Đó là nhận định của VKS, được TAND TP Đà Nẵng đồng tình và tuyên hủy án sơ thẩm để điều tra lại.
Ngày 24-9, TAND TP Đà Nẵng xử phúc thẩm đã tuyên hủy án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại vụ cô giáo Lê Thị Ngọc Mai bị quy kết cướp tài sản của ông Trần Ngọc Ngữ, người tình của Mai. Trước đó, án sơ thẩm của TAND quận Thanh Khê đã xử phạt bị cáo Mai bảy năm tù.
Trước khi bị cướp đòi “quan hệ”, bị cướp xong lại tâm tình
Ngay đầu phiên tòa, bị cáo Mai yêu cầu tòa hoãn xử để triệu tập ông Đoàn Sơn Tùng (Công an phường Thanh Khê Tây) và ông Nguyễn Hữu Hưng (điều tra viên Công an quận Thanh Khê) vì cho rằng hai người này đã ép cung, mớm cung và làm sai lệch hồ sơ vụ án. Tuy nhiên, yêu cầu này không được tòa chấp nhận.
Tại tòa, Mai khai như những gì đã khai tại phiên tòa trước đó, rằng do Ngữ xúc phạm mình là đồ giáo viên thấp cấp nên Mai đã tát vào mặt Ngữ và kề dao vào cổ yêu cầu Ngữ xin lỗi. Chiếc nhẫn và dây chuyền là do Ngữ tự tháo đưa Mai mang về vì muốn Mai không lấy chồng. Mai trình tòa một phong bì thư phôtô có logo của công ty than (nơi gửi thư cho Ngữ) và nói rằng đây là phong bì mà Ngữ gói vàng đưa cho Mai.
Mai khai sau khi Ngữ tháo nhẫn vàng cả hai còn ngồi nói chuyện tầm 30 phút. Lúc này vợ của Ngữ có gọi điện thoại tới nhưng Ngữ không nghe máy nên bị cáo nói “Anh nghe điện thoại đi kẻo chị ấy lo”. Khi Ngữ nghe điện thoại của vợ, Ngữ nói “chút về” (lát về).
Mai khai ngày xảy ra vụ án, Ngữ còn yêu cầu Mai phải quan hệ tình dục ngay tại phòng bảo vệ của xưởng than. Nhưng do Mai chuẩn bị lấy chồng nên không đồng ý, Ngữ xúc phạm Mai nên mới xảy ra cớ sự. Mai cho biết trước đó Ngữ nhiều lần nhắn tin và gọi điện đe dọa Mai vì muốn Mai không lấy chồng. Có lần Ngữ còn nhắn tin dọa bắt cóc con gái Mai, có lần nhắn tin dọa lấy xăng đốt Mai.
Bị cáo Lê Thị Ngọc Mai và bị hại Trần Ngọc Ngữ. Ảnh: DH
Nhắn tin yêu thương và mang cam tới nhà bị cáo
Mai cho biết sau ngày xảy ra vụ án, Ngữ có viết một lá đơn rút lại đơn tố cáo ban đầu. Nội dung cho rằng sự thật xảy ra không như Ngữ tố cáo mà thực tế Ngữ cũng có một phần lỗi, do quá say không đủ tỉnh táo nên mới tố cáo. Ngữ xin cơ quan chức năng xem xét để hai bên tự thương lượng, không xử lý hình sự. Sau đó, Ngữ đưa lá đơn này cho Mai nói Mai đem đi nộp ở VKS còn Ngữ sẽ nộp ở công an. Vài ngày sau đó, Ngữ đến nhà và mang cam đến biếu mẹ của Mai và có nói đã nộp đơn cho công an.
Thực tế, trong biên bản lời khai tại CQĐT ngày 23-10-2013, ban đầu Ngữ khai bị cáo khống chế, quá sợ hãi nên tháo nhẫn đưa. Cùng ngày này, Ngữ lại khai: Trong quá trình xô xát, sợi dây chuyền rớt ra, sợ bị rớt nên Mai bỏ vào túi, sau đó Ngữ tháo nhẫn đưa và nói “cầm đi, ngày mai nói chuyện”, đồng thời bên dưới có ghi “mong cơ quan chính quyền xem xét để hai bên thương lượng, miễn trách nhiệm hình sự”.
Việc này Ngữ cho rằng khai như vậy là do Mai nhiều lần năn nỉ xin Ngữ khai vậy để giảm nhẹ tội. Còn lá đơn Ngữ thừa nhận do mình viết và ký nhưng viết theo chỉ dẫn của Mai, sau đó vài ngày có mang cam tới nhà Mai để thăm mẹ Mai nhưng không hề nói đã nộp đơn này cho công an và thực tế cũng không nộp cho công an.
Tuy nhiên, Mai cho rằng khi tới công an quận có nhìn thấy lá đơn này nhưng không hiểu vì sao điều tra viên lại không bỏ vào hồ sơ vụ án. Ngoài ra, Mai công khai tại tòa những tin nhắn hỏi han, yêu thương mà Ngữ nhắn cho Mai trước và sau khi vụ án xảy ra. Trước tòa, Ngữ cũng thừa nhận có nhắn những tin nhắn này cho Mai.
Bị hại không hề tê liệt ý chí
Tại phiên tòa, chủ tọa nhiều lần yêu cầu bị hại phải trả lời đúng trọng tâm câu hỏi của tòa.
Bị hại khai Mai kề dao vào cổ, một con kề phía sau cổ là kề hướng sống dao, một con kề trước cổ là hướng lưỡi dao, đồng thời Mai yêu cầu Ngữ tháo nhẫn ra đưa. Do quá lo sợ nguy hiểm đến tính mạng nên Ngữ đã tháo ra đưa. Tòa hỏi sao lúc đó không la thì bị hại trả lời vì sợ nguy hiểm tính mạng và sợ ảnh hưởng tới uy tín, công việc. Tòa: “Tại sao đã sợ nguy hiểm tới tính mạng mà bị hại còn đủ bình tĩnh để cảm nhận con dao kê vào cổ phía sau bằng sống dao? Vì sao trong lúc bị uy hiếp, sợ như vậy mà còn đủ tỉnh táo để nghĩ tới việc ảnh hưởng tới uy tín, công việc?”. Ngữ im lặng.
Ngoài ra, Ngữ khai sau khi lấy được vàng, Mai đã dùng dao rạch nát chiếc áo Ngữ đang mang trên người. Đại diện VKS hỏi tại sao rạch áo mà lại không bị thương tích. Ngữ không trả lời. VKS: “Bị cáo kề hai con dao, một con phía trước cổ, một con phía sau cổ thì tay nào rạch áo và rạch tư thế ra sao?”. Ngữ không trả lời được.
Đại diện VKS cho rằng theo lời khai diễn biến vụ án tại tòa cho thấy bị hại không bị tê liệt về mặt ý chí, căn cứ để buộc tội bị cáo là chưa có cơ sở. Trong vụ án này chỉ có hai lời khai của bị cáo và bị hại, tuy nhiên hai lời khai này lại mâu thuẫn nhau, trước sau bất nhất. Lúc thì bị hại khai mình bị khống chế, lo sợ nên đưa tài sản, lúc lại kêu do tinh thần không tỉnh táo nên khai không đúng và xin rút hồ sơ để tự thương lượng, tránh oan sai cho bị cáo.
Thực tế, trong vụ án này còn nhiều tình tiết chưa được làm rõ. Cụ thể, bị cáo khai sau khi Ngữ đưa vàng hai người ngồi nói chuyện 30 phút nhưng tình tiết này chưa được làm rõ có hay không và nội dung cuộc nói chuyện là gì? Cái phong bì mà Mai cung cấp là có hay không? Bị hại khai Mai nhắn tin đe dọa, còn Mai khai bị hại nhắn tin đe dọa thì đâu là sự thật…?
Đặc biệt, đại diện VKS cho rằng tại phiên tòa phúc thẩm chưa làm rõ được hành vi của Mai có làm tê liệt ý chí, tê liệt sự kháng cự của Ngữ hay không… Từ đó, VKS đề nghị tòa hủy án sơ thẩm để điều tra lại làm rõ những vấn đề này.
Sau khi nghị án, HĐXX đã chấp nhận đề nghị của KSV, tuyên hủy án sơ thẩm vì vụ án còn nhiều uẩn khúc không thể làm rõ ngay tại phiên tòa.
Theo nội dung vụ án, Mai và Trần Ngọc Ngữ (sinh năm 1961, đã có vợ con) có quan hệ tình cảm với nhau. Tối 8-10-2013, Mai đến xưởng sản xuất than nơi ông Ngữ làm việc. Tại đây, Ngữ đang nhậu với một người bạn, sau khi người bạn ra về, Mai và Ngữ trò chuyện và xảy ra mâu thuẫn, Mai dùng tay đánh Ngữ nhiều cái. Sau đó, thấy Ngữ đeo một sợi dây chuyền vàng nên Mai nảy sinh ý định chiếm đoạt. Mai dùng tay giật sợi dây chuyền bỏ vào túi. Tiếp đó, Mai lấy hai con dao đưa vào gần cổ Ngữ khống chế, yêu cầu Ngữ tháo nhẫn vàng đang đeo trên tay đưa cho Mai. Do không có khả năng tự vệ nên Ngữ đã đưa nhẫn cho Mai và sáng hôm sau đi trình báo công an.