Để giữ bàn tay không nhuốm máu, "siêu đột vòm" Bạch Hải Đường sẵn sàng chối từ dù giá thuê ám sát một dân biểu lên tới một triệu đồng, tương đương 100 chiếc vespa.
"Siêu trộm" khiến phó chỉ huy cảnh sát tỉnh điên đầu
Trong những ngày rong ruổi miền Tây tìm hiểu về cuộc đời Bạch Hải Đường, chúng tôi được giới thiệu đến ông Lê Trường Thanh (60 tuổi, trú tại phường Mỹ Quý, TP Long Xuyên, An Giang).
Ông Thanh nguyên là Trung úy phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh An Giang, người từng trực tiếp bắt và lấy cung Bạch Hải Đường vào năm 1981. Dù đã về hưu nhưng ký ức từ những lần chạm mặt, tiếp xúc với Bạch Hải Đường trong ông vẫn còn nguyên vẹn.
Ông Thanh nói về siêu trộm: "Người ta gọi Bạch Hải Đường là tên trộm siêu đẳng cũng không ngoa, bởi khả năng trèo tường khoét vách của y thì khỏi bàn".
Ngôi nhà nơi mẹ con Truyện thuê ở tại hẻm Ba Lâu nay đã thay đổi.
Hồi đó, cho đến tận lúc bị thương nặng nằm trong nhà giam, “siêu trộm” giữa lúc hối hận mới hạ bút tường trình những vụ trộm đã gây ra. Đọc 17 trang giấy của Bạch Hải Đường, những cán bộ điều tra ai nấy nhìn nhau kinh ngạc.
Trước giải phóng, Truyện đã thực hiện những vụ “đột vòm” ly kỳ đến khó tưởng. Một trong những vụ "đột vòm" là câu chuyện về “mối duyên nợ” của Truyện với đại úy Nguyễn Văn Triệu - phó chỉ huy quân cảnh An Giang lúc đó.
Nguyễn Văn Triệu vốn là viên cảnh sát nổi tiếng, từng khiến giới tội phạm vùng Long Xuyên khiếp đảm. Những chiến dịch truy quét do viên phó chỉ huy quân cảnh này mở ra thường để lại thiệt hại nặng đối với dân giang hồ.
Khi chiến dịch do Triệu chỉ huy được triển khai, Truyện và đồng bọn đã nhiều lần phải dạt sang các tỉnh lân cận lánh nạn, chờ tình hình lắng xuống mới trở về kiếm ăn. Sợ là vậy, nhưng Truyện không thèm tìm hiểu nhà viên Đại úy này ở đâu để tránh. Bởi suốt "sự nghiệp", Truyện chỉ tuân theo nguyên tắc “ăn hàng” duy nhất là nhà giàu, bên trong có nhiều tài sản giá trị.
Trước khi đến nhà đại úy Triệu, tháng 4/1974, Truyện làm rúng động dư luận thị xã Long Xuyên với chuyến đột nhập tư gia của dân biểu Hạ viện chính quyền Sài Gòn cũ Lê Phước Sang. Truyện đã lấy đi hàng loạt tài sản giá trị, bất chấp sự canh giữ nghiêm ngặt của hàng chục cảnh vệ.
Đáng nói hơn, giữa lúc dân biểu Sang tức tối yêu cầu quân cảnh rầm rộ đi lùng sục thủ phạm, thì một vụ trộm táo tợn khác lại xảy ra. Tư gia của phó chỉ huy quân cảnh tỉnh An Giang - Đại úy Triệu cũng bị trộm đột nhập. Theo lời dư luận đồn thổi, tên trộm trước khi chuồn êm còn dám thách thức viên đại úy khét tiếng bằng cách… tè bậy vào bộ ghế salon đắt giá ngay trong phòng khách.
Lời đồn đại này sau đó được Nguyễn Ngọc Truyện khai trong bản cung ngày 7/7/1975, trả lời cán bộ chấp pháp (Ty An ninh Long Châu Hà), như sau: “Sau khi vào nhà Lê Phước Sang, nửa tháng sau, tôi quay lại Long Xuyên gặp Năng. Tôi và Năng đến nhà đại úy Triệu lấy được một cái vô tuyến và mấy bị quần áo. Sau đó, tôi mở tủ lạnh thấy đồ ăn ngon quá nên ngồi ăn. Ăn xong tôi đi vệ sinh ngay trong phòng khách...”.
Nghe nhiều người đồn, Truyện mới biết mình vừa làm công việc mà giới quân cảnh cho rằng “dám ăn gan trời”.
Truyện kể tiếp: “Thì ra, nhà mà tôi đột nhập là của đại úy Triệu. Sáng hôm sau, đại úy Triệu thấy bị nhục vì không những nhà bị đột nhập mà còn bị tôi phóng uế nên đã chạy ra chợ Long Xuyên, gọi mấy tên giang hồ ở khu vực đó dò hỏi. Mấy tên giang hồ ở Long Xuyên quá rành tôi về cái “bẩn tính” là cứ vô nhà ai lấy đồ, tôi cũng đều ăn uống no say và “vệ sinh” ra nhà rồi mới đi, nên mách lẻo cho hắn biết. Đại úy Triệu đến nhà tôi, đưa theo lính tráng đến bao vây. Nhưng nghe phong thanh, tôi đã chạy thoát từ trước. Dạo ấy, Triệu đã vây bắt tôi mấy lần không được”.
Hai vụ đột nhập liên tiếp vào tư gia hai nhân vật lớn của Long Xuyên lúc đó được báo giới chế độ cũ loan tin như những chuyện “kinh thiên động địa”. Trong khi ai cũng đang mù mờ ám chỉ về một siêu trộm “xuất quỷ nhập thần”, thì đám giang hồ vùng Long Xuyên đều tỏ tường, kẻ “to gan lớn mật” không ai khác chính là Nguyễn Ngọc Truyện.
Riêng đại úy Triệu, vì sợ “mất mặt” khi cầm trong tay cả đám quân cảnh với trang bị hiện đại nhưng không trị nổi một tên trộm nên âm thầm cho quân bố ráp truy bắt Truyện.
“Mấy lần bên quân cảnh vây ráp quanh hèm Ba Lâu bắt Truyện mà có được đâu. Họ còn đến năn nỉ mẹ Truyện chỉ chỗ tài sản y đã bán ngoài chợ Long Xuyên để ra chuộc lại. Chuyện này nghe như đùa mà có thật”, bà Hai Bé (có chồng kết nghĩa anh em với Truyện, nay ngụ hẻm Ba Lâu) cho biết.
"Siêu trộm" thành công cụ?
Gần như suốt quá trình phạm tội trước năm 1975, Bạch Hải Đường không bị “tai nạn” nào đáng kể; hoặc nếu có cũng thoát tội một cách bí ẩn.
Trong quá trình tìm hiểu về cuộc đời “siêu trộm” này qua các tài liệu, cùng lời kể của những cựu trinh sát công an tỉnh An Giang, chúng tôi mới vỡ ra một điều: Trước giải phóng, Truyện nổi tiếng đến nỗi, nói danh xưng Bạch Hải Đường thì ai cũng biết. Thậm chí, y còn hóa thân thành nhân vật điển hình trong các vở cải lương, tuồng và tiểu thuyết với những câu chuyện đậm chất giai thoại được đông đảo người dân mến mộ.
Trong số đó, thật trớ trêu lại có cả những quan chức làm trong chính quyền. Nhờ thế, Bạch Hải Đường đã có người đứng ra bao che bằng những hình thức khác nhau. Lý do này cũng giải thích vì sao, một tên trộm “chọc trời khuấy nước” lại khiến cả hệ thống quân cảnh hùng hậu ở miền Nam không thể tóm cổ được.
Cựu cán bộ Công an Lê Trường Thanh còn nhớ, hồi đó các cán bộ điều tra luôn đặt ra câu hỏi, vì sao Truyện nổi tiếng vậy, lộng hành vậy mà không bị bắt, hoặc bắt rồi cũng được thả ra nhanh chóng? Khi bắt được, đưa ra đấu tranh, tên “siêu trộm” ma mãnh mới khai rằng, hồi trước giải phóng, y có những giấy tờ tùy thân có giá trị như những lá bùa hộ mệnh.
Truyện khai, đã quen một người tên Ba (Truyện không khai rõ ông này làm chức gì) và được vị này đứng ra lo liệu giấy tờ hợp pháp, tránh sự truy nã của quân cảnh. Trong bản khai cung, Bạch Hải Đường kể: “Tháng 6/1972, tôi không có giấy tờ hợp lệ nên trốn lính. Tôi nhờ anh Ba ở Long Xuyên làm giấy tờ. Tôi đưa hình cho anh Ba, anh đã làm cho tôi giấy căn cước mang tên Nguyễn Văn Hà, một giấy đi đường từ Long Xuyên về Bạc Liêu, một giấy đi đường từ Long Xuyên đi Sài Gòn. Anh Ba có bắt tôi hứa là không bao giờ được nói cho ai biết”. Nhờ những giấy tờ tùy thân trên, Truyện dễ dàng qua mặt đám quân cảnh và ung dung sống như một người lương thiện.
Bạch Hải Đường lúc bị giam.
Giá trị của Truyện được nâng lên bội lần khi được một dân biểu tên tìm đến đặt vấn đề ám sát Lê Phước Sang với giá một triệu đồng (bằng giá trị khoảng 100 chiếc xe máy hiệu Vespa lúc đó), nếu Truyện ra tay sát hại được đối thủ của ông ta.
Thế nhưng với một tên trộm có “sỹ diện” như Truyện, tiền bạc không phải bao giờ cũng quan trọng nên hắn đã từ chối đánh đổi bàn tay nhuốm máu lấy số tiền trên. Đó là câu chuyện hoàn toàn có thực, hồ sơ phạm tội của Truyện những vụ gây án của y cao nhất cũng chỉ khống chế nạn nhân chứ không bao giờ giết người.
Những cựu cán bộ Công an tại Long Xuyên, những người già từng tiếp xúc với Truyện tại hẻm Ba Lâu cũng khẳng định, Truyện là một tên cướp phảng phất tính hào hiệp mà giới giang hồ.
Biệt tài chuyển nguy thành an
Chưa dừng lại ở đó, trong lần bị bắt vào trại, Truyện còn tự chuyển nguy thành an khi tìm cách quen thân với quan chức trong hệ thống quyền lực.
Theo hồ sơ lưu lại, thì tại trại giam của quân cảnh Long Xuyên, nhờ miệng lưỡi dẻo quẹo, y kết thân với cảnh sát tên Nguyễn Văn Minh, người này lại quen thân với ông Chánh án tòa án tỉnh An Giang. Nhờ mối quan hệ “bắc cầu”, “siêu trộm” được viên cảnh sát hàng ngày dẫn sang nhà vị Chánh án tỉnh đàm đạo trà, nước. Bạch Hải Đường đi tù như đi chơi rồi được tha sớm.
“Truyện nói chuyện rất nhẹ nhàng, lời lẽ khéo léo, miệng lưỡi lươn lẹo, có lẽ đó là cách mà y dùng trong ngoại giao để quen cán bộ trước giải phóng”, ông Thanh nói.
Theo Hàn Phong - Lê Hằng/Pháp luật Xã hội