Đối tượng Bần (tức Bình, SN 1970) vào năm 1999 từng bị TAND tỉnh Quảng Ninh xử phạt 12 năm tù về tội mua bán trái phép chất ma túy. Cuối 2009, Bần mãn hạn tù trở về quê.
Lộ diện “luật ngầm” trừng trị phu vàng đào thoát
- Cập nhật : 16/07/2014
Liên tiếp thời gian gần đây, tại Công ty TNHH Phước Minh (gọi tắt Công ty vàng Phước Minh, trụ sở tại thị trấn Khâm Đức, huyện Phước Sơn, Quảng Nam) luôn xảy ra tình trạng các “phu” vàng vì không chịu nổi cảnh bóc lột sức lao động đã băng rừng, lội suối đào để thoát khỏi nơi làm việc. Mới đây nhất, 4 lao động “nhí” lại tiếp tục chạy trốn khỏi bãi Muối (Phước Thành, Phước Sơn) nhưng tiếc cuộc trốn chạy mới được nửa chừng...
Kinh hoàng địa ngục trần gian
Theo anh Hồ Văn Công (SN 1976, ngụ thị trấn Khâm Đức, Phước Sơn) người đang cưu mang các “phu” vàng “nhí”, bốn em nhỏ đều thuộc dân tộc Khơ Mú gồm Seo Văn Viềng (SN 1995, quê bản Thau Đi, xã Bảo Nam, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An), Cụt Văn May (SN 1998), Cụt Văn Tuột (SN 1988) và Cụt Buôn Hương (SN 1987, cùng ngụ bản Lưu Thắng, xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn).
Buổi sáng ngày 5/6, khi các em chưa bị bắt lại, Xa lộ Pháp luật đã có cuộc tiếp xúc ngắn với các em.
Dù được người dân cho ăn ở tạm, song vẻ thất thần vẫn còn hiện rõ trên những khuôn mặt “già trước tuổi” của các em. Trong câu chuyện chắp vá vì không rành tiếng Kinh, thi thoảng các em cứ rúm ró dòm ngó xung quanh đầy cảnh giác.
Em Viềng kể lại, vào ngày 13/3/2014, em được một người đàn ông dân tộc Thái (không rõ tên tuổi) đưa vào Quảng Nam “làm vàng sa khoáng với mức lương 4 triệu/tháng”. Đi cùng em có 15 người trong cùng 1 huyện, trong đó có 6 người bằng tuổi với Viềng, còn 3 em mới 13 tuổi.
Khi vào đến trụ sở của Công ty TNHH Phước Minh, nhóm tiếp tục được đưa vào bãi bằng ô tô. Tuy nhiên họ không cho cả nhóm ở chung mà chia ra để đi làm tại nhiều khu vực khác nhau. Bốn em bị đưa vào bãi Muối làm thuê cho một chủ bãi vàng có biệt danh “Quang bớp”.
Vào đến đây các em mới biết mình phải chui xuống hầm sâu để làm chứ không phải làm vàng sa khoáng như người “môi giới” nói. Lương cũng chỉ có 2,5 triệu đồng/1 tháng, nhưng phải đến cuối năm mới được nhận 1 lần. Áo quần không được phát, dầu gội đầu cũng không có.
Vừa vào đến nơi, các em được phân công làm việc theo 2 ca trong ngày. Ca 1, làm từ 5h30 – 17h15 . Trưa chỉ được nghỉ có 15 phút ăn cơm rồi làm lại. Mà cơm cũng không có ăn no, thức ăn chỉ chút ít cá khô và thịt mỡ, những đứa trẻ có khi phải lên nhà bếp xin thêm muối để ăn. Ca 2 làm từ 17h30 đến 5h sáng hôm sau.
Cực khổ và thấy nguy hiểm, những đứa trẻ không làm, không chịu chui xuống hầm sâu liền bị chủ cai dùng dây điện đánh. Có em lấy hết can đảm đòi tiền công để về nhà nhưng chỉ nhận lại câu quát: “Bọn bây muốn chết trong rừng sâu hả”. Đã thế, chủ cai còn dặn, khi nào có đoàn truy quét, các em phải chạy vào rừng trốn.
Tối 18/5, Viềng bị ốm sốt rất nặng nhưng chủ cai vẫn bắt làm việc. Thấy thương bạn và không tiếp tục chịu nổi cảnh bị hành xác, 2h ngày 18/5, khi cả trại còn đang say ngủ, bốn em dắt nhau tháo chạy khỏi bãi vàng theo hướng ra thị trấn. “Tụi em cứ thế mà chạy trong đêm, men theo đường rừng vì sợ ra đường chính, nhân viên Công ty vàng Phước Minh bắt lại. Được 2 đêm sau ngủ lại ở rừng, còn thời gian đầu cứ đi mãi. Đói quá, cả nhóm nhổ củ mì, hái lá cây rừng để ăn cầm hơi. Nhiều khi tưởng chết c, nhưng động viên nhau nghĩ đến cha mẹ và anh chị em ở quê nữa mà cố gắng”, May nhớ lại.
Cũng theo May và Viềng, hiện trong bãi Muối có đến khoảng 600 lao động, cả nam lẫn nữ. Trong đó lao động độ tuổi như các em rất nhiều. Việc đánh đập, đào thoát khỏi bãi vàng cũng diễn ra thường xuyên.
