Liên quan đến vụ việc bị cáo Hồ Duy Hải ở Long An được tạm dừng thi hành án tử hình, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang yêu cầu các cơ quan liên quan làm rõ bị cáo này có bị kết án oan, sai hay không và báo cáo Chủ tịch nước kết quả trước ngày 4/1/2015.
Hồ Duy Hải khi xét xử tại tòa - Ảnh: Hoàng Phương
Cụ thể, trong công văn gửi Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao ngày hôm qua 4/12, Văn phòng Chủ tịch nước truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch đề nghị chỉ đạo cho tạm dừng thi hành hình phạt tử hình đối với Hồ Duy Hải.
Chủ tịch nước yêu cầu Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao chỉ đạo xem xét, làm rõ trường hợp Hồ Duy Hải có bị kết án oan, sai hay không và báo cáo Chủ tịch nước kết quả trước ngày 4/1/2015.
Liên quan đến việc tạm dừng thi hành án đối với tử tù Hồ Duy Hải, chiều 5/12, TAND tỉnh Long An tổ chức họp báo với sự tham dự của hơn 30 phóng viên các báo, đài. Nhưng thủ tục đầu tiên được TAND tỉnh Long An phổ biến là các phóng viên "không được phép quay phim, chụp ảnh".
Có 17 câu hỏi được các phóng viên đặt ra xoay quanh các vấn đề như: các chứng cứ kết án chưa thuyết phục, dấu vân tay thu thập được tại hiện trường không phải của Hồ Duy Hải thì là của ai? Tòa giải thích thế nào việc không thu giữ được các vật chứng gây án như con dao, tấm thớt mà phải mua ngoài chợ? Tại sao việc tạm hoãn thi hành án không ghi là thừa lệnh của Chủ tịch nước mà lại nói là theo yêu cầu của gia đình…
Tuy nhiên, thẩm phán Lê Quang Hùng, Phó chánh án TAND tỉnh Long An, chỉ trả lời tóm tắt xoay quanh các vấn đề chính.
Theo ông Hùng thì “do bản án đã có hiệu lực pháp luật và ngày 17/5/2012 Chủ tịch nước đã có quyết định bác đơn xin ân giảm, ân xá tử hình của Hồ Duy Hải nên TAND tỉnh không có quyền đánh giá lại chứng cứ. Hơn nữa, trước đó khi Viện KSND tối cao vào gặp thì Hải cũng tha thiết xin ân giảm để có cơ hội chuộc lại lỗi lầm. Vì vậy, nếu các anh chị nào có chứng cứ gì mới hoặc chứng cứ Hồ Duy Hải ngoại phạm thì cung cấp cho Viện KSND tối cao và TAND tối cao, vì việc này ngoài thẩm quyền của TAND tỉnh”.
Rất đông nhà báo tham dự buổi họp báo.
Ông Hùng cho biết sau khi có quyết định thi hành án tử hình đối với Hồ Duy Hải thì bà Loan (mẹ của Hải) đã gửi đơn tới Viện KSND tối cao và Chủ tịch nước xin tạm hoãn thi hành án. Do vậy, Văn phòng Chủ tịch nước đã có văn bản gửi tới Viện KSND tối cao đề nghị tạm ngưng chưa thi hành án, chớ không phải là không thi hành.
Cũng theo ông Hùng thì sau khi bị tuyên án tử hình, Hồ Duy Hải đã có đơn gửi Chủ tịch nước xin ân giảm với lý do từ nhỏ đã bị cha bỏ rơi, thiếu giáo dục của gia đình nên học đòi ăn chơi, dẫn tới hậu quả giết 2 mạng người. Ngoài ra, gia đình bên ngoại của Hải có những người có công với cách mạng, vì vậy bị án tỏ ra rất ăn năn, hối hận.
Tóm lại, theo ông Hùng thì: “Đến giờ chúng tôi vẫn khẳng định bản án được thực hiện đúng trình tự pháp luật và theo đề nghị của Văn phòng Chủ tịch nước, Viện KSND tối cao và TAND tối cao là hai cơ quan có trách nhiệm thẩm tra lại các khiếu nại của gia đình bị án Hồ Duy Hải, thời gian chậm nhất là đến ngày 4/1/2015".
Hồ Duy Hải nhận án tử hình vì tội giết người, cướp tài sản trong vụ sát hại 2 nữ nhân viên Bưu điện Cầu Voi (ấp 5, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) vào đêm 13/1/2008, theo bản án phúc thẩm của Tòa án nhân dân Tối cao tại TP.HCM ngày 28/4/2009.
Trước đó, ngày 4/12, thẩm phán Lê Quang Hùng, Phó chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Long An cho biết, theo kế hoạch thì ngày 5/12, Hội đồng thi hành án Tòa án nhân dân tỉnh Long An tổ chức thi hành bản án tử hình đối với tử tù Hồ Duy Hải.