa phương làm nghề buôn bán đồ gốm sứ. Năm 1988, Bình kết hôn và có hai con. Nhưng do thường xuyên bị đánh đập, đối xử tàn tệ nên người vợ này đã uống thuốc sâu tự tử năm 1992. Năm 1993, Bình tiếp tục lấy vợ là chị Phạm Thị L. ở xã Bình Nguyên, huyện Bình Sơn. Do làm nghề buôn bán đồ gốm sứ đi lại nhiều nơi, Bình quen biết với một số cô gái ở xã Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh và yêu Nguyễn Thị Hường (sau này có chồng về ở xã Tịnh Thọ). Vì đã có vợ, Bình chỉ nói với các bạn gái (trong đó có Hường) là quê ở huyện Bình Sơn. Từ năm 1996, Bình theo cha mẹ lên làm rẫy tại Đắk Lắk. Ngày 18-1-1998 (tức 20 tháng chạp âm lịch), Bình trở về quê ăn Tết. Ngày 31-1-1998, Bình rủ Luấn đi chơi, vào xã Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh thăm các bạn gái cũ. Sau khi từ nhà Hường ở xã Tịnh Thọ trở về, Bình chở chị Liêm. Dọc đường, thấy Liêm đeo nhiều vàng, Bình nảy sinh ý định cướp nên chủ động đi sau cùng và trước khi chia tay, Bình hẹn tối mùng 6 Tết sẽ vào lại nói chuyện tại cống gần nhà ông Nguyễn Hữu Lý (mà chị Liêm thường đến xem tivi).
Trưa 1-2 Bình ra đống củi sau nhà lấy khúc cây bạch đàn đem giấu trong buồng ngủ. Khoảng 18 giờ 20 hôm sau, ăn cơm xong Bình lấy khúc cây lận vào người, nói với vợ đi chơi bằng xe đạp. Do tính toán trước, Bình chủ động đến thôn Châu Tự, xã Bình Nguyên đánh bạc nhằm đánh lạc hướng cơ quan công an. Đến 20 giờ 15, trong lúc các con bạc đang say sưa, Bình trốn vào xã Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh. Đứng đợi khoảng 10 phút tại cống trước nhà ông Lý, Bình thấy chị Liêm đi ra, liền rủ tới khu vực gò hàng Cầy để tâm sự.
Đến nơi, chị Liêm để đèn pin trước mặt còn Bình cũng lấy khúc cây bạch đàn ra để bên cạnh. Sau đó hai người nói những chuyện vu vơ về quan hệ bạn bè. Một lúc sau, thấy chị Liêm gục đầu trên đầu gối, người hơi nghiêng qua phía bên trái, Bình xoay lưng lại bóp cổ nạn nhân. Sau đó đối tượng lấy cây bạch đàn đánh vào đầu cho đến khi chị Liêm bất động hoàn toàn. Bình nhanh chóng lột tất cả trang sức trên người nạn nhân (gồm 2 nhẫn, 2 bông tai và 1 sợi dây chuyền) bỏ vào túi quần rồi đạp xe về lại nơi đánh bạc. Gần 22 giờ đêm, Bình trở về nhà ngủ.
Sáng 3-2, sau khi ngủ dậy, thấy vợ con đi vắng, Bình mang 2 nhẫn, 2 bông tai đi bán tại một tiệm vàng ở thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn được 910.000 đồng rồi tiếp tục đánh bạc. Chiều 5-2 do vợ bị ốm, Bình đi mua cháo, khi quay về thì bị bắt.
Xét hành vi phạm tội của bị cáo, qua các phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, Nguyễn Thanh Bình đều bị đề nghị ở khung hình phạt cao nhất là “tử hình”. Sáng 19-4-1999, các cơ quan pháp luật tỉnh Quảng Ngãi đã thi hành án tử hình Bình tại khu vục núi thuộc xã Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh, gần nơi hiện trường vụ án xảy ra.
Những điều tra viên trực tiếp tham gia điều tra vụ án này, sau đó còn xác minh, điều tra làm rõ nhiều vụ trọng án khác xảy ra trên địa bàn tỉnh, nhưng với họ - vụ án Nguyễn Thanh Bình đã để lại những bài học kinh nghiệm về việc vận dụng phương pháp và chiến thuật xét hỏi đối tượng tình nghi.
Trung Thành
Theo Báo Công An