Công ty “cướp” lại bốn “tù binh”
Người cưu mang các em nhớ lại: “Hôm đó đang đi làm rẫy, tui thấy 4 đứa bò từ trong rừng ra. Không cần nói, chỉ nhìn qua bộ dạng đói lả, bơ phờ, quần áo rách bươm… của các em, tui biết ngay mấy đứa trẻ ni vừa trốn khỏi bãi vàng.
Thấy rứa tôi đi mua chục ổ bánh mì, nước uống cho ăn. Ngồi hỏi chuyện cặn kẽ, mới biết các em không có tiền, muốn về quê cũng không được nên tui dẫn về nhà cưu mang, cho quần áo mặc. Từng làm vàng nên tôi hiểu được cảnh cơ cực của các em, nhưng tui cũng nghèo quá nên không giúp được nhiều.
Khi các em lại tinh thần, theo nguyện vọng của Tuột và Hương, tui dẫn 2 đứa đi xin làm ở rẫy cho một người dân để kiếm tiền về quê. Còn em May và Viềng ở nhà phụ giúp tôi việc gia đình”.
“Sau khi gặp các em, sao anh không khai báo với chính quyền địa phương?”. Nghe khách đặt câu hỏi, anh Công cười chua chát: “Mấy anh chị không ở đây không biết. Tai mắt, đệ tử của các chủ bãi vàng có khắp thị trấn ni. Chủ mà bắt được mấy em nhỏ này nó giết chết”.
Cùng nhận định với anh Công, anh Quang Văn Sự (SN 1970, ngụ thị trấn Khâm Đức) cho biết thêm, do từng có thời gian 2 năm làm bảo vệ cho Công ty TNHH Phước Minh, nên anh thường xuyên chứng kiến việc bóc lột sức lao động trẻ một cách tàn nhẫn tại đây. Hễ thấy ai bỏ trốn, công ty liền kêu anh Sự đi bắt lại, đánh đập. Tuy nhiên, vì không nỡ ra tay nên anh không làm theo, về sau bị cho nghỉ việc.
Với các công nhân, điều kiện làm việc rất tồi tệ, lao động lớn tuổi, phải “cày” liên tục trong 8 tháng công ty mới may cho một cái áo, còn trẻ nhỏ thì phải đến 1,5 năm. Khi về làm, ban đầu công ty cam kết trả lương 2,5 triệu đồng/tháng nhưng cả năm trời, họ chỉ đưa 5 - 6 triệu đồng.
Những lao động trong các bãi vàng phải làm việc trong điều kiện khắc nghiệt (Hình minh họa)
Nguồn gốc ảnh: Báo Pháp Luật
Cũng chính vì vậy mà theo anh Sự, trước ngày 4 em nhỏ nêu trên chạy trốn vài hôm, cũng có hàng chục người khác bỏ bãi vàng ra đến thị trấn. Tuy nhiên người của công ty chốt chặn ở các ngã tư, truy tìm và bắt được một số người đưa vào lại bãi. “Ở đây chuyện đào thoát khỏi bãi vàng diễn ra hằng ngày. Khi bị bắt vào lại, cai bãi sẽ cầm bàn tay phu vàng hỏi, ngày mày trốn là ngày nào, nếu ngày lẻ, họ bẻ ngón tay út, còn ngày trốn rơi vào ngày chẵn họ sẽ bẻ ngón tay trỏ”, anh Sự bật mí
Sáng ngày 5/6, trao đổi với Xa lộ Pháp luật, ông Hoàng Hoa, Chánh Văn phòng huyện Phước Sơn cho biết, sau khi biết thông tin về các em nhỏ bỏ trốn khỏi bãi vàng, lãnh đạo huyện đã có chỉ đạo Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội huyện cùng cơ quan công an kiểm tra sự việc. Trong tối ngày 5/6, đại diện Công ty Phước Minh cũng đã đến nhà ông Công, xin đưa các em về công ty làm việc trở lại, nhưng các em không đồng ý. Sau đó, Công ty có báo cáo gửi huyện Phước Sơn cho biết, đã trả tiền công của các em từ trước đến nay và cho lên xe đưa các em xuống Đà Nẵng, để từ đó về quê Nghệ An ngay trong đêm.
Câu chuyện có một kết cục buồn. Không hiểu chính quyền giải quyết như thế nào mà qua hôm sau, Công ty vàng Phước Minh đã biết được 4 phu vàng trên đang trú ẩn tại đây, nên sai nhân viên đi “thu gom” đưa về trụ sở Công ty. Thấy vậy, những người đã cưu mang các em không cho phía Công ty vào nhà của mình.
Đến 20h30 ngày 5/6, hơn 10 thanh niên tới, tay lăm lăm hung khí uy hiếp những người dân đứng bên ngoài. Đúng lúc, một nhóm người đi trên chiếc ô tô màu đen mang BKS 43LD - 03077 nhảy xuống, xông vào lôi tuột 4 phu vàng “nhí” lên xe rồi lao vút vào đêm tối trước sự bức xúc của hàng chục người dân địa phương.
Sự việc này cũng đang khiến dư luận những ngày qua ở Phước Sơn đặt dấu hỏi: “Có phải do chính chính quyền địa phương tiết lộ thông tin để công ty vàng biết và đến bắt người? Liệu các em có thực sự được về quê hay vẫn tiếp tục bị đưa vào bãi vàng bóc lột, đánh đập…?”
Vân Anh
Theo: Báo Pháp Luật