Cha, mẹ, em của tướng cướp khét tiếng này là những người bình dị, cần cù, siêng năng. Về phần mình, Bạch Hải Đường có thời gian kiếm sống bằng mồ hôi và công sức lao động tử tế.
Gặp vợ người anh em kết nghĩa của Bạch Hải Đường
Đằng sau cái danh “siêu trộm” manh động của giới giang hồ cũ, ít ai biết quá khứ lương thiện của Bạch Hải Đường. Cha, mẹ, em của tướng cướp khét tiếng này là những người bình dị, cần cù, siêng năng. Về phần mình, Bạch Hải Đường có thời gian kiếm sống bằng mồ hôi và công sức lao động tử tế.
Tính đến nay, hồ sơ về Bạch Hải Đường đã khép lại hơn 30 năm (y chết trong tù vào năm 1983), nhưng dư âm về “siêu trộm” vẫn được người dân truyền miệng với bao giai thoại ly kỳ. Những thông tin về cha mẹ, vợ con, em của Bạch Hải Đường đến nay vẫn chìm trong sự bí ẩn. Đã có nhiều nhà báo, nhà văn, người viết tiểu thuyết, truyện… nỗ lực tìm kiếm để nghe kể chuyện về Bạch Hải Đường nhưng chưa có ai thật sự thành công.
Bà Bé Hai, người có thời gian tiếp xúc nhiều với Bạch Hải Đường.
Với mong muốn đem đến cái nhìn chân thực với độc giả, chúng tôi đã dày công tìm kiếm, cuối cùng cũng sở hữu một số thông tin quý giá. Trong đó, thông tin chân thực nhất được cung cấp bởi một người phụ nữ có chồng từng kết nghĩa anh em với Bạch Hải Đường, hiện sống tại Long Xuyên, nơi Bạch Hải Đường năm xưa thường lưu trú.
Được sự hướng dẫn của công an phường Mỹ Long, TP Long Xuyên, chúng tôi tìm đến đường Thoại Ngọc Hầu. Ở đây có trại Ba Lâu nổi tiếng trước giải phóng.
Khi được hỏi, những người dân trên con đường này đều kể rành mạch, lúc xưa chính con hẻm Ba Lâu là nơi Bạch Hải Đường nương thân cùng cha mẹ và các em mình. Những người cao niên cho biết, so với mấy chục năm về trước, hẻm Ba Lâu không khác là mấy, có chăng chỉ thêm một số ngôi nhà xây bê tông thay bằng nhà vách dừa sàn gỗ và đường đi được cơi lên cao hơn. Trại Ba Lâu vẫn nằm sâu tít hút trong con hẻm nhỏ, bên cạnh những mái nhà cổ san sát mà lúc xưa được gọi là khu ổ chuột của TP Long Xuyên, chốn tá túc của các thành phần tạp nham và dân ngụ cư đến thuê mướn.
Đi sâu vào hẻm, chúng tôi đến nhà bà Bé Hai (61 tuổi), gian nhà nhỏ, cửa cắt ngay lối đi, tương đối chật hẹp. Bà Hai sống với vợ chồng người con trai, ngày ngày bán cơm mướn cho một tiệm nằm gần đường Thoại Ngọc Hầu.
Ban đầu, bà khá ngại, nhưng khi hiểu ý định của chúng tôi muốn dựng lại chân tướng thực của Bạch Hải Đường thì bà cởi mở trò chuyện hơn. Bà Bé Hai nói, chuyện đã qua 3 thập niên, với bao vật đổi sao dời nhưng những gì cơ bản về Bạch Hải Đường thì bà vẫn còn nhớ rõ. Bà là vợ của ông Hai, ngày trước ở trong con hẻm này, rất thân thiết với Bạch Hải Đường. Chồng bà lớn hơn Bạch Hải Đường 3 tuổi, vì mến mộ khí phách của y nên đã kết nghĩa làm anh em. Chính những lần Bạch Hải Đường sang nhà trà, rượu với ông Hai mà bà biết khá nhiều chuyện.
Được trẻ con quấn quít
Bà Hai kể, ngày đó Bạch Hải Đường và gia đình đến hẻm này mướn nhà sinh sống, quan hệ với hàng xóm khá hiền hòa. Bà Hai nói về Bạch Hải Đường có gì đó như ngưỡng mộ. “Tôi không bênh Bạch Hải Đường, nhưng thực tình mà nói, dân chúng lâu nay cho rằng Bạch Hải Đường không phải kẻ tàn ác. Trong xóm này, người nghèo ai cũng ngưỡng mộ khí phách của ông ta. Hồi đó, nghe đâu ổng chỉ đột nhập vào nhà quan chức giàu có, chẳng bao giờ trộm cắp hay cướp bóc của người nghèo. Mà tôi nói cái này nhé, ổng làm gì bên ngoài chứ mỗi khi về hẻm Ba Lâu thì chào hỏi mọi người rất hòa đồng, đặc biệt đám trẻ con cứ líu ríu quấn quýt”, bà Bé Hai nhớ lại.
