Trong điều tra các vụ trọng án, án giết người bao giờ cũng gian nan, phức tạp và khó khăn nhất. Những kết luận của lực lượng kỹ thuật hình sự (KTHS) sẽ là cơ sở đầu tiên quyết định thành bại một vụ án. Đại ngàn luôn bí hiểm và những cuộc lần tìm ở nơi thâm sơn cùng cốc luôn có nhiều tình tiết ly kì và đôi khi rất miền ngược…
Thượng tá Trần Văn Tình, Trưởng phòng Kỹ thuật hình sự (PC54) Công an tỉnh Điện Biên là người có thâm niên hơn ba chục năm gắn bó ở đơn vị đặc thù này. Chuyện về nghề, về những vụ án "vô tiền khoáng hậu" chỉ có ở miền ngược anh kể cả ngày không hết. Tham gia khám nghiệm, giám định KTHS hàng chục ngàn vụ án nhưng những cuộc khám nghiệm hiện trường, pháp y truy tìm hung thủ những vụ giết người luôn ám ảnh anh nhất.
"Ở vùng cao điều tra, xác minh những vụ án mạng có những khó khăn rất đặc thù bởi địa hình, địa vật phức tạp. Các vụ án thường xảy ra ở vùng sâu vùng xa, khi cán bộ lên đến nơi hiện trường xáo trộn, tử thi để lâu ngày mất dấu vết. Kết luận cái chết của nạn nhân có hay không có tội phạm luôn là thử thách "tay nghề" của mỗi cán bộ KTHS" - Thượng tá Tình chia sẻ.
Cán bộ Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Điện Biên khám nghiệm hiện trường một vụ án mạng tại xã Mường Phăng, huyện Điện Biên.
Bây giờ phương tiện kỹ thuật được trang bị khá đầy đủ (thôi hãy khoan kể về cái thời gian khó: Không khẩu trang, không găng tay vẫn khai quật, mổ tử thi như thường) phục vụ công tác khám nghiệm, giám định KTHS. Nhưng vùng cao luôn có những bí hiểm rất… miền ngược gây nhiều khó khăn trong công tác KTHS.
Thượng tá Tình và đồng đội ám ảnh nhất chính là những vụ án mạng từ nguyên nhân 'lãng xẹt", hung thủ chỉ vác xác ném xuống vực sâu, hay bí mật chôn cất nạn nhân ở đâu đó, đến khi phát hiện thì chỉ là nắm xương khô hoặc cơ thể, nội tạng bị thú rừng gặm nham nhở mất sạch dấu vết. "Tìm được tung tích nạn nhân đã khó, sau đó lại kết luận có tội phạm hay không có tội phạm càng không đơn giản, chưa kể rào cản về nhận thức và luật tục cũng là nỗi ám ảnh với cán bộ KTHS" - Đại uý Nguyễn Văn Hưng, Phó trưởng phòng PC54 cho biết.
Vụ án Thào Xìa Của (SN 1977), trú ở bản Huổi Toóng 2, xã Huổi Lèng, Mường Chà xảy ra cách đây chưa lâu là một ví dụ điển hình. Hôm đó người dân phát hiện xác anh Của nằm tại cống thoát nước quốc lộ 12. Khám nghiệm hiện trường cho thấy dấu hiệu một vụ tai nạn giao thông. Chiếc xe máy của nạn nhân nằm dưới cống, trên đường có vết phanh xe, cây cỏ bị đổ rạp do xe ngã độ, lê với tốc độ cao. Nạn nhân chết vào khoảng nửa đêm hôm trước, có uống rượu. Gia đình nạn nhân cũng xác định do anh Của đi uống rượu, tự gây tai nạn tử vong nên mang xác về mai táng theo phong tục địa phương.
Bằng kinh nghiệm và sự mẫn cảm nghề nghiệp, Thượng tá Trần Văn Tình linh cảm đây không phải chỉ là một vụ tai nạn giao thông bình thường. Các anh đã thuyết phục gia đình cho tiến hành giải phẫu tử thi. "Riêng việc thuyết phục gia đình cho khám nghiệm tử thi đã là một kỳ tích.
Ở vùng cao, theo quan niệm mê tín bà con dân tộc không dễ dàng cho ai đó đụng vào cơ thể thân nhân của mình dù rằng đã chết" - Thượng tá Tình chia sẻ. Sau nửa ngày tiến hành khám nghiệm và giám định tỉ mỉ, khách quan cho thấy anh Của bị vật tày, chắc tác động rất mạnh vào vùng ngực, bụng gây vỡ gan, chảy máu trong ổ bụng.
Quan trọng hơn, nguyên nhân gây nên cái chết tức thời cho nạn nhân là do bị bóp cổ. Từ kết luận của Phòng PC54, Cơ quan điều tra đã mở rộng hướng điều xa, xác minh và đã bắt giữ được hung thủ là Giàng A Gì (SN 1992) cùng trú tại bản Huổi Toóng 2, xã Huổi Lèng. Qua đấu tranh khai thác, Giàng A Gì khai nhận, trong khi đang trộm cắp cánh kiến tại đồi cây cọ khiết nhà anh Thào Xìa Của thì bị anh Của phát hiện, tri hô. Gì đã đạp anh Của ngã đập đầu vào gốc cây rồi bóp cổ nạn nhân đến chết. Để tạo hiện trường giả, y đã mang xác nạn nhân xuống khu vực đường quốc lộ giả như một vụ tai nạn xe máy.
Tháng 8/2014, Và A Chua (SN 1972) ở bản Hua Thanh, xã Na Ư, huyện Điện Biên bị một kẻ lạ mặt đang đêm đột nhập sát hại ngay trên giường ngủ làm xôn xao dư luận. Anh Chua bị chém 9 nhát (chủ yếu vào vùng mặt) bằng một vật sắc, nặng gây đa chấn thương, mất máu cấp dẫn đến tử vong.
Lâu nay mọi người đều biết Na Ư là một điểm nóng ma tuý khét tiếng không riêng gì ở Điện Biên mà cả khu vực Tây Bắc. Xã biên giới này có hơn 200 hộ dân với hơn 1.400 nhân khẩu nhưng có đến trên 30 người bị kết án tử hình (trong đó có 15 người đã bị thi hành án), 56 người đang thụ án trong các Trại giam, 17 đối tượng đang có lệnh truy nã đặc biệt với tội danh mua bán, vận chuyển trái phép ma tuý... nên dư luận đều cho rằng đối tượng liên quan đến thanh toán nhau giữa các băng nhóm, phe phái ở Na Ư ở bên kia biên giới.
Qua phân tích kết quả khám nghiệm hiện trường và tử thi, cán bộ Phòng KTHS kết luận đây là một vụ án giết người. Tuy nhiên một kết luận của các anh làm cơ sở cho cơ quan điều tra có hướng truy tìm hung thủ chính là cách ra tay tàn độc, dã man cho thấy thủ phạm nhiều khả năng có mối thâm thù đặc biệt với nạn nhân.
Trung tá Nguyễn Lai Bình khi đó là Trưởng phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội, Phó ban Thường trực Ban chuyên án chỉ đạo lực lượng điều tra, trinh sát phối hợp với Bộ đội biên phòng đồn Tây Trang và Công an huyện Điện Biên rà soát toàn bộ hơn 200 đối tượng hình sự, ma tuý trên địa bàn, trong đó tập trung dựng lại mối quan hệ của nạn nhân với số đối tượng bất hảo tại địa bàn. Từ đó phát hiện đối tượng Và A Hua (SN 1971) có nhiều nghi vấn. Hua từng là bạn tù với nạn nhân về tội trộm cắp. Cơ quan điều tra đã bắt giữ Và A Chua về hành vi giết người. Hua khai nhận, sau khi ra tù 2 người chung vốn mua bán ma tuý. Do ăn chia không sòng phẳng nên Hua đã ra tay hạ sát Và A Chua…
Thượng tá Nguyễn Quang Vinh, Phó trưởng phòng KTHS là người có thâm niên lâu nhất ở Phòng KTHS. Gần 40 năm trong ngành, Thượng tá Vinh gắn bó với công tác pháp y, mỗi năm trung bình anh phải khám nghiệm tử thi trên dưới 20 vụ, trong đó có nhiều vụ phải khai quật.
Chia sẻ về "nghề", Thượng tá Vinh cho biết: "Ở vùng cao, khó khăn lớn nhất của chúng tôi không phải là những chuyến đi bộ, ăn rừng, uống nước khe, sốt rét, bệnh tật giữa rừng mà chính là sự nhận thức và hiểu biết pháp luật của người dân. Nhiều vụ án trọng án xảy ra là do có nguyên nhân từ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan. Hung thủ "mượn" mê tín dị đoan để ra tay, sau đó lại dùng chính hủ tục đó để che giấu hành tung tội ác".
Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Điện Biên ghi nhận ít nhất 6 vụ giết người vì mê tín dị đoan. Hủ tục và quan niệm "ma chò, ma chài" trong vùng đồng bào dân tộc Mông ít nhiều vẫn rơi rớt và gây nhiều vụ án đau lòng. Mùa đốt nương năm ngoái, một số người dân đi rừng phát hiện xác một "con tinh tinh" cháy nham nhở ở một vạt nương thuộc bản Nà Tỉnh B, xã Sa Dung, huyện Điện Biên Đông.
Nhận được tin báo, lực lượng công an, kiểm lâm có mặt tại hiện trường để xem xét vụ việc. Bằng mắt thường các anh cũng phát hiện đây là một xác người đàn ông chứ không phải "con tinh tinh" đang ngoác miệng cười như người dân nhầm lẫn!
Có thể do tử vong lâu ngày, lại bị lửa đốt cháy hầu như toàn bộ dấu vết trên cơ thể không còn. Nhưng bằng kinh nghiệm và sự thận trọng, tỉ mỉ, khoa học, các cán bộ Phòng KTHS đã có cơ sở kết luận nạn nhân tử vong từ trước đó khoảng 2 tháng. Một trong những cơ sở quan trọng định hướng cho công tác điều tra chính là cán bộ KTHS đã phát hiện có lá ngón trong mẩu dạ dầy còn lại của nạn nhân.
Đặc biệt, qua khám nghiệm từng phần xương, các anh nhận thấy có dấu vết ngoại lực tác động mạnh làm gây rạn xương sọ và gẫy 2 dẻ sườn của nạn nhân. Kết luận giám định pháp y của Phòng KTHS khẳng định: Có dấu hiệu hình sự trong vụ án này.
Những vụ án mạng có nguyên nhân từ mê tín gây nhiều khó khăn trong công tác điều tra.
Chính từ những kết luận của Phòng KTHS, Cơ quan điều tra đã tập trung xác định được tung tích nạn nhân là Lầu Thủ Pó, trú tại bản Nà Sản, xã Sa Dung, huyện Điện Biên Đông. Lầu Thủ Pó hành nghề thầy cúng nhưng cách đây gần 3 tháng một số người trong bản tung tin nạn nhân vượt biên sang Lào sinh sống. Một người đang lao động, sinh sống bình thường ở địa phương bỗng dưng phải vượt biên chính là câu hỏi cơ quan điều tra tập trung làm rõ.
Qua xác minh được biết, người tung tin đó là Lầu Dúa Khứ ở bản Nà Sản B. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan điều tra đã triệu tập đối tượng lên để đấu tranh. Trước những chứng cứ thu thập được trước đó do lực lượng KTHS cung cấp, các điều tra viên Phòng PC45 và Công an huyện Điện Biên Đông đã buộc các đối tượng phải thừa nhận hành vi tội lỗi.
Do vợ Lầu Dúa Khứ bị ốm lâu ngày, Khứ đã mời thầy cúng Lầu Thủ Pó đến cúng ma, làm thủ tục chữa trị nhưng bệnh không những không khỏi mà còn nặng thêm nên Khứ nghi ngờ thầy cúng đã yểm "ma chò ma chài" cho vợ mình. Anh ta liền rủ đám bạn "cánh hẩu" Lầu Phó, Lầu Bua Dơ, Lầu Giống Lếnh, Lầu Giả Nu, Lầu Vả Mua và Lầu Giống Dùng bí mật bắt Lầu Thủ Pó vào rừng đánh đập, sau đó ép nạn nhân phải ăn lá ngón tự sát…
Theo: Vũ Mạnh Hà - CAND