Chỉ tính riêng tài sản mà Minh "Sâm" ném vào những thú chơi của mình không dưới nghìn tỷ đồng. Đầu tiên phải kể đến là bộ sưu tập đồ gỗ "độc nhất vô nhị", rồi đến bộ sưu tập đồng hồ, dàn siêu xe...
Bộ mặt thật của Minh "Sâm” và câu hỏi trách nhiệm?
- Cập nhật : 23/08/2014
Sau khi ra tù, Minh “Sâm” hoàn lương bằng con đường doanh nhân, được vinh danh là một trong 1000 doanh nghiệp tiêu biểu, được tặng thưởng nhiều bằng khen, giấy khen. Nhưng thực ra doanh nhân chỉ là cái mác, còn trùm xã hội đen mới là cái thật nhất của Minh “Sâm”…
Hơn 10 năm trước, nhờ có chuyên án của Bộ Công an mà trùm xã hội đen Năm Cam và đồng phạm “sa lưới pháp luật”. Những thế lực bảo kê cho Năm Cam bị bại lộ và không thoát được sự trừng phạt của pháp luật.
Đường dây đánh bạc, cưỡng đoạt tài sản, cho vay nặng lãi, thanh toán nhau kiểu xã hội đen từng tồn tại ở một số tỉnh cũng hết đất sống. Cuộc sống của người dân Thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương khác được bình yên.
Sau đó, một băng nhóm xã hội đen ở Bắc Ninh đã xuất hiện, nhưng vừa bị gỡ bỏ từ chuyên án của Bộ Công an. Cầm đầu băng nhóm xã hội đen là Nguyễn Ngọc Minh (tức Minh “Sâm”), Giám đốc Công ty TNHH Đại An và Nguyễn Thành Hưng (tức Hưng “Sóc”), Giám đốc công ty TNHH Thành Hưng.
Băng nhóm của Minh “Sâm”, Hưng “Sóc” hoạt động chủ yếu ở địa bàn huyện Từ Sơn (Bắc Ninh). Bất kỳ xe gỗ nào khi vào chợ gỗ Phù Khê đều phải nộp cho băng nhóm của Minh “Sâm”, Hưng “Sóc” từ 1,2 - 2 triệu đồng/xe. Nếu ai không chịu, băng nhóm xã hội đen sẽ dùng vũ khí nóng để khống chế hoặc cấm cửa làm ăn. Không chỉ cưỡng đoạn tài sản, băng nhóm xã hội đen này còn tàng trữ vũ khí quân dụng, cố ý gây thương tích và có dấu hiệu phạm nhiều tội khác.
Băng nhóm Năm Cam tồn tại phải nhờ cậy nhiều mối “quan hệ”, trong đó có một số người “biến chất” của cơ quan bảo vệ pháp luật. Băng nhóm Minh “Sâm”, Hưng “Sóc” không biết đã nhờ đến mối quan hệ nào, chỉ biết rằng cả hai đều “núp” với danh nghĩa doanh nhân “thành đạt”.
Không biết từ khi thành lập doanh nghiệp đến nay, doanh nghiệp của Minh “Sâm” đã nộp bao nhiêu tiền thuế cho Nhà nước, tài trợ bao nhiều chương trình văn hóa và nhân đạo ở địa phương, chỉ biết rằng Minh “Sâm” đã được vinh danh là một trong 1.000 doanh nhân tiêu biểu, còn doanh nghiệp nhiều năm liền nhận danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”, được tặng thưởng nhiều danh hiệu thi đua.
Nhờ có mác doanh nhân “thành đạt và hào phóng” mà trùm xã hội đen làm được nhiều việc “động trời” cho đến khi bị bắt. Thế lực nào đã chống lưng cho Minh “Sâm”, Hưng “Sóc”, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an sẽ làm rõ, nhưng có một sự thật rất khó lý giải với nhân dân: Băng nhóm xã hội đen của Minh “Sâm”, Hưng “Sóc” có nhỏ bé bằng “con kiến” đâu mà cơ quan bảo vệ pháp luật địa phương không biết để ra tay phá án; trách nhiệm kiểm tra, giám sát của cấp ủy và chính quyền địa phương đến đâu?
Từ vụ án Minh “Sâm”, Hưng “Sóc” cho thấy việc nhận diện chân dung hành vi của một con người “ma quái” là cực kỳ phức tạp. Nhưng dù phức tạp đến đâu cũng nhận diện được nếu các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng biết lắng nghe ý kiến của nhân dân, những cán bộ thực thi công vụ không “lóa mắt” trước mọi sự "cám dỗ". Mong rằng, các địa phương hãy lấy bài học này để thường xuyên kiểm tra, giám sát tình hình an ninh trật tự, lắng nghe những góp ý của nhân dân, kiên quyết đấu tranh với mọi loại tội phạm, đặc biệt là băng nhóm xã hội đen ngay từ khi manh nha. Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”!
Đăng Dương - Theo Dân Trí