Hẻm Ba Lâu, nơi Bạch Hải Đường và gia đình từng sinh sống.
Theo bà Bé Hai, người dân trong vùng hồi đó chỉ quen gọi Bạch Hải Đường là Nguyễn Ngọc Truyện, sau này quân cảnh chế độ cũ đăng tin truy nã thì mới xuất hiện cái tên Bạch Hải Đường. Hồi còn ở “khu ổ chuột” Ba Lâu, Truyện ở với gia đình từng có khoảng thời gian sống rất lương thiện. Ba Truyện là ông Nguyễn Văn Của, mẹ là Lê Thị Huê, đôi vợ chồng nghèo sinh được 5 người con, trong đó Truyện là con trai cả, dưới y là những người em gái. Ông Của làm nghề bốc vác, đẩy xe thuê ở khu vực chợ Long Xuyên, bà Huê làm nghề bán bánh mì ở nhà ga, bến xe, bến tàu. Những đồng tiền tằn tiện kiếm được từ mồ hôi công sức, đôi vợ chồng nghèo đều dồn cả vào nuôi đàn con, những mong mai này chúng lớn khôn nên người.
Truyện càng lớn càng khôi ngô, da trắng, môi son dáng thư sinh như được sinh ra trong nhà giàu, vợ chồng ông Của vui mừng hi vọng, mai này Truyện có thể làm được gì đó rạng danh gia đình. Thế nhưng, trái với những mong mỏi của cha mẹ, từ năm lớp 4, Truyện bắt đầu sinh tật, chán học, cứng đầu, không còn ý nghĩ gắn bó với đèn sách nữa. Mặc cho vợ chồng bà Huê cạn nước mắt khuyên răn, Truyện bỏ tất cả, lang thang đầu đường xó chợ, la cà sòng bài, chỗ đá gà hay buồn thì tỷ thí hơn thua bằng những trận đấm đá. Đúng năm 15 tuổi, Truyện quyết định rời trường lớp và bắt đầu ra đời bươn chải bằng nghề lượm rác.
Ngày ngày, Truyện vác một bao xác rắn sau lưng, cầm chiếc khêu sắt lùng sục trong các bãi rác nhặt nhạnh những thứ có thể bán kiếm tiền phụ giúp gia đình. Năm 16 tuổi, cha Truyện làm nghề lơ xe, không cam lòng nhìn cảnh con trai khổ, liền thuyết phục xin cho cậu một chân lơ xe. Chính thời gian đu người bên cánh cửa của những chuyến xe khách tốc hành từ Long Xuyên đi Cần Thơ, Sài Gòn đã biến một thanh niên lương thiện thành kẻ lọc lõi. Ngày ngày chứng kiến cảnh cướp giật, lọc lừa, chèn ép nhau vì kế sinh nhai, gã thanh niên choai rút ra một điều cốt tủy rằng: Hoặc làm vua, hoặc làm giặc. Gia đình Truyện mấy đời lầm lũi, không thể làm quan thì phải làm cái nghề gì đó để thỏa thuê sống.
Ý chí phải làm “cái gì đó” nổi lên trong đầu, một ngày nọ, Truyện quyết định bỏ nghề lơ xe tìm đến võ đường ở Cần Thơ xin học võ. Tại đây, Truyện được một võ sư nổi tiếng thu nhận làm đệ tử, ngay ngày nhập môn, vị sư phụ nhận định rằng, y không phải là người bình thường. Nhưng vị sư phụ không ngờ sau này đệ tử của mình dụng võ để xây nghiệp trộm cắp làm chao đảo xã hội suốt hơn chục năm trời. Từ ngày học võ, do sức khỏe hơn người, lại nhanh nhẹn nên Truyện tiến bộ từng ngày và sớm trở thành một tay đấm xuất sắc của võ đường.
Đó là nền tảng để sau này, Truyện nổi danh với tư cách không những là tên trộm xuất quỷ nhập thần mà còn là tay võ cự phách. Thực tế đã chứng minh, hồi quân cảnh chế độ cũ vây bắt, dù bị còng tay và 3 tay cảnh sát kè kè súng ống áp tải nhưng Truyện đánh gục tất cả để thoát thân. Nguyễn Ngọc Truyện trở thành huyền thoại với danh Bạch Hải Đường cũng một phần từ chuyện một mình tự phá nguy ấy.
Cuộc đời của Bạch Hải Đường được dựng lên thành nhiều bộ phim và đặc biệt là qua sân khấu cải lương. Nhiều giai thoại được thổi phồng, thêu dệt trong dư luận Sài Gòn trong nhiều năm về sự xuất quỷ nhập thần của Bạch Hải Đường như tự tháo còng tay - chân, đào tẩu khỏi trại giam và để lại câu nói Bạch Hải Đường sinh ra không phải để ở tù...
Bạch Hải Đường còn được biết đến như một tên cướp có tuổi thơ cơ cực và có một tấm lòng chính nghĩa, chuyên cướp của người giàu chia cho người nghèo.
Theo Hàn Phong - Lê Hằng/ Pháp luật Xã